Ông Nguyễn Tấn Nhật Tiến, chuyên viên Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng…

Cập nhật: 17-09-2024 | 16:50:00

Hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chịu sự điều chỉnh của Luật Trồng trọt 2018. Và, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định chi tiết một số điều của Luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Để hiểu rõ hơn về các quy định, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Nhật Tiến, chuyên viên Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.


Các học viên tham gia khóa tập huấn FFS do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức đang tham quan, học tập tại một vườn bưởi ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên

- Xin ông cho biết các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các điều kiện gì trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng để bảo đảm theo quy định của pháp luật?

- Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện là có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng; có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng. 

Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở NN&PTNT nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin: địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT.

Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định. Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.

Ghi nhãn giống cây trồng quy định tại Điều 10 của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP. Một số thông tin cơ bản ghi nhãn giống cây trồng gồm: tên giống cây trồng; cấp giống theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia (Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở); đặc tính của giống; hướng dẫn bảo quản và sử dụng; định lượng giống cây trồng (khối lượng giống hoặc số lượng cây, bầu, hom giống); ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất, nhập khẩu giống cây trồng; mã số lưu hành giống cây trồng đối với giống cây trồng được cấp quyết định lưu hành, gia hạn quyết định lưu hành. 

Về xuất xứ giống cây trồng: ghi cụm từ “sản xuất tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất với giống cây trồng nhập khẩu. Mã hiệu lô giống phù hợp với hồ sơ truy xuất nguồn gốc giống cây trồng, mã hiệu lô giống thực hiện theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP. Thông tin về cây trồng biến đổi gen đối với vật liệu nhân giống của giống cây trồng biến đổi gen…

- Vậy việc quản lý chất lượng giống cây trồng được quy định ra sao, thưa ông?

- Theo Điều 25, Luật Trồng trọt 2018 thì yêu cầu chung về quản lý chất lượng giống cây trồng là bao gồm quản lý chất lượng giống và quản lý chất lượng vật liệu nhân giống theo quy định của luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng giống cây trồng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với từng loài cây trồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 và điểm b khoản 1 Điều 17 của luật này. 

Vật liệu nhân giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng chính được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng và tiêu chuẩn do người sản xuất, nhập khẩu công bố áp dụng. Vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng.

Quy định về cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là điều kiện cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bao gồm có tên giống cây trồng; có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định; có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng; có mẫu giống cây trồng được lưu theo quy định tại Điều 20 của Luật Trồng trọt 2018; có bản công bố thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn. 

Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Trong đó, huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng là 2 địa phương có số lượng cơ sở kinh doanh giống cây trồng khá nhiều, phù hợp với tình hình sản xuất trồng trọt của địa phương, đáp ứng được phần nào nhu cầu về giống cây trồng cho sản xuất của địa phương. Các loại giống cây trồng được sản xuất, kinh doanh phổ biến trên địa bàn tỉnh gồm sầu riêng, măng cụt, xoài, vú sữa, chôm chôm, bưởi, cam, mít… có nguồn gốc chủ yếu từ các cơ sở sản xuất giống ở tỉnh Bến Tre; các giống bắp, rau, quả được nhập khẩu từ Ấn độ, Thái lan và Myanma. Các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được cấp lại trong trường hợp: Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị mất hoặc hư hỏng; thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng. 

Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được gia hạn khi đáp ứng điều kiện: khi tổ chức, cá nhân yêu cầu; có kết quả khảo nghiệm có kiểm soát quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật Trồng trọt 2018 đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng.

Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị đình chỉ hiệu lực khi giống cây trồng không duy trì được tính đồng nhất hoặc tính ổn định hoặc giá trị canh tác hoặc giá trị sử dụng như tại thời điểm cấp quyết định lưu hành giống cây trồng.

Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đã bị đình chỉ hiệu lực được phục hồi khi tổ chức, cá nhân được cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng khắc phục được trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị hủy bỏ trong trường hợp: Gian lận hồ sơ đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng; không duy trì được tính khác biệt của giống cây trồng như tại thời điểm cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; không khắc phục được trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về giống cây trồng mà còn tái phạm; có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải hủy bỏ.

Quy định về tự công bố lưu hành giống cây trồng: Điều kiện tự công bố lưu hành giống cây trồng bao gồm có tên giống cây trồng; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng đạt tiêu chuẩn quốc gia đối với loài cây trồng tự công bố lưu hành; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; có thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng biên soạn.

Tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với thông tin đã công bố. 

- Ông có thể chia sẻ thêm về công tác quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực giống cây trồng của tỉnh trong thời gian qua, cũng như kế hoạch trong thời gian tới?

Hàng năm, ngành NN&PTNT tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có nêu các nội dung về giống cây trồng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn biết và thực hiện; tăng cường kiểm tra các địa điểm kinh doanh giống cây trồng vào các thời điểm chính vụ sản xuất (số lượng, quy mô), kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm (nếu có).

- Xin cảm ơn ông! 

Các cơ sở kinh doanh giống cây trồng đã thông báo đến cơ quan quản lý theo quy định của Luật Trồng trọt về giống cây trồng. Phần lớn chủ thể là hộ kinh doanh nên việc lưu trữ hồ sơ còn hạn chế, không lưu trữ hồ sơ đầy đủ để bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng. Một số cơ sở kinh doanh giống cây trồng buôn bán thêm cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi chưa đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Một số cơ sở chưa nắm bắt đầy đủ về quy định của pháp luật về kinh doanh giống cây trồng.

Thoại Phương (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=80
Quay lên trên