Tiếp tục cuộc hành trình đưa hàng Việt về nông thôn

Cập nhật: 21-02-2011 | 00:00:00

Những con số khả quan

Theo báo cáo sơ kết kết quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong năm 2010, BSA đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP.Hồ Chí Minh tổ chức rất nhiều sự kiện, hoạt động liên quan đến cuộc vận động. Theo đó, đã có 20 diễn đàn, giao lưu với nội dung vận động ưu tiên dùng hàng Việt; đối tượng được vận động mở rộng ở nhiều địa phương trong cả nước. Thông qua các diễn đàn này đã góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt, quảng bá thương hiệu của nhiều doanh nghiệp.

Với chủ đề xuyên suốt trong năm 2010, “Sản phẩm mới, nỗ lực chinh phục mới của hàng Việt”, 10 hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, TP.Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau đã trở thành cơ hội tốt để người tiêu dùng hiểu hơn về hàng nội địa và có những nhận định đúng về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Đặc biệt, việc BSA tổ chức thành công 48 phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại 21 tỉnh, thành phố đã giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận trực tiếp, nhận biết và ủng hộ hàng Việt, bắt đầu có niềm tin đối với hàng Việt. Bản thân các doanh nghiệp cũng nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn để cải tiến sản phẩm cho phù hợp; xây dựng, điều chỉnh và phát triển mạng lưới phân phối, tạo điều kiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm. Đó là chưa kể hàng loạt các hoạt động phối hợp truyền thông khác đã góp phần giúp hàng Việt gần hơn với người tiêu dùng nông thôn.

Chính vì vậy, chỉ sau một năm triển khai cuộc vận động, đã có 71% người tiêu dùng tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao (trước đây có đến 77% người tiêu dùng ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, chỉ 23% tin vào hàng Việt); số lượng, chủng loại hàng Việt Nam trong nhiều siêu thị chiếm đến 70 – 80%. Đơn cử như tại chuỗi siêu thị Co.op Mart, tỷ lệ hàng Việt đã chiếm đến 90%, trong khi con số này năm 2006 là 60%. Nhiều nhóm hàng sản xuất trong nước được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước đây như: sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép sản xuất trong nước có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng; thực phẩm, rau quả 58%; đồ gia dụng 49%; vật liệu xây dựng, đồ nội thất 38%; đồ chơi, dụng cụ học tập 34%; văn phòng phẩm 33%; sản phẩm điện tử, điện lạnh 26%; thuốc men, dược phẩm, dụng cụ y tế 26%; ô tô, xe máy 18%; hoá mỹ phẩm 10%. Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, điều đó thể hiện một tín hiệu vui là người tiêu dùng trong nước đã hưởng ứng và sử dụng hàng Việt một cách nhiệt tình và có trách nhiệm, đồng thời chứng tỏ khả năng cạnh tranh của hàng Việt với hàng ngoại nhập.

Tăng cường tổ chức các phiên chợ về nông thôn

Đó là đề xuất cũng như phương hướng hoạt động của BSA trong năm 2011 nhằm đưa hàng Việt ngày càng chiếm lĩnh sâu rộng thị trường nông thôn. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy, sau mỗi phiên chợ, các doanh nghiệp cần xây dựng thêm mạng chân rết để phân phối hàng Việt, lập bản đồ phân phối ở mỗi tỉnh, xây dựng các điểm truyền thông quảng bá, tiếp thị cho hàng Việt (hiện BSA đang thực hiện thí điểm xây dựng mạng lưới chân rết kèm việc vẽ bản đồ phân phối tại Trà Vinh và xây dựng cửa hàng chuyên bán hàng Việt tại chợ Mái Dầm, TP.Cần Thơ). Điều quan trọng là các hoạt động này cần diễn ra thường xuyên, liên tục, bám sát thực tế.

Được biết, trong năm 2011, BSA tiếp tục tham gia cuộc vận động với 3 tuyến, gồm: Phát triển thị trường (thực hiện chương trình vẽ bản đồ phân phối); phát triển sản phẩm (hiện đã có 15 doanh nghiệp tham gia vào đội ngũ các doanh nghiệp hạt giống của dự án) và phát triển cộng đồng (tiến hành chuỗi 10 ngày hội Hàng Việt Nam chất lượng cao; tư vấn sức khoẻ, dinh dưỡng, phát thuốc, sữa cho người nghèo...).

Bà Thu cho rằng, điều quan trọng để hàng Việt có chỗ đứng trên sân nhà là bản thân các doanh nghiệp phải chuyển động cùng sự chuyển động của xã hội bằng việc đầu tư công nghệ, cải tiến bao bì, mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và tăng cường xây dựng hệ thống phân phối.

Đồng quan điểm, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan nhấn mạnh, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có thể là cơ hội vàng để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải nắm bắt và phát huy hiệu quả cơ hội đó.

Như vậy, việc đưa hàng Việt về nông thôn mới chỉ bắt đầu, nó sẽ là một hành trình dài, ở đó, bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong việc xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng để giữ vững niềm tin với người tiêu dùng, các ngành chức năng cần có biện pháp tuyên chiến với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ kết quả bước đầu của cuộc vận động cho thấy, người tiêu dùng Việt rất tin dùng các sản phẩm trong nước, điều quan trọng là có đánh thức được thị hiếu và nhu cầu của họ hay không.

Theo BSA, tổng doanh thu của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đạt gần 38,319 tỷ đồng; đã có 823.696 lượt người đến tham quan, mua sắm; 1.680 lượt doanh nghiệp, 188 doanh nghiệp đã tham gia chương trình; 60 doanh nghiệp cam kết đồng hành thường xuyên, tham dự toàn bộ mọi chuyến hàng về nông thôn trên cả 3 miền; đã có 20 doanh nghiệp tăng từ 100-200% doanh số tại thị trường nông thôn; gần 300 nhà phân phối, đại lý mới tại các địa phương được kết nối...

Theo KTNT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=264
Quay lên trên