Thực hiện công tác giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đồng loạt triển khai nhiều phương án, trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động tiểu thương, chủ các chợ truyền thống chấp hành quy định “5K” của Bộ Y tế.
Phường An Phú bắt buộc tiểu thương phải treo bảng, kéo dây giữ khoảng cách để bán hàng cho khách
Chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch
TP.Thuận An là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiều khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng ngàn lao động từ mọi miền đất nước đến sinh sống, làm việc. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của người dân, TP.Thuận An cũng xây dựng nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa tiện lợi.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cả hệ thống chính trị TP.Thuận An đã vận động tiểu thương, người đi chợ chấp hành nghiêm quy định “5K” của Bộ Y tế. Ông Phan Thái Sơn, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết: “Trong thời điểm phòng ngừa dịch bệnh lây lan, địa phương không “ngăn sông, cấm chợ” mà tạo điều kiện để người dân có cuộc sống ổn định. Trong việc buôn bán, tiểu thương phải kéo dây, ghi số thứ tự dưới sàn theo đúng khoảng cách vị trí đứng là 2m, treo bảng thông báo giữ khoảng cách tại vị trí bán hàng. Hiện nay hầu hết các tiểu thương có ki-ốt trên địa bàn Khu dân cư Việt Sing đã nghiêm túc thực hiện quy định. Trong vài ngày tới sẽ triển khai mô hình này trên toàn địa bàn phường”.
Phường An Phú, TP.Thuận An hiện có trên trên 100 ngàn dân sinh sống. Trong đợt thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về việc phòng, ngừa dịch bệnh lây lan, địa phương này đã xử lý chợ tự phát, lập lại trật đô thị trên địa bàn. Để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh, chính quyền phường An Phú đã tạo điều kiện cho các tiểu thương kinh doanh buôn bán, tuy nhiên bắt buộc tiểu thương công khai niêm yết giá sản phẩm, chấp hành thực hiện “5K” của Bộ Y tế (sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người).
Ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, cho biết trên địa bàn phường có khoảng 30 điểm cách ly, phong tỏa. Để tránh việc lây lan dịch bệnh, địa phương khuyến cáo người dân đặt hàng qua mạng để dịch vụ giao tận nhà, hạn chế đi lại. Nhờ đó, số người đến chợ mua hàng giảm, hạn chế mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh.
Trao đổi với P.V, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn TP.Thuận An cho rằng để tránh việc các tiểu thương trong chợ công nhân nâng giá hàng hóa, người dân mong muốn ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm đối với một số tiểu thương đầu cơ, trục lợi lúc dịch bệnh.
Không đóng cửa chợ truyền thống, siêu thị
Trước đó, theo ghi nhận của P.V, từ sáng ngày 28-6, người dân phường Phú Hòa (TP.Thủ Dậu Một) xôn xao trước thông tin ngày 29-6 chợ Bình Điềm sẽ ngưng buôn bán. Chợ Bình Điềm nằm trên con hẻm nối giữa đường Lê Hồng Phong và đường Nguyễn Thị Minh Khai, là một trong những chợ truyền thống trên địa bàn phường Phú Hòa với lưu lượng người mua sắm rất đông mỗi ngày. Do nghe đồn chợ bị cấm bán vào ngày 29-6 nên nhiều người đã đổ ra chợ để mua thực phẩm dự trữ. Từ đầu hẻm đường Lê Hồng Phong kéo dài vào chợ, dòng người đông đúc, xe nối xe, người người chen lấn mua hàng. Nhiều người đi chợ cho biết họ tranh thủ mua thực phẩm tích trữ vì sợ chợ “đóng cửa”.
Trao đổi về việc cấm chợ Bình Điềm buôn bán vào ngày 29-6 như lời đồn, Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, cho biết: “Phường Phú Hòa là 1 trong 4 phường của TP.Thủ Dầu Một thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Địa phương vận động người dân không tụ tập quá 2 người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Khoảng cách giữa người với người tối thiểu là 2m và thực hiện tốt quy định “5K” của Bộ Y tế để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.
Về chợ Bình Điềm, đây là chợ truyền thống của địa phương nên không có chuyện chợ này bị cấm như lời đồn. Theo Chỉ thị số 10, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chúng tôi chỉ đạo lực lượng vận động các hộ kinh doanh hàng rong, một số mặt hàng không thiết yếu buôn bán kiểu tự phát ven hẻm 233 ngừng bán để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Riêng các tiểu thương trong nhà lồng chợ vẫn duy trì bán hàng như bình thường, nhưng phải bảo đảm tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19”.
Bà Thúy cho biết thêm: “Địa phương đã vận động các hộ kinh doanh, buôn bán mặt hàng ăn uống thực hiện đúng quy định của Chỉ thị số 16; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Trong quá trình vận động, chúng tôi đã giải thích việc vi phạm các quy định trên sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Bà con tiểu thương và các hộ bán hàng ăn sau khi được vận động đã tự nguyện ngừng bán hàng”.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 10, theo đó tạm ngưng tất cả chợ tự phát, chợ tạm trên địa bàn, chỉ hoạt động chợ truyền thống nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch với thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Cấm hoạt động cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Đối với mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động, chỉ cần tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch. |
T.QUANG - T.TRANG