Tìm hiểu Luật Lý lịch tư pháp

Cập nhật: 05-07-2010 | 00:00:00

Luật Lý lịch tư pháp đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ năm ngày 17-6-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010, theo đó một số nội dung chủ yếu của luật quy định như sau:

Phiếu lý lịch tư pháp: Là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Phiếu lý lịch tư pháp được sử dụng để làm các thủ tục như: xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học, thành lập doanh nghiệp, xuất cảnh...; ngoài ra phiếu lý lịch tư pháp còn được sử dụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình. Đồng thời, để phục vụ hoạt động tố tụng hình sự, công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Để tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, luật quy định Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đều có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cụ thể:

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:- Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

- Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

- Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước.

- Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài.

- Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

Các loại Phiếu lý lịch tư pháp

Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp quy định hai loại Phiếu lý lịch tư pháp: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Án tích đã được xóa thì không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Trường hợp một người đã bị kết án thì Phiếu lý lịch tư pháp số 2 ghi tất cả các án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa). Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cũng bao gồm thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2

* Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ: bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Công dân Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp hồ sơ tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

Trường hợp cá nhân không có điều kiện trực tiếp làm thủ tục có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật. Để tạo thuận lợi cho cá nhân, đặc biệt là các trường hợp đi học, lao động, công tác ở xa, luật quy định trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

* Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2

Trường hợp cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì cũng thực hiện theo thủ tục tương tự như thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Tuy nhiên, để bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân, Phiếu số 2 chỉ được cấp trực tiếp cho người có lý lịch tư pháp nên luật quy định không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp là: 100.000 đồng/lần cấp/người.

THÙY TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên