Tìm giải pháp cho bài toán ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

Cập nhật: 27-08-2012 | 00:00:00

Bài 1: Thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp

Ngân hàng (NH) thừa tiền, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về vốn nhưng không thể tiếp cận được vốn từ NH do không đủ điều kiện các NH đưa ra. Dòng vốn vì thế bị tắc nghẽn, khó đi vào sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh nền sản xuất đang có những dấu hiệu chậm lại. Để giải quyết nghịch lý NH thừa tiền, DN thiếu vốn, một số địa phương đã tiến hành thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) để giúp DN tiếp cận nguồn vốn, các NH qua đó cũng có niềm tin để xem xét cho DN vay vốn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay.  Quỹ BLTD sẽ giúp DN giải bài toán khó khăn về vốn, các NH có thể giải ngân nguồn vốn huy động. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại DNTN May Quốc tế

Yêu cầu từ thực tiễn

Ông Phan Hữu Dụng, Giám đốc Công ty Điện tử T & T, tọa lạc tại KCN Sóng Thần (TX.Dĩ An), cho biết đối với đa số DN hiện nay, việc vay được vốn từ các NH đang như một trò thách đố bởi rào cản nợ xấu của DN. Còn đối với các DN không có nợ xấu nhưng muốn tiếp cận nguồn vốn cũng giống như tìm đường lên trời vì các DN này không có hoặc có tài sản thế chấp nhưng không đủ điều kiện để vay vốn!

Không phải bây giờ, khi mà DN đang phải đối mặt với bài toán làm sao để tiếp cận nguồn vốn từ các NH trong bối cảnh nợ xấu (hậu quả của một thời gian dài chịu áp lực lãi suất cao, đầu ra thu hẹp, hàng tồn kho...), mà từ lâu việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với đa số DN nhỏ và vừa đã hết sức khó khăn. Vì sao? Câu trả lời đã nằm ở chính khái niệm DN nhỏ và vừa, khi khái niệm này cũng hàm ý nói lên một thực tế rằng, đa phần các DN nhỏ và vừa đều rất yếu về khả năng tài chính, tính minh bạch trong quản trị DN, xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư, đặc biệt là tài sản thế chấp khi có ý định vay vốn từ các NH. Ở chiều ngược lại, các NH trước khi tiến hành cho DN vay vốn, bên cạnh việc xem xét tính hiệu quả của phương án kinh doanh, dự án đầu tư, một yêu cầu bắt buộc mà NH đòi hỏi ở DN chính là tài sản thế chấp. Chính vì thế, việc khó tiếp cận nguồn vốn đối với các DN nhỏ và vừa không chỉ xuất phát từ tình hình hiện nay mà đã trở thành khó khăn từ nguyên nhân sâu xa của loại hình DN này. Thực tế đó đã được tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nêu ra và khuyến nghị cần có một quỹ bảo lãnh cho DN.

Xem xét học hỏi kinh nghiệm từ TP.HCM

Trong bối cảnh DN khó tiếp cận được nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã chỉ đạo cho Sở Tài chính và Quỹ Đầu tư tỉnh tham mưu để nhanh chóng thành lập mô hình Quỹ BLTD cho DN trên địa bàn tỉnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Bình Dương sẽ thành lập quỹ với vốn điều lệ khoảng 150 - 200 tỷ đồng, hoạt động hỗ trợ DN không vì lợi nhuận. Trao đổi với phóng viên báo Bình Dương, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Văn Hảo, cho biết sở này và Quỹ Đầu tư đang xem xét, nghiên cứu học tập kinh nghiệm mô hình hoạt động của Quỹ BLTD cho DN của TP.HCM, qua đó tìm hiểu, xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp cho quỹ này tại Bình Dương.

Bên cạnh đó, hàng chục ngàn DN đang hoạt động tại Bình Dương, nếu xét trên phương diện số học, tỷ lệ DN được xếp vào loại hình DN nhỏ và vừa theo quy định hiện hành, đang chiếm đa số. Và lượng đa số DN này từ lâu đã phải đối mặt với khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các NH. Trong bối cảnh khó khăn chung của cộng đồng DN hiện nay, đối với các DN nhỏ và vừa, khó khăn dường như được nhân đôi. Chính vì vậy, ý tưởng hình thành Quỹ Bảo lãnh tín dụng dành cho các đối tượng DN này là xuất phát từ yêu cầu khách quan của nền kinh tế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, Bình Dương đang xem xét, nghiên cứu để thành lập mô hình quỹ này nhằm đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho DN, cũng như cởi nút thắt, khơi thông dòng vốn đổ vào sản xuất, bảo đảm tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Hai bên cùng có lợi

Theo mô hình Quỹ BLTD ở một số địa phương đã hình thành, nguồn vốn của quỹ này chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước do chính quyền địa phương bỏ ra, hoạt động theo cơ chế linh hoạt, không nhằm mục đích lợi nhuận. Đối tượng hướng đến của quỹ là các DN thuộc mọi thành phần kinh tế được xếp vào loại hình DN nhỏ và vừa, kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng có tổng nguồn vốn từ dưới 100 tỷ đồng hoặc có tổng số lao động dưới 300 người; các DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ có tổng nguồn vốn từ dưới 50 tỷ đồng hoặc có tổng số lao động dưới 100 người; các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã; các hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ về đăng ký DN. Với số vốn nhất định được đầu tư từ ngân sách, quỹ sẽ đứng ra bảo lãnh cho các DN không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn có thể vay được vốn từ các NH. Với cơ chế hoạt động như vậy, quỹ BLTD sẽ tạo ra một cầu nối giữa DN với NH, hình thành nên “dòng chảy” lưu thông nguồn vốn từ các NH thông qua việc huy động nguồn lực xã hội, cho DN vay và đưa nguồn vốn vào sản xuất, tạo ra giá trị thặng dư mới.

Cũng theo một số chuyên gia, việc xem xét đánh giá mô hình Quỹ BLTD đã hình thành tại các địa phương, cho thấy quỹ không chỉ giúp cho phía DN mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho các NH. Với các DN, sự góp mặt của quỹ giúp DN dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn khi DN chưa đủ các điều kiện để vay vốn. Còn đối với các NH, quỹ sẽ mang đến những khách hàng là DN đang có nhu cầu vay vốn cho những dự án khả thi. Điều này sẽ giúp cho các NH tự tin giải ngân các khoản cho vay vì đã được quỹ bảo lãnh, đồng thời các NH cũng bỏ qua được một bước xem xét các dự án đầu tư mà DN vay vốn đã thực hiện.

Ông Phan Hữu Dụng, Giám đốc Công ty Điện tử T&T, KCN Sóng Thần: Quỹ bảo lãnh sẽ là chiếc phao cứu sinh đối với DN...

Tôi cho rằng hình thành Quỹ BLTD cho DN trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa sau khi đã chịu áp lực lãi suất cao trong suốt năm 2011 và nửa đầu năm 2012 đã cạn kiệt sức lực. Đến nay, khi lãi suất đã dễ thở hơn thì DN lại vướng vào nợ xấu do hàng tồn kho, đầu ra bị thu hẹp... Trong khi đó, giải quyết được nợ xấu không phải là chuyện dễ dàng. Nếu muốn giải quyết nợ xấu thì DN phải để NH bán đấu giá tài sản thế chấp, nhưng khi giải quyết xong nợ xấu, DN muốn đi vay vốn để sản xuất - kinh doanh lại không còn tài sản thế chấp, nên không đủ điều kiện vay vốn từ NH. Vì vậy, với các DN nhỏ và vừa, nếu có được một quỹ đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn từ các tổ chức tín dụng thì quỹ này có giá trị như chiếc phao cứu sinh...

Ông Đặng Thành Lợi, Giám đốc DNTN An Thái, TX.Dĩ An:  Thành lập quỹ, chính quyền thực sự đồng hành cùng DN...

Theo tôi được biết, tại một số địa phương hiện đã hình thành mô hình quỹ này và hoạt động khá hiệu quả. Việc UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương thành lập Quỹ BLTD từ nguồn vốn ngân sách để bảo lãnh cho DN, giúp họ tiếp cận được nguồn vốn vay, đưa vào sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chồng chất của cộng đồng DN hiện nay, cho thấy sự quyết tâm đồng hành của chính quyền với DN. Điều này chứng tỏ lãnh đạo tỉnh không chỉ kêu gọi tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN một cách chung chung, mà đã và đang có những hành động cụ thể, thiết thực...

ĐÀM THANH (ghi)

Bài 2: Hiệu quả, kinh nghiệm từ TP.HCM

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên