6 tháng đầu năm 2011, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh... Trong bối cảnh đó, Bình Dương vẫn nỗ lực thực hiện khá tốt kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, giúp ổn định được nguồn hàng, góp phần vào chủ trương kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.
Nỗ lực
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các sở ngành, huyện, thị và các doanh nghiệp nằm trong chương trình bình ổn thị trường nhanh chóng triển khai kế hoạch. Cụ thể như Vinatex, CoopMart, CitiMart... trong thời gian qua đã triển khai bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống siêu thị của mình một cách khá nghiêm túc.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại siêu thị Co.opMart Bình Dương (Ảnh T.Hồng)
Theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp khác cũng có kế hoạch tổ chức hàng chục điểm bán hàng bình ổn tại các vùng nông thôn và khu, cụm công nghiệp định kỳ hàng tháng như: siêu thị Vinatex tổ chức bán hàng tại 2 điểm thuộc huyện Dầu Tiếng; siêu thị CitiMart tổ chức bán hàng tại 3 điểm thuộc huyện Phú Giáo; Siêu thị Co.opMart tổ chức bán hàng tại 3 điểm thuộc huyện Tân Uyên...
Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh cũng được giao cho Công ty Cổ phần Dược Becamex cung ứng tới 70 đại lý trong toàn tỉnh và 7 nhà thuốc tại bệnh viện ở 7 huyện, thị đảm nhận để tổ chức bán hàng bình ổn giá. Mặt hàng sách giáo khoa, tập vở, dụng cụ học sinh cũng được giao cho đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo đảm trách bán nhiều điểm tại các huyện Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng. Nhờ đó, giá bán các mặt hàng này đều được giảm so với giá gốc hoặc giá thị trường, như sách giáo khoa giảm 10% so với giá bìa; tập vở giảm 12%, dụng cụ học sinh giảm 15% so với giá thị trường...
Tăng cường quản lý
Để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 15 - 17%, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1120/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng yếu.
Trước hết, phải tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định pháp luật về quản lý giá trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhân dân.
Cùng với đó, xây dựng các biện pháp phù hợp để khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tích cực hưởng ứng chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời ban hành chính sách thuế phù hợp và có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống; kiên trì và nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát.
K.TÂN
Theo công điện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về giá, nhất là việc lợi dụng chủ trương của Nhà nước về điều hành giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường để tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trên địa bàn.
Các mặt hàng thiết yếu gồm: lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng khác như dầu ăn, trứng, đường, bột ngọt, nước chấm, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả... và mặt hàng xăng dầu, thuốc trị bệnh cho người, sách giáo khoa, tập vở và dụng cụ học sinh...