Đó là tên gọi mô hình của Chi bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng triển khai thực hiện từ đầu năm 2024. Mặc dù mới thành lập nhưng mô hình “Tiết kiệm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và công tác xã hội” đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và được toàn thể đảng viên, người lao động hưởng ứng.
Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng thăm và tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện từ nguồn quỹ của mô hình “Tiết kiệm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và công tác xã hội”
Mô hình “Tiết kiệm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và công tác xã hội” của Chi bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng được xây dựng dựa trên sự tự nguyện, đóng góp của các cá nhân. Theo đó, hàng tháng mỗi đảng viên trong chi bộ tiết kiệm ít nhất 20.000 đồng để góp vào quỹ của mô hình và số tiền tiết kiệm hàng tháng được công khai, minh bạch cho tất cả đảng viên, viên chức được biết.
Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng, mặc dù mới triển khai nhưng mô hình không chỉ thu hút sự tham gia tích cực của đảng viên trong chi bộ mà còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể người lao động trong trung tâm. “Mô hình này đã khuyến khích mỗi cá nhân tự giác tiết kiệm chi tiêu, sử dụng hợp lý nguồn lực để góp phần chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Số tiền tiết kiệm được sử dụng để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đảng viên trong chi bộ khi khó khăn…”, bà Tú cho biết thêm.
Qua sơ kết mô hình trên, trong 6 tháng đầu năm 2024, từ nguồn quỹ của mô hình, Chi bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng đã phối hợp với Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các cá nhân hảo tâm tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà cho 4 mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện. Tại mỗi nơi đến, đảng viên, viên chức và người lao động đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, thăm hỏi, tặng quà, tiền mặt và cấp thuốc cho các mẹ.
Anh Trần Ngọc Bình, đảng viên Chi bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng, chia sẻ: “Tôi thấy mô hình này thực sự rất có ý nghĩa. Mỗi chúng tôi đều cảm thấy vui và hạnh phúc vì việc làm nhỏ của mình đã góp sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội. Tôi hy vọng thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng và nhận được sự ủng hộ của nhiều các cá nhân hảo tâm để có thể giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa trên địa bàn huyện”.
Mô hình “Tiết kiệm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và công tác xã hội” là một mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước, với dân; đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn, trân trọng những giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Khi tham gia vào mô hình, các bạn trẻ sẽ có cơ hội tìm hiểu về những hy sinh to lớn của những người đi trước, từ đó thêm yêu nước, yêu quê hương và ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng. Chính vì vậy, mô hình này cần được nhân rộng và đẩy mạnh trong thời gian tới để có thể mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho cộng đồng.
“Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, ngoài nguồn quỹ của mô hình, chi bộ sẽ tiến hành kêu gọi sự chung tay của các cá nhân hảo tâm để thực hiện các phần việc ý nghĩa hướng về các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng trên toàn huyện. Trong tương lai khi nguồn quỹ của mô hình nhiều hơn, chi bộ sẽ mở rộng ra các hoạt động an sinh xã hội khác…”, bà Trần Thị Cẩm Tú cho biết thêm.
TUỆ NHI