Tìm giải pháp để chăm lo, giải quyết vướng mắc và đồng hành cùng người lao động

Cập nhật: 13-06-2022 | 08:17:29

Sáng 12-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ 4.500 người lao động (NLĐ) tại tỉnh Bắc Giang và đối thoại trực tiếp, trực tuyến với công nhân cả nước qua 63 điểm cầu các tỉnh, thành với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Tham dự buổi đối thoại còn có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành và CNLĐ của tỉnh.

10 nhóm vấn đề lớn được công nhân đưa ra

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng cho biết trong 2 năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19, Chính phủ không có điều kiện để tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan đã có nhiều hình thức để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ). Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

Hai vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và kiến nghị của công nhân lao động Bình Dương là thu nhập và chính sách nhà ở. Trong ảnh: Cán bộ Công đoàn Bình Dương luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của công nhân lao động để kịp thời tìm giải pháp hỗ trợ. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Tại hội nghị, 10 nhóm vấn đề lớn được công nhân đưa ra, như: Tăng lương tối thiểu vùng; việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội; giải quyết những khó khăn về chế độ chính sách các gói hỗ trợ CNLĐ; vấn đề quy hoạch và dành quỹ đất để xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nơi sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ; chính sách hỗ trợ tín dụng cho CNLĐ; công tác đào tạo nghề; vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ giá nhà trọ, điện, nước cho công nhân... Đây là những vấn đề trọng tâm, “nóng” tại hội nghị được công nhân quan tâm, phản ánh.

Trao đổi với Thủ tướng, một số công nhân cho biết nhiều CNLĐ phải thường xuyên tăng ca làm việc vào ngày thứ bảy nên rất khó khám sức khỏe, đồng thời mong muốn phát triển bệnh viện phục vụ CNLĐ tại các khu công nghiệp. Trước chia sẻ này, Thủ tướng nói đây là ý kiến rất hay, rất thời sự. Thủ tướng cho biết với mục tiêu, chủ trương đặt sức khỏe của người dân, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nhất là với đại dịch, qua rà soát, bên cạnh những điều cơ bản được, vẫn còn những cái chưa được như hệ thống y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở còn thiếu, yếu cả về mặt pháp lý, cơ sở vật chất, tổ chức thực hiện và đầu tư cho nguồn nhân lực.

Hiện Chính phủ đang rà soát lại các nghị định liên quan để tăng cường hệ thống y tế cơ sở và hệ thống y tế dự phòng; lần này Quốc hội cũng cho sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh. Chính phủ đang tập trung để bổ sung về mặt pháp lý, cơ chế chính sách, mặt thể chế. Giải pháp trước mắt là trong phòng, chống dịch, trong chương trình phục hồi có tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và y tế dự phòng, dành nguồn lực khoảng 14.000 tỷ đồng. Về lâu dài là vấn đề pháp lý, chủ trương đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, cùng với đó là vấn đề tổ chức và nguồn lực phù hợp.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu những gì thuộc về thể chế, cơ chế chính sách thì bổ sung ngay vào Luật Khám chữa, bệnh. “Đã có chủ trương, có nguồn lực đầu tư thì triển khai khẩn trương việc này, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, cũng không nóng vội”, Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với vấn đề nhà ở cho công nhân, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề chính đáng, cần phải giải quyết để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của công nhân. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này. Đối với vấn đề hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt. Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động đề nghị triển khai các chính sách như các Quyết định 08, bảo đảm hoàn thành trong tháng 8-2022. Trong đó, với những vướng mắc cần kịp thời báo cáo để tháo gỡ, giảm thủ tục cho NLĐ trong một số trường hợp đặc biệt.

NLĐ Bình Dương quan tâm về các chính sách

Tại Bình Dương, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết trước khi diễn ra chương trình này, đơn vị đã thực hiện khảo sát, ghi nhận kiến nghị của CNLĐ tại Bình Dương với Thủ tướng. Theo ghi nhận, qua khảo sát nổi lên 2 vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và kiến nghị là thu nhập và chính sách nhà ở. Anh Nguyễn Thanh, làm việc tại Công ty TNHH East West Industries Việt Nam (KCN VSIP II), chia sẻ: “Hôm nay được tham dự buổi trực tuyến CNLĐ gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng, tôi rất vui. Tôi muốn gửi đến Thủ tướng kiến nghị về chính sách tiền lương, nhất là tăng lương tối thiểu sớm để cải thiện thu nhập cho CNLĐ trong bối cảnh bão giá hiện nay”.

50 công nhân lao động trong tỉnh được chọn tham dự hội nghị đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ

Cùng niềm mong đợi trên, anh Hoàng Trọng Hùng, làm việc tại Công ty TNHH Yuwa Việt Nam (KCN VSIP II), bày tỏ: “Tôi rất mong đợi buổi trực tuyến CNLĐ gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Qua chương trình này, tôi mong muốn được gửi những kiến nghị của bản thân và các đồng nghiệp. Theo tôi, vấn đề mong muốn nhất của NLĐ xa quê đến Bình Dương là tìm được việc làm ổn định có thu nhập bảo đảm lo cho gia đình; sau đó là mua được nhà ở để ổn định cuộc sống, gắn bó với Bình Dương”.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những chia sẻ thẳng thắn của công nhân. Đồng thời cho biết Chính phủ sẽ cố gắng tìm giải pháp quan tâm, chăm lo, đồng hành để khắc phục hậu quả Covid-19, giải quyết những vướng mắc, quyền lợi của NLĐ. Thủ tướng cũng đánh giá cao những chia sẻ cũng như tinh thần trách nhiệm vì đoàn viên, NLĐ của đội ngũ cán bộ công đoàn cả nước. Chính phủ luôn xác định vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn và sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, hỗ trợ để tổ chức công đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. 

Tại hội nghị, 10 nhóm vấn đề lớn được công nhân đưa ra, như: Tăng lương tối thiểu vùng; việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội; giải quyết những khó khăn về chế độ chính sách các gói hỗ trợ CNLĐ; vấn đề quy hoạch và dành quỹ đất để xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nơi sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ; chính sách hỗ trợ tín dụng cho CNLĐ; công tác đào tạo nghề; vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ giá nhà trọ, điện, nước cho công nhân...

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1461
Quay lên trên