Tiêu dùng có trách nhiệm vì một trái đất bền vững

Cập nhật: 05-06-2015 | 14:30:00

"Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm vì một trái đất bền vững” là chủ đề hưởng ứng của Việt Nam trong Lễ mít tinh cấp Quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5-6) được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ mít tinh. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Tới dự và phát biểu tại Lễ mít tinh, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Việt Nam luôn chú trọng và nêu rõ quan điểm phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh đã được thể hiện rõ nét trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia cũng như của các ngành, địa phương và đã triển khai tích cực trên quy mô rộng.

Đây là dịp để một lần nữa các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong cả nước tích cực hơn nữa triển khai những hành động thiết thực tham gia hưởng ứng các hoạt động Ngày Môi trường Thế giới nói riêng và chung tay bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng để khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả.

Đặc biệt, với chủ đề của năm là tiêu dùng có trách nhiệm, Phó Thủ tướng đề nghị thực hiện xanh hóa lối sống tiêu dùng bền vững, thay đổi thói quen tiêu dùng chưa thực sự hướng tới môi trường; thói quen mua sắm, sử dụng các phương thức sản xuất, sản phẩm tiêu dùng, công nghệ ảnh hưởng nhiều tới các nguồn tài nguyên khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái…

Một ước tính của Tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc cho biết, theo tính toán, vào năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỉ người, chúng ta sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống.

Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Đặc biệt, tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn rất lớn. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý và tiết kiệm, môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm nặng; sản xuất công nghiệp với quy trình lạc hậu kéo theo tỷ suất phát thải cao.

Theo đánh giá, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí.

Chẳng hạn như ngành giấy, cần tiêu thụ đến trên 500 m3 nước để sản xuất ra được 1 tấn giấy, gấp 5 lần so với chỉ tiêu trên thế giới (xấp xỉ 100 m3/tấn). Nước thải của ngành chế biến thực phẩm cũng cao gấp 3,4 lần so với chỉ tiêu trên thế giới. Bên cạnh đó, chi phí năng lượng cao phổ biến trong các ngành công nghiệp: ngành giấy tiêu hao 1.200 kWh và 1.500 kg than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000 kWh/tấn thép thỏi và 25 kWh/tấn gang tinh luyện.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh sâu với việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã dẫn đến độ phì của đất nông nghiệp tiếp tục giảm. Ngoài ra, kỹ thuật canh tác thiên về hóa chất và năng lượng hóa thạch đã làm ô nhiễm, xơ cứng đất dẫn đến nguy cơ sa mạc hóa.

Ngày Môi trường Thế giới do Liên Hợp Quốc sáng lập ngày 5/6/1972 đã nhận được sự hưởng ứng đồng thuận của hơn 130 quốc gia trên thế giới. Từ năm 1982 đến nay, Việt Nam chính thức tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết Liên Hợp Quốc đánh giá cao những hành động triển khai khá toàn diện của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề môi trường thời gian qua, đặc biệt là việc hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ sinh thái.

Lễ mít tinh cấp quốc gia Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút hơn 1.500 người tham gia. Trong dịp hưởng ứng Ngày Môi trường, các hoạt động tổng vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, trồng cây xanh, tổ chức đi xe đạp truyên truyền bảo vệ môi trường, vận động bỏ rác đúng nơi quy định, tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại Nhà máy xử lý nước thải đô thị... đã được tổ chức tại nhiều nơi trên cả nước.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=493
Quay lên trên