Tìm giải pháp nâng cao vị thế thương hiệu nông sản

Cập nhật: 23-04-2021 | 08:10:03

UBND huyện Dầu Tiếng vừa tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) năm 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Tại cuộc họp, Ban điều hành OCOP huyện Dầu Tiếng đã lắng nghe các địa phương chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc lựa chọn và phát triển các nhóm sản phẩm nông sản trên địa bàn.

 Cam hữu cơ An Lập ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

 Hiệu quả bước đầu

Trong năm 2020 huyện Dầu Tiếng đã tích cực vận động các cá nhân, tổ chức là chủ thể kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình… tham gia Chương trình OCOP. Theo đó, huyện đã phối hợp Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh tổ chức nhiều khóa tập huấn cho chủ thể kinh tế về các nội dung liên quan đến các phương án xây dựng quy trình sản xuất, thương hiệu và phát triển thị trường cho sản phẩm, dịch vụ…

Ông Võ Văn Tâm, Phó Trưởng Phòng kinh tế huyện Dầu Tiếng, cho biết dù còn nhiều khó khăn trong việc chuẩn hóa các công nghệ, dây chuyền và quy mô sản xuất, kinh doanh để tham gia Chương trình OCOP, nhưng thời gian qua huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động các chủ thể kinh tế về những lợi ích khi tham gia chương trình. Với sự nỗ lực của huyện và các địa phương, bước đầu phần lớn các chủ thể kinh tế trên địa bàn huyện đã có sự đồng tình và ủng hộ, tham gia chương trình.

Kết quả, qua một năm triển khai chương trình OCOP, bước đầu đã hình thành một số nhóm sản phẩm nông sản có thương hiệu trên địa bàn. Theo đó, qua vận động, tuyên truyền, các xã, thị trấn đã có một số sản phẩm nông sản tiêu biểu, nhận được sự phản hồi tích cực từ thị trường và người tiêu dùng như: Dưa lưới An Lập, măng cụt Thanh Tuyền, cây có múi Minh Hòa, sầu riêng Thanh An, nấm linh chi Long Hòa, mật ong Minh Hòa, yến sào Minh Tân…

Ngoài những sản phẩm kể trên, thông qua Chương trình OCOP, huyện Dầu Tiếng cũng đã và đang hình thành thêm nhiều nhóm sản phẩm tiêu biểu theo định hướng phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực như: Thực phẩm tươi sống, thảo dược khác, thực phẩm thô, sơ chế. Theo định hướng của huyện, những sản phẩm nông sản thuộc các nhóm kể trên là thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương. Chỉ cần có định hướng phát triển chuẩn hóa, chuyên môn hóa sẽ có khả năng trở thành những sản phẩm chủ lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Địa phương cần hỗ trợ

Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai Chương trình OCOP, địa phương và các chủ thể tham gia chưa nắm rõ được nhiều nội dung của chương trình, qua đó còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc triển khai. Ngoài ra, các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình kinh tế hộ gia đình… khi được mời gọi tham gia còn tỏ ra ngần ngại do yêu cầu về quy mô và chất lượng của các công đoạn sản xuất, kinh doanh khi tham gia chương trình.

Tại buổi tổng kết, lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đều cho rằng OCOP là một trong những chương trình có ý nghĩa và mang tính chiến lược trong việc xây dựng và phát triển vùng kinh tế đặc sản, có tính lan tỏa về thương hiệu dịch vụ, sản phẩm và cạnh tranh tốt với thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương và chủ thể được mời gọi tham gia chương trình còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc tham gia đăng ký sản phẩm theo tiêu chí đề ra.

Theo đó, phần lớn những sản phẩm địa phương lưu thông trên địa bàn huyện Dầu Tiếng còn thiếu một số tiêu chí quan trọng như: Chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, kiểm nghiệm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại… Để đáp ứng các yêu cầu nói trên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình kinh tế hộ gia đình cần được hỗ trợ nguồn vốn đủ để xây dựng quy trình, quy chuẩn và phát triển thương hiệu dịch vụ, sản phẩm.

Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện ghi nhận những đóng góp của các địa phương, đồng thời yêu cầu Phòng Kinh tế huyện và các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các mô hình kinh tế nông nghiệp hợp tác xã và hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP. Ông Tuyên kỳ vọng giai đoạn 2021- 2025, mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm nông sản có chất lượng, tạo dấu ấn tốt đối với thị trường và người tiêu dùng khi nghe đến thương hiệu nông sản Dầu Tiếng.

 ĐÌNH THẮNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=620
Quay lên trên