Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có nhiều chương trình, kế hoạch tập trung tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, phát triển một số mô hình liên kết tiêu thụ nông sản. Ðây là nhân tố quan trọng giúp ngành cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Thực tế cũng chỉ rõ, để nâng cao giá trị nông sản cần có sự “bắt tay” thực chất, chặt chẽ, hiệu quả từ các bên liên quan.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nông nghiệp Bình Dương đang phát triển mạnh, nâng cao giá trị nông sản
Khuyến khích đầu tư
Từ năm 2007, với đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ và các chính sách hỗ trợ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ), chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp Bình Dương phát triển ổn định, tập trung thành các vùng sản xuất chủ lực gắn với các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.
Tuy nhiên, thị trường trong nước và thế giới của sản phẩm nông nghiệp đều gặp khó, giá cả sản phẩm nông nghiệp giảm trong khi giá nguyên vật liệu và chi phí sản xuất cao. Sản xuất nông nghiệp chưa chủ động trong chế biến, chủ yếu bán sản phẩm thô, nguyên liệu. Bên cạnh đó, mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức và hệ thống phân phối chưa đa dạng.
Trước thực trạng đó, Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo các giải pháp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hội thảo nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý sản xuất nông nghiệp các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải pháp quản lý kiểm soát tiềm năng, kỹ năng nắm bắt thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, nghiệp vụ bán hàng và xu hướng bao bì, nhãn mác, phân phối sản phẩm nông sản…
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia, báo cáo viên, các cơ quan chuyên ngành trình bày các nội dung: Các yếu tố hình thành giá trị sản phẩm nông sản, giải pháp nâng cao giá trị nông sản; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; các quy trình chế biến quy mô phù hợp với trang trại, hợp tác xã (đối với một số nhóm sản phẩm nông sản Bình Dương như bưởi, cam, chuối, dưa lưới, rau, sản phẩm chế biến); một số thông tin về ý nghĩa sản phẩm và chương trình OCOP trong nâng cao giá trị sản phẩm nông sản; giới thiệu xu hướng bao bì, đóng gói sản phẩm theo thị hiếu tiêu dùng xanh, sinh thái, hiện đại…; bao bì đóng gói sản phẩm (thiết kế mẫu mã, chất liệu bao bì).
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng hội thảo có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trao đổi, tiếp cận, làm sáng tỏ thêm các xu hướng, thị hiếu về chất lượng, tiếp thị, mẫu mã bao bì và các giải pháp phân phối sản phẩm hiện đại. Đồng thời, hội thảo chia sẻ các giải pháp, các sáng kiến để thay đổi hạng mục nhỏ tạo ra giá trị sản phẩm lớn góp phần ứng dụng vào phát triển sản phẩm nông nghiệp Bình Dương, trước mắt phục vụ cho thị trường mùa mua sắm cuối năm, thị trường tết, hướng đến phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở để ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở ngành tham mưu UBND tỉnh và triển khai thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Hỗ trợ phát triển bền vững
Để từng bước hỗ trợ các các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã nâng cao giá trị sản phẩm, ông Lê Thanh Tâm cho biết ngành sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của bộ, ngành để triển khai kịp thời đến địa phương. Đồng thời ngành NN&PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là Sở Công thương, Sở Khoa học & Công nghệ để kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn các quy định, yêu cầu các thị trường, hỗ trợ công tác chuyên môn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã… tiếp cận các điều kiện, quy định cần thiết về sản xuất và tiêu thụ nông sản, từ đó đẩy mạnh công tác kết nối tiêu thụ, nông sản của tỉnh.
Thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo thông tin thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Mặt khác, ngành tăng cường phối hợp các sở, ngành, tham mưu UBND tỉnh kêu gọi thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của các tỉnh có thể tham gia đầu tư xây dựng, hợp tác, nhất là các khâu sau thu hoạch, chế biến, logistics sản phẩm nông sản; tập trung để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm chất lượng đồng đều, ổn định; tiếp tục triển khai Chương trình OCOP để phát triển các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, có lợi thế của địa phương; ứng dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường mục tiêu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; ứng dụng truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử để quản lý quy trình sản xuất bảo đảm an toàn.
Song song đó, ngành tiếp tục duy trì các vùng trồng đã được cấp mã số đáp ứng yêu cầu theo quy định, đồng thời triển khai hướng dẫn và cấp mã số vùng trồng, xây dựng kiểm soát vùng an toàn dịch bệnh; vận động, hỗ trợ các đơn vị sản xuất chủ động liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, thương mại để có đầu ra sản phẩm bền vững; xúc tiến quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp với mục tiêu hỗ trợ ứng dụng các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
THOẠI PHƯƠNG - HƯƠNG THẢO