Để kiềm chế tăng giá và kiểm soát giá các mặt hàng trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương Bình Dương đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá. Bên cạnh việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, sở sẽ phối hợp cùng các ngành kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá của những mặt hàng thiết yếu qua việc đăng ký giá, kê khai giá. Phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thị Điền xung quanh vấn đề này.
- Để thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, Sở Công Thương có những chủ trương gì, thưa bà?
- Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, tập trung 3 nhóm mặt hàng: lương thực thực phẩm, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và vật tư chiến lược. Tiếp tục giao nhiệm vụ cho các DN có chức năng kinh doanh các ngành hàng này, bằng biện pháp cho DN vay vốn ưu đãi với lãi suất bằng 0% để DN chủ động phối hợp với nhà sản xuất mua hàng, đặt hàng nhằm chủ động nguồn dự trữ hàng hóa nhất định để không gây xáo trộn trên thị trường. Hiện nay đã vận động được 14 DN tham gia chương trình bình ổn giá. Đồng thời, tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ phục vụ cho công nhân. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức 12 phiên chợ, mỗi phiên chợ vận động từ 25 - 30 DN tham gia. Phiên chợ chủ yếu là hàng tiêu dùng sản xuất trong nước, hàng Việt Nam chất lượng cao. Giá bán lẻ sản phẩm với giá sỉ nhằm quảng bá sản phẩm Việt Nam để tạo sự thân thiện với nhà sản xuất và người tiêu dùng, phát triển mạng lưới phân phối của DN. Qua đó, kích thích tiêu dùng trong nhân dân, nhất là vùng nông thôn.
- Xin bà cho biết, Sở Công Thương đã có những giải pháp gì để bình ổn giá thị trường trong 6 tháng cuối năm?
- Trước mắt, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương tăng cường và quyết liệt hơn trong kiểm tra, kiểm soát thị trường; thực hiện nghiêm túc theo quy định của Nhà nước, xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu, gian lận thương mại. Nhất là các hành vi lợi dụng tình hình tăng giá bất hợp lý tại các chợ, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; tăng cường kiểm tra các loại hàng hóa kém chất lượng. Tiếp tục thực hiện khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, triển khai xúc tiến thương mại nội địa. Trọng tâm là tổ chức những chuyến bán hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, góp phần vào việc bình ổn giá. Tuy nhiên, để góp phần kiềm chế lạm phát và giảm bớt độ tăng nóng của chỉ số giá tiêu dùng trong các tháng tiếp theo, cần thực hiện tiếp tục nhiều giải pháp đồng bộ.
- Xin cảm ơn bà!
T.PHƯƠNG (thực hiện)