Tiểu thuyết gia tình báo John le Carré – Con người bí ẩn

Cập nhật: 21-09-2016 | 16:02:31

Nhà văn chuyên viết tiểu thuyết tình báo John le Carré, người Anh, sắp bước qua tuổi 85. Ông vừa xuất bản một cuốn hồi ký “The Pigeon Tunnel: Stories from My Life” (Đường hầm Bồ câu: Những câu chuyện đời tôi) vào đầu tháng 9-2016. Nhân dịp này, nhà viết tiểu sử nổi tiếng Adam Sisman cũng đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn tiểu sử của John le Carré.

Nhà văn John le Carré là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất thế giới thời kỳ hậu chiến tranh. Ông tên thật là David Cornwell. Ông sinh ngày 19-10-1931 tại Poole, Dorset, Anh, là con của ông Richard Thomas Archibald (Ronnie) Cornwell (1906-1975) và bà Olive (Glassy) Cornwell. Người cha có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời và cả sự nghiệp viết văn của John le Carré. Ronnie là một người tạo ra nhiều của cải nhưng cũng để chúng tiêu hao hết, và đã từng một lần phải vào tù vì tội lừa đảo.

Một người bạn của Le Carré nhận xét: "Người cha đã làm cho David không biết mình là ai và mình đang ở đâu trong xã hội". Theo những câu chuyện kể của chính Le Carré và những người bạn, cái cách ông Cornwell đối xử với David thời thơ ấu đã in đậm dấu ấn cho đến mãi về sau này: David thường hay bị Cornwell đánh đập. Và sau một lần cãi vã, Conrwell đã bỏ mặc mẹ con ông ra đi.


John le Carré hiện nay.

Thiên chất của một nhà văn lớn của Le Carré đã xuất hiện từ rất sớm. Ngay khi còn trẻ, Le Carré đã biết cách dàn dựng những câu chuyện không có thật mà y như thật để che giấu hành tung sinh hoạt của mình khỏi sự kiểm soát của người cha khắc nghiệt. Khi được cha mẹ gửi đi học tại Trường Sherborne, không họp với môi trường ở đây và đã phải bỏ học sớm, nhưng phải bịa ra các câu chuyện để giấu cha mẹ về việc chuyển trường học của mình.

Trong cuốn hồi ký, Le Carré viết về giai đoạn này như sau: "Những ai có tuổi thơ không hạnh phúc sẽ rất giỏi trong việc sáng tạo sau này". Sự không thật tình đã trở thành thói quen làm người.

Trong cuốn Hồi ký của mình, John le Carré đã kể một câu chuyện đậm đặc về cuộc đời mình với tư cách là một nhà văn và một điệp viên MI-6. Ông khẳng định mình là một tác giả văn chương "từng một thời là điệp viên" hơn là "một điệp viên viết văn". Giai đoạn 1948-1949, ông từng học ngoại ngữ tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ.


Nhà văn John le Carré năm 1968 và bìa tiểu thuyết tình báo nổi tiếng A Perfect Spy của John le Carré.

Sau đó, năm 1950, ông vào làm việc cho tình báo quân đội Anh trong doanh trại ở Áo, làm phiên dịch tiếng Đức. Hai năm sau, Daivd trở về Anh, học tại Trường Lincoln thuộc Đại học Oxford, nhưng năm 1954, khi cha mình tuyên bố phá sản, David bỏ dở chương trình học để đi dạy học tại một trường mẫu giáo, rồi một năm sau đã quay trở lại học và tốt nghiệp vào năm 1956.

Thời gian học tại Trường Lincoln là giai đoạn David bắt đầu làm điệp viên bí mật cho Cơ quan Tình báo đối nội MI-5, được giao nhiệm vụ xâm nhập các nhóm cánh tả để dò la tin tức về điệp viên Liên Xô hoạt động ở Anh. Năm 1958, Le Carré chính thức trở thành sĩ quan tình báo của MI-5.

Trong thời gian còn làm việc cho MI-5, Le Carré đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, tựa đề “Call for the Dead” (năm 1961), trong đó ông kể câu chuyện về hình mẫu điệp viên George Smiley. Kế tiếp, Le Carré viết một câu chuyện trinh thám “A Murder of Quality” (1962). Một năm sau, Le Carré chuyển sang làm việc cho MI-6 và có thêm nguồn cảm hứng mới, đề tài mới cho quyển tiểu thuyết kế tiếp ra đời, “The Spy Who Come in from the Cold” (1963).

Theo các nhà phê bình, MI-6 và hình mẫu người cha đóng vai trò rất lớn trong việc Le Carré xây dựng các đề tài, nhân vật tình báo của mình. Người cha Cornwell của ông đã được ông thể hiện một cách đầy đủ trong tiểu thuyết tình báo nổi tiếng “A Perfect Spy” (1986), và đó cũng là một trong 5 cuốn tiểu thuyết đặc sắc nhất trong sự nghiệp của Le Carré, bao gồm hai cuốn kể trên và hai cuốn khác là “Tinker Tailor Soldier Spy” (1974) và “The Tailor of Panama” (1996).

Cuộc đời nhà văn của Le Carré dày đặc sự kiện và không ít thăng trầm. Ông từng ăn tối chung với nhiều vị tổng thống, thủ tướng nổi tiếng thế giới cũng như những nhân vật thuộc giới thượng lưu ở London. Nhưng trong góc riêng cuộc đời, Le Carré thích sống một cuộc sống bình dị, không phải bon chen vất vả.

Những nhân vật cao cấp mà ông từng tiếp xúc được ông mô tả lại trong cuốn hồi ký của mình bằng một phong cách mô tả đầy góc cạnh, như Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, tỉ phú Rupert Murdoch và Chủ tịch PLO Yasser Arafat, cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong ngành an ninh, tình báo, chính trị, văn hóa thế giới. Ông không chấp nhận việc điệp viên Kim Philby khi trả lời phỏng vấn báo chí về những vấn đề nghiêm túc, John le Carré đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng.

Chẳng hạn, về việc nhà văn Salman Rushdie bị Nhà nước Hồi giáo Iran truy nã do xuất bản cuốn tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Sa-tăng" (The Satanic Verses) bị cho là báng bổ đạo Hồi, ông nói: "Không ai có quyền Chúa ban cho để xúc phạm một tôn giáo lớn".

Phong cách viết văn của Le Carré được các nhà phê bình nhận xét: Le Carré luôn tìm cách làm cho thế giới hư cấu trở nên thật hơn và sát thực tế hơn, điều mà ông hay gọi là "một thế giới gián điệp thích hợp với nhu cầu của tôi".

Nghệ thuật văn chương của ông đã ảnh hưởng mạnh đến ngay cả các đồng nghiệp tại MI-5 và MI-6, đến nỗi họ sử dụng các ngôn từ tiểu thuyết của ông để nói chuyện hàng ngày. Nghệ thuật văn chương của ông đã cuốn hút người đọc hoàn toàn, biến họ thành những "học trò" trung thành. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1127
Quay lên trên