Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Bình Dương vẫn đang là vùng đất với nhiều hứa hẹn mang lại sự phát triển cho các doanh nghiệp (DN) cả trong và ngoài nước. Với nhiều giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm, Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn.
Năm 2024, Bình Dương tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Tôn Đông Á
Tín hiệu tích cực
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng đầu tiên của năm 2024, số DN thành lập mới tăng 62,3% và tăng 238,3% về số vốn so với cùng kỳ. Trong đó, có 327 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 1.845 tỷ đồng (tăng 57,2% về số lượng DN và tăng 15,5% về số vốn so với cùng kỳ); 43 DN điều chỉnh tăng vốn với 4.821 tỷ đồng (tăng 16,2% về số lượng và tăng 519,6% về số vốn so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 66.399 DN đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký hơn 733.355 tỷ đồng. Theo kế hoạch đến hết năm 2025, Bình Dương đạt 80.000 DN, đến nay đã đạt trên 83% kế hoạch.
Trong nửa tháng đầu tiên của năm 2024, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Bình Dương đạt 61,3 triệu đô la Mỹ. Trong đó có 3 dự án đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký 40,6 triệu đô la Mỹ, 5 dự án điều chỉnh tăng vốn 14 triệu đô la Mỹ và 5 dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký tăng 4,1 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.227 dự án FDI với tổng vốn 40,4 tỷ đô la Mỹ.
Kết quả nêu trên được coi là tín hiệu tích cực cho dòng vốn đầu tư vào tỉnh trong năm 2024. Cùng với đó, khu vực có vốn FDI tiếp tục đầu tư dây chuyền máy móc mới, hiện đại hơn, mở rộng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất. Điển hình như dự án chế biến thực phẩm và sữa từ đậu, hạt các loại của Công ty Cổ phần Thực phẩm Dân Ôn (Canada) với vốn đầu tư gần 40 triệu đôla Mỹ, tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước 3.
Đánh giá về triển vọng quý I-2024, nhiều DN cũng cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định hơn. Qua khảo sát 409 DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho thấy có 65,34% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý I-2024 ổn định và tốt hơn so với quý IV-2023.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN của tỉnh suốt thời gian qua, các DN nói chung và DN tại KCN tỉnh nói riêng vẫn giữ được nhịp sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh. Thời gian tới, các KCN chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đón nhận thêm những dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chất lượng. Cùng với đó, các KCN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển, hỗ trợ các DN, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.
Khơi thông động lực tăng trưởng
Dự báo năm 2024 cho thấy sẽ còn rất nhiều khó khăn đối với tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng. Ngoài những động lực tăng trưởng cũ, tỉnh đang nỗ lực khơi thông những động lực tăng trưởng mới trung và dài hạn. Đó là xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh liên kết vùng…
Để thực hiện mục tiêu này trong năm 2024, tỉnh tiếp tục những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Trong đó, phấn đấu số lượng DN đăng ký thành lập mới trong năm 2024 đạt 6.744 DN; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức cho DN và người dân. Cùng với đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, nâng cao vị trí của tỉnh trong bảng xếp hạng chỉ số PCI và các chỉ số khác như PAPI, PAR INDEX, SIPAS.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng khi tín hiệu thị trường thế giới còn chưa rõ ràng, một trong những yếu tố được trông đợi hàng đầu để vực dậy chỉ tiêu tăng trưởng là đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đặc biệt là các công trình giao thông kết nối vùng như Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, ĐT746, cầu Bạch Đằng 2… Hiện dòng vốn vào các công trình này đang được ưu tiên, do đó việc bảo đảm tiến độ các công trình này cùng với các công trình khác sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tỉnh đang xây dựng, đồng thời sẽ góp phần kích cầu đầu tư, trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của DN khi các công trình này đạt tiến độ hoàn thành.
NGỌC THANH