Tìm giải pháp thúc đẩy chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản

Cập nhật: 22-09-2021 | 07:36:17

 Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều mặt hàng đến kỳ thu hoạch có sản lượng lớn đã xảy ra tình trạng bị ùn ứ do đứt gãy chuỗi cung ứng. Trước thực trạng đó, Chính phủ vừa tổ chức hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản.

 Dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong ảnh: Dây chuyền sơ chế, chuẩn bị đóng gói nông sản tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (huyện Phú Giáo)

 Khó khăn

Các địa phương, hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị Chính phủ quan tâm, tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, lưu thông và xuất khẩu nông sản. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng...

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương, cho biết do đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, nhiều mặt hàng ở Bình Dương đã rơi vào tình trạng dư thừa. Cụ thể, hiện nay dư thừa khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trong chăn nuôi, khó khăn nhất vẫn là tiêu thụ sản phẩm gà công nghiệp lông trắng, các sản phẩm trứng nhu cầu giảm nên khả năng tiêu thụ cũng chững lại. Hiện mỗi ngày tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.

Cùng với các giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân trong đại dịch Covid-19, các ngành và địa phương vẫn đang tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong sản xuất, kinh doanh của DN và người dân với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất cũng như hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản mùa vụ.

Giải pháp nào?

Để thực hiện thành công “mục tiêu kép”, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông sản, Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn điều hành hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thống nhất nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) một cách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa vận chuyển xuất khẩu, tiêu thụ nội địa.

Ông Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cây ăn quả Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết trước tình hình khó khăn do dịch bệnh gây ra, có những thời điểm sản phẩm bưởi của HTX bị ùn ứ lên tới 50 tấn. Thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử htx.cooplink.com.vn với túi combo nông sản, bán online và liên kết với các HTX nông nghiệp trên địa bàn đóng thành túi combo nông sản cung cấp cho trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh, đã giải quyết được lượng lớn hàng tồn đọng, ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Văn Bông cho biết thêm, để mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh trong tình hình dịch bệnh Covid-19, thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục theo dõi nắm bắt các khó khăn trong sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ để phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện tháo gỡ. Phối hợp cùng các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Thường xuyên liên hệ và nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ, khuyến khích đa dạng phương thức kinh doanh từ truyền thống tới bán hàng trực tuyến. Phối hợp xây dựng các chuỗi liên kết và các phương án chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản một cách bền vững.

 Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông. Ngành nông nghiệp các địa phương cần phối hợp với ngành y tế, công thương làm việc cụ thể với DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời xây dựng phương án phục hồi sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với người dân, DN trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp, trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm.

Lũy kế 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản cả nước ước đạt trên 60,9 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%; xuất siêu nông sản đạt khoảng 3,35 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7 do dịch bệnh bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu nông sản có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên