Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số

Cập nhật: 06-03-2023 | 07:35:15

Thời gian qua, Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc về chuyển đổi số (CĐS). Để các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh phát huy các điểm mạnh và khắc phục được những điểm yếu trong thực hiện CĐS, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo thể hiện sự quyết tâm cao trong thực hiện CĐS.

Quyết tâm nâng cao Chỉ số DTI

Tháng 8-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã công bố bộ Chỉ số đánh giá CĐS (DTI) của các bộ, tỉnh năm 2021 với 9 chỉ số chính và 98 chỉ số thành phần. Theo kết quả xếp hạng, Bình Dương đứng thứ 22/63 tỉnh, thành trên cả nước. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, Bình Dương thực hiện khá trong các chỉ số, đặc biệt là các chỉ số về nhận thức số, hạ tầng số, nhân lực số, chính quyền số. Tuy nhiên, tỉnh vẫn có những chỉ số chưa đạt cần khắc phục sớm, như: An toàn thông tin mạng, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.

 Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển. Trong ảnh: Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XV tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Bình Dương (IOC). Ảnh: MINH HIẾU

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết năm 2022, số lượng người lao động được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số là 812.422 người; số lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về CĐS là 504 người; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt 89,74%. Để cải thiện, nâng cao Chỉ số DTI của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành đối với việc xác định DTI cấp bộ, cấp tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về CĐS.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mục đích của việc thực hiện cải thiện, nâng cao Chỉ số DTI của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo là đánh giá được hiện trạng thực hiện CĐS hàng năm của tỉnh; giúp các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thấy được các điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục. Qua đó, tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện và nâng cao Chỉ số DTI của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo; phân công nhiệm vụ cho các ngành, địa phương chủ trì thực hiện hiệu quả các chỉ số chính, chỉ số thành phần của DTI cấp tỉnh được thể hiện trong Quyết định số 922/QĐ- BTTTT của Bộ TT&TT.

Các cơ quan, đơn vị cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp CĐS theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương; duy trì các nhóm tiêu chí đã đạt điểm số cao; phân công rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đề ra nhằm bảo đảm cải thiện, nâng cao các nhóm tiêu chí đạt điểm thấp, chưa đạt.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn

Với quyết tâm cao trong thực hiện CĐS, xem CĐS là xu thế tất yếu, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 146/QĐ- TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Nhân viên kỹ thuật vận hành hệ thống tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương

Theo đó, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo bước đột phá trong triển khai thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, CĐS của tỉnh. Đồng thời, tỉnh phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả Chương trình CĐS tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện CĐS.

Ngoài 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, kế hoạch cũng chỉ rõ các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2025, 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước được tập huấn, cập nhật kiến thức về CĐS, kỹ năng số, công nghệ số; 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực; 100% cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin, CĐS được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số… Đến năm 2030, tỉnh đào tạo được 90 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh có thế mạnh trong đào tạo CĐS; 80% cơ sở giáo dục từ TH đến THPT có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/ STEAM và kỹ năng số...

Thông tin với chúng tôi về công tác đào tạo CĐS và phát triển nhân lực số của tỉnh thời gian tới, ông Lê Tuấn Anh, cho biết sở sẽ tổ chức đào tạo các cán bộ, công nhân viên, viên chức của tỉnh nhận thức về quá trình CĐS, các khung năng lực số và các ứng dụng công nghệ số trong hoạt động nghiệp vụ theo khung năng lực số của Liên minh châu Âu; đào tạo các cán bộ chuyên trách lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh thông qua tập huấn chuyên sâu về các nền tảng công nghệ trong CĐS, chú trọng nhóm giải pháp về xử lý dữ liệu, điện toán đám mây và quản lý dự án. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện đào tạo người dân trên địa bàn tỉnh (học sinh, sinh viên, giáo viên, công nhân lao động, doanh nghiệp) nâng cao năng lực số, tiếp cận các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo) để xây dựng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh; đối với công nhân lao động thì áp dụng chương trình một giờ đào tạo CĐS; đối với doanh nghiệp, chú trọng các kỹ năng về an toàn thông minh, hiểu biết cách ứng dụng các giải pháp của chính quyền thông minh...

Năm 2022, số lượng người lao động được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số là 812.422 người; số lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về CĐS là 504 người; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt 89,74%.

MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=474
Quay lên trên