Với cách đánh truyền thống của bộ đội đặc công: Chân đất, mình trần, hóa trang bằng pin đèn trộn lá cây rừng vẽ lên toàn thân người chiến sĩ, ban đêm bí mật hành quân luồn sâu, ém sát các mục tiêu quan trọng nằm sâu trong sào huyệt đồn bót, kho tàng trận địa của địch... đến giờ G đồng loạt nổ súng, dùng thủ pháo và hỏa lực B40 - B41 đánh úp bất ngờ. Chiến công vang dội, nhưng phần lớn anh em hy sinh đều mất xác. Thế nên trước giờ nổ súng, đơn vị đã bí mật đào sẵn huyệt mộ để tìm được xác anh em thì chôn ngay, vì mục tiêu của đặc công là “Chiến thắng mà không để lại dấu vết”.
Truyền thống hào hùng
Ngày 19-3-1967, tại căn cứ thuộc huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, C100 đặc công, Công trường 7 được thành lập do đồng chí Lê Anh Đào làm Đại đội trưởng; đồng chí Mai Xuân Đỗ làm chính trị viên. Đến giữa năm 1968, C100 phát triển thành Tiểu đoàn 28 Đặc công.
Từ trái sang, Đại tá Lê Anh Đào, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 Đặc công; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Tư lệnh Quân đoàn 4, thay mặt Chủ tịch nước trao danh hiệu AHLVTND và cờ cho Trung tướng, AHLVTND Dương Công Sửu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 Đặc công
Giữa năm 1973, Tiểu đoàn 28 Đặc công được cấp trên hướng dẫn viết thành tích và đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) về thành tích chiến đấu. Mọi cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn đều hy vọng, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh liên tục cơ động... nên chưa được. Cuối năm 1974, cấp trên tách khỏi đội hình Sư đoàn 7, thành lập Trung đoàn 6 Đặc công, trực thuộc Quân khu 7, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 20 Đặc công. Do vậy, tiểu đoàn chưa có điều kiện xem xét để phong tặng danh hiệu này.
Hơn 8 năm chiến đấu (1967-1974), Tiểu đoàn 28 Đặc công đã tham gia hàng chục chiến dịch, đánh 1.645 trận lớn, nhỏ, trong đó 29 trận cấp tiểu đoàn, 235 trận cấp đại đội, 1.381 trận cấp trung đội, gồm (mũi, phân đội, tổ đặc công); đánh thiệt hại nặng hàng chục trung tâm chỉ huy cấp tiểu đoàn, chiến đoàn, lữ đoàn, sư đoàn Mỹ - ngụy; hàng trăm trận địa và cụm xe tăng, pháo binh, kho tàng, phá hủy hàng trăm lô cốt, hầm ngầm của địch; tiêu diệt rất nhiều lính kỹ thuật, bắt sống 1 tên Mỹ tại căn cứ Núi Cậu; diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn ngụy quân, bắt sống hơn 160 tên; diệt và phá hủy rất nhiều khí tài hạng nặng, chủ yếu máy bay lên thẳng, máy bay cần cẩu, xe tăng - thiết giáp, xe vận tải, pháo 105 - 155 ly; thu hơn 50 máy bộ đàm, máy thông tin PRC25, hơn 200 khẩu súng cối các loại và nhiều trang bị đồ dùng quân sự của địch.
Quá trình chiến đấu Tiểu đoàn 28 đã được tặng thưởng: 2 Huân chương Quân công (hạng nhì, ba); 16 Huân chương Chiến công các loại; 8 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất; 3 đồng chí được tuyên dương “Hành động anh hùng” trong đó có Tiểu đoàn trưởng được tặng thưởng danh hiệu AHLLVTND năm 1973 (Trung tướng Dương Công Sửu, hiện là Phó Tư lệnh Quân khu I) và hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt máy bay”, “Dũng sĩ diệt xe tăng - xe cơ giới”.
Chiến công nối tiếp chiến công
Đúng một tuần sau ngày thành lập, đêm 26-3-1967, tiểu đoàn đã chủ động lên kế hoạch đánh trận đầu tiên vào Sư đoàn 5 của địch đóng tại căn cứ Hớn Quản - Bình Phước. Trận này do Đại đội trưởng Lê Anh Đào và chính trị viên Mai Văn Đỗ chỉ huy đã diệt 70 tên địch, thu 4 khẩu pháo 105 ly. Trận đầu lập công, ngày 6-4-1967, tiểu đoàn được Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng III. Phát huy khí thế đó, đêm 26-6-1967, đơn vị bí mật bất ngờ luồn sâu ép sát, đồng loạt đánh thủ pháo và hỏa lực B40 - B41 vào các mục tiêu. Chỉ hơn 20 chiến sĩ đặc công, vậy mà sau hơn 10 phút chiến đấu, tiểu đoàn đã tiêu diệt trên 100 tên Mỹ - ngụy, phá hủy 5 xe tăng, 4 khẩu pháo 155 ly, được công nhận là đơn vị đi đầu phong trào “dám đánh Mỹ”, được cấp trên tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.
Lãnh đạo tỉnh, Quân khu chụp hình lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 28 Đặc công
Tiếp tục tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, tiểu đoàn đã trực tiếp đánh Chi khu Bến Cát. Đêm 30-1-1968, Đại đội trưởng Lê Anh Đào và Đội phó Lê Công Điền chỉ huy hơn 5 ngày đêm chiến đấu tiêu diệt gần 500 tên ngụy, 25 tên Mỹ, phá hủy nhiều xe tăng và 2 pháo 105 ly. Trận đánh tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ - ngụy, lập công xuất sắc, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân và làm cho quân thù khiếp sợ, được cấp trên tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.
Chiến công nối tiếp chiến công, trong 5 ngày (1 đến 5-5-1968) trận đánh vào Trung tâm Lữ đoàn 1, Sư đoàn 1 của Mỹ tại căn cứ Dĩ An, tỉnh Thủ Dầu Một, tiểu đoàn đã bắn cháy 2 máy bay, 19 xe tăng, 10 khẩu pháo 105 và 155 ly, diệt 250 tên Mỹ - ngụy “để lại dư âm oai hùng muôn thuở”. Cũng như trận đáng thắng Chi khu Lộc Ninh, Bình Long đêm 19-8-1968 do Đại đội phó Nguyễn Văn Trung và chính trị viên Nguyễn Văn Tuyến chỉ huy, đã tiêu diệt 60 tên địch, 6 xe tăng, 4 xe vận tải GMC, diệt khu thông tin và 4 khẩu pháo 105 ly. Trận này ta đã kéo lực lượng địch ở hậu cứ lên tuyến biên giới để tiêu diệt, tạo điều kiện Tiểu đoàn trưởng Tư Minh và Đại đội trưởng Trần Văn Thảo, Đại đội 3 chỉ huy đánh vào căn cứ Mỹ ở Bến Tranh, Dầu Tiếng, phá hủy 16 khẩu pháo 105 và 155 ly, tiêu diệt rất nhiều lính Mỹ. Trận này đơn vị được tuyên dương là gương thi đua điển hình phong trào “bám thắt lưng địch và dám đánh Mỹ” trong cả sư đoàn và Miền.
Oai hùng hơn là trận đánh căn cứ Sân bay Đồng Dù (Củ Chi) vào đêm 26-2-1969. Tiểu đoàn 3 Đặc công Miền và Tiểu đoàn 28 Đặc công, Sư đoàn 7 đánh căn cứ Đồng Dù. Căn cứ có lớp hàng rào kẽm gai, 320 lô cốt và ụ súng đề kháng, bên ngoài có 4 đại đội bảo an bảo vệ. Căn cứ do Bộ Chỉ huy Sư đoàn 25 và Lữ đoàn 3 Mỹ quản lý. Tiểu đoàn đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy hơn 60 máy bay, 156 xe cơ giới, 12 khẩu pháo 105 và 155 ly, tiêu diệt và làm thiệt hại nặng Sư đoàn 25 và Lữ đoàn 3 của Mỹ. Trận đánh đã gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới, tạo niềm tin mạnh mẽ trong lòng nhân dân và cơ sở cách mạng, được cấp trên tặng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Với những chiến công lẫy lừng đó, ngày 30-1-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 163/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho Tiểu đoàn 28 Đặc công Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
DUY CHÍ
(Ghi lại dựa trên tài liệu của Ban Liên lạc Tiểu đoàn 28 Đặc công)
Tiểu đoàn có 582 liệt sĩ . Nhiều năm qua, Ban liên lạc Tiểu đoàn 28 Đặc công đã tìm kiếm 19 mộ cốt liệt sĩ. Nhân dịp tiểu đoàn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định giao đất cho Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 28 Đặc công tại di tích Chiến khu Đ để xây dựng nhà bia tưởng niệm, tri ân 582 liệt sĩ của tiểu đoàn.