Năm 2023, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP.Thuận An nhận được sự hưởng ứng tích cực của xã hội, chuyển biến tích cực nhận thức của người dân và mọi thành phần kinh tế, có cách nhìn đúng đắn về việc sử dụng hàng hóa trong nước.
Aeon Mall Bình Dương Canary phối hợp với ngành chức năng tổ chức phiên chợ hàng Việt. Trong ảnh: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm mây tre lá
Đa dạng giải pháp
Trong năm 2023, TP.Thuận An bám sát kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tăng cường giải pháp xây dựng văn hóa mua sắm và thói quen tiêu dùng sản phẩm Việt, triển khai thực hiện tốt CVĐ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trên toàn địa bàn.
Vận động mọi người ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (NTD), thành phố gắn CVĐ với các hoạt động dịp lễ, cuối năm, nhất là cao điểm Tết Nguyên đán, tập trung nội dung liên quan đến kiến thức tiêu dùng như danh mục hàng hóa xuất xứ, cách chọn mua, chế biến sản phẩm an toàn, hàng thật, hàng giả… Thông qua các hoạt động, thành phố tổ chức trao tặng quà cho hộ nghèo, khó khăn với tất cả sản phẩm hàng hóa xuất xứ trong nước.
Song song đó, các phường như Vĩnh Phú, Thuận Giao, Bình Nhâm… tham gia các cuộc phát động tuyên truyền, tổ chức các gian hàng Việt Nam chất lượng cao với giá 0 đồng, phục vụ hộ nghèo được đi chợ miễn phí, chợ tết công đoàn, ngày hội 5.000 đồng… Hàng hóa tiêu dùng là các loại lương thực, thực phẩm gia vị Việt Nam nhằm lan tỏa thông điệp “Nếu sản phẩm cùng loại, chất lượng tốt, giả hợp lý thì hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đặc biệt, trong năm 2023, tham gia CVĐ còn có sự hiện diện của doanh nghiệp (DN) Việt cùng địa phương chủ động phối hợp quảng bá, tuyên truyền, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mô hình “DN đồng hành cùng Mặt trận” được ra mắt nhằm giới thiệu sản phẩm, thể hiện tốt vai trò của DN trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và trách nhiệm xã hội.
Trong dịp tết, lễ hội, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các sở, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng thông qua các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm, thương mại hàng Việt trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố chú trọng công tác hỗ trợ DN trong tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường thông qua các lễ hội tổ chức tại địa phương. Mặt khác, kiểm tra kiểm soát chặt thị trường, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều đầu mối kinh doanh vi phạm pháp luật về thương mại các loại hàng hóa từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, túi xách, đồ gia dụng, đồ điện, điện tử…
Theo bà Nguyễn Ngọc Phượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thuận An, Phó trưởng ban Chỉ đạo CVĐ, việc triển khai dàn đều các giải pháp, chương trình, các hoạt động xã hội, quảng bá, kết nối DN và xúc tiến tiêu thụ… trên toàn địa bàn, CVĐ đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Từ đó, đã lan tỏa tích cực đến các tỉnh, thành lân cận nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với thành phố.
Xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt
Tại TP.Thuận An hệ thống phân phối hàng hóa từ siêu thị, trung tâm thương mại đến chợ truyền thống, hộ kinh doanh cá thể đã ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước cung ứng tới NTD. Từ đó, góp phần tác động NTD nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do DN trong nước cung cấp.
Chị Lưu Thị Hồng, phường Lái Thiêu, cho biết trước đây chị thường chọn các thương hiệu nước ngoài để mua. Nhưng từ khi nghe thông tin tuyên truyền về hàng Việt, biết đến hàng thời trang Việt với mẫu mã đa dạng, phong phú, đặc biệt chất lượng sản phẩm rất tốt, hàng hóa Việt đã chiếm được cảm tình của chị.
Sự tin tưởng của NTD là nền tảng quan trọng cho việc triển khai CVĐ trong bối cảnh mới với mục tiêu quan trọng là phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Ông Võ Văn Lớt, Giám đốc Aeon Mall Bình Dương Canary, nhận xét thực tế rất nhiều chủng loại hàng hóa tiêu dùng, nhu yếu phẩm của DN Việt Nam chất lượng, mẫu mã không thua kém hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, trước đây do công tác tiếp thị, quảng bá, hệ thống phân phối yếu kém nên chưa được NTD chú ý hoặc DN lúng túng, khó khăn trên con đường tiếp cận thị trường. CVĐ triển khai vào chiều sâu, sẽ hỗ trợ DN phát triển vững chắc thị phần hàng Việt tại thị trường nội địa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện CVĐ trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế như một số sản phẩm hàng hóa Việt Nam có giá thành còn cao, chưa đến được với người lao động, NTD khu vực nông thôn. Tình trạng sản xuất, kinh doanh, nhất là thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn đan xen, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động.
Theo bà Nguyễn Ngọc Phượng, muốn nâng cao hiệu quả CVĐ, ngoài sự ủng hộ của NTD, phải xem hàng hóa là điều kiện quyết định, các DN phải là lực lượng xung kích, đi đầu, phải luôn tự đổi mới mình để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
THANH HỒNG