Tiếp tục đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm

Cập nhật: 28-01-2023 | 09:02:14

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những chương trình được tỉnh triển khai thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân, nhất là người dân nông thôn.

Kết quả bước đầu

OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể thực hiện là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh.

Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Trong giai đoạn 2018-2022 triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở Bình Dương, đến nay, có 47 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên; trong đó có 8 sản phẩm 4 sao và 39 sản phẩm 3 sao. Có nhiều sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.


Các sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao đến 4 sao tỉnh Bình Dương

Ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết sau 3 năm triển khai thực hiện, chương trình lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng địa phương. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng với lợi thế của Bình Dương, như: Dưa lưới U&I, dưa lưới Kim Long, bưởi da xanh Tân Mỹ, cam sành Thịnh Thương, cam sành Năm Hạng; các sản phẩm chế biến như tương ớt Vị Hảo, rượu đông trùng hạ thảo, tổ yến Hiếu Hằng…

Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành chuyên môn. Các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao, 4 sao đã có bước cải tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì bảo đảm điều kiện quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh bước đầu đã thấy được lợi ích của chương trình nên việc quan tâm hưởng ứng, thực hiện được lan tỏa tốt hơn. Hệ thống các đối tác của chương trình OCOP, các chuyên gia, các doanh nghiệp dần được kết nối, hình thành kênh hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình.

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, đây là chương trình mới có liên quan đến nhiều sở, ngành, UBND các cấp, nhưng giai đoạn đầu triển khai chương trình một số đơn vị chưa quan tâm, đặc biệt là còn hạn chế trong phát triển đối với nhóm các sản phẩm truyền thống, làng nghề, như gốm sứ, sơn mài. Các sản phẩm đánh giá phân hạng của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng, chưa phát triển các sản phẩm chế biến. Công tác truyền thông chưa lan tỏa được những mô hình hay, sáng tạo của người dân qua triển khai chương trình OCOP. Vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn hạn chế, nhiều địa phương chưa chủ động trong triển khai chương trình. Một số cán bộ quản lý các cấp được phân công kiêm nhiệm thực hiện và thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình, cần có thời gian để nghiên cứu sâu hơn nhằm thực hiện hiệu quả hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh

Có thể thấy, qua 3 năm triển khai chương trình OCOP, một số sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng dự báo tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới còn nhiều thách thức, như: Biến đổi khí hậu và các rủi ro về thiên tai, dịch hại ngày càng diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản nhiều biến động… Tuy nhiên, Bình Dương cũng có những tiền đề tốt, yếu tố thuận lợi để tiếp tục phát huy tiềm năng về khoa học công nghệ, về thị trường, về vốn và nguồn lao động năng động, sáng tạo.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp cần chú trọng thực hiện đối với chương trình OCOP, như sau: Đa dạng các giải pháp tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn cho các chủ thể và các đối tác tham gia chương trình OCOP, ưu tiên chuyển đổi số trong quản lý, triển khai chương trình; đa dạng và chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển các sản phẩm, trong đó trọng tâm là các giải pháp hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống các điểm bán hàng OCOP, kênh thương mại điện tử sản phẩm OCOP… Xây dựng chính sách hỗ trợ cho các chủ thể và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Với quyết tâm nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP xứng đáng với niềm tin của khách hàng và ngày càng mở rộng trên thị trường, ông Phạm Văn Bông đề nghị các cơ quan, đơn vị lưu ý triển khai các nhiệm vụ: Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực tham mưu các giải pháp triển khai chương trình, chú trọng về củng cố bộ máy, công tác tuyên truyền, công tác kết nối các chuyên gia; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thị, chủ thể trong quá trình triển khai chương trình. Các ngành, các hội, đặc biệt là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn, các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường phối hợp, tuyên truyền, kết nối hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng. Các huyện, thị, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch và kiện toàn bộ máy triển khai chương trình OCOP trên địa bàn; trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ cho bộ máy cấp xã, cấp cơ sở.

Mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=750
Quay lên trên