Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) chiều ngày 7-12, theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT – Bộ Thông tin và Truyền thông), TikTok đã thực hiện 4 nội dung theo Kết luận kiểm tra liên ngành.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hinh và Thông tin điện tử thông tin về việc thực hiện Kết luận kiểm tra TikTok.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: Theo Kết luận kiểm tra TikTok, liên ngành do Bộ TTTT chủ trì đã yêu cầu TikTok thực hiện 9 nội dung lớn.
TikTok đã cam kết thực hiện 4 nội dung từ ngày 26/10/2023 về vấn đề tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em, vấn đề bản quyền đang trong quá trình triển khai, phối hợp thực hiện truyền thông chính sách, thúc đẩy các nội dung tích cực theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Còn lại 3 nội dung đang trao đổi, đàm phán về cách thức triển khai cho hiệu quả và khả thi nhưng vẫn đảm bảo theo đúng yêu cầu của Bộ TTTT gồm: Vấn đề ngăn chặn 100% nội dung vi phạm pháp luật và không sử dụng thuật toán để tạo xu hướng hoặc đề xuất nội dung vi phạm đến người dùng; Nâng cấp công cụ tìm kiếm, rà quét hiệu quả hơn cho Bộ TTTT; Cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung (đặc biệt là với hình thức Livestream). Bộ TTTT đang tiếp tục đấu tranh, yêu cầu TikTok thực hiện.
Phía TikTok chưa chấp thuận 2 nội dung gồm: Ủy quyền cho pháp nhân tại Việt Nam và có thỏa thuận về chia sẻ, phân phối nội dung với cơ quan báo chí. Lý do TikTok nêu ra là do pháp luật Việt Nam chưa có quy định yêu cầu phải thực hiện. Đặc biệt, về vấn đề ủy quyền, TikTok nhấn mạnh TikTok Singapore là nhà vận hành duy nhất của nền tảng, chịu trách nhiệm về hoạt động kỹ thuật của nền tảng, do đó sẽ không thực tế để chuyển giao/ủy quyền.
Bộ TTTT tiếp tục đấu tranh yêu cầu TikTok phải thực hiện vì hiện nay Tiktok đã có Công ty và Văn phòng đại diện hoạt động tại Việt Nam, có bộ phận nhân sự hàng trăm người thực hiện việc đánh giá xem xét các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và chuyển về Tiktok Singapore để thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ nhưng lại không có quyền xử lý trực tiếp các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam. Việc này làm chậm quy trình xử lý.
Theo TTXVN