Tìm hướng đi cho một mô hình sáng tạo, hiệu quả trong chống dịch - Kỳ 2

Cập nhật: 16-06-2022 | 06:49:47

Kỳ 2: Mạnh dạn chuyển đổi công năng trong tình hình mới

 Khi mô hình trạm y tế lưu động (TYTLĐ) được nhân rộng và vận hành đạt hiệu quả tối đa, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí: Ca mắc, nhập viện và tử vong. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bước sang giai đoạn mới, đòi hỏi các TYTLĐ phải chuyển đổi công năng để tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 Cán bộ trạm y tế lưu động tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

 Từng bước thích ứng

Thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, Bình Dương đã linh hoạt triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT, Quyết định 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Hướng dẫn tạm thời chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ”. Sau thời gian triển khai, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh giảm mạnh trên các tiêu chí: Ca mắc, nhập viện và tử vong. Qua biểu đồ số liệu dịch bệnh trong 2 tuần trở lại đây cho thấy hiện mỗi ngày tỉnh ghi nhận trung bình khoảng 13 ca nhiễm mới, giảm hơn 307 lần so với thời điểm đỉnh dịch. Trong khi số ca nhiễm giảm sâu thì tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 cũng trên đà giảm mạnh, số bệnh nhân xuất viện, khỏi bệnh ngày càng nhiều hơn số ca mắc mới và nhập viện.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 383.600 ca nhiễm (không kể test nhanh dương tính tại nhà), có hơn 692.800 bệnh nhân xuất viện, hoàn thành cách ly điều trị (kể cả test nhanh), hơn 2.400 bệnh nhân tử vong do Covid-19. Hiện toàn tỉnh còn hơn 20 bệnh nhân điều trị tại nhà, không có bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế. Thống kê trong 30 ngày qua, số bệnh nhân tử vong do Covid-19 khoảng 3 bệnh nhân/tháng, chủ yếu bệnh nhân già yếu, có bệnh nền nặng. Đánh giá cấp độ dịch trong 4 tuần gần đây, toàn tỉnh có 91/91 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 1 (bình thường mới). Đặc biệt, thành công lớn của tỉnh là tiến hành tiêm phủ vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân. Từ tỉnh có tốc độ tiêm vắc xin khá chậm so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, đến nay toàn tỉnh đã tiêm phủ hơn 6,6 triệu liều vắc xin. Có thời điểm, chỉ trong vòng 3 ngày, toàn tỉnh đã tiêm hết 750.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm.

Trong điều kiện thích ứng an toàn hướng tới “bình thường mới”, nhịp sống sôi động của người dân đã trở lại. Hoạt động hiệu quả của TYTLĐ đã góp phần đưa Bình Dương vượt qua khó khăn, thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Sự hiện diện của các TYTLĐ đã tạo ra niềm tin trong nhân dân để chung sức cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Chuyển đổi công năng

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, hiện toàn tỉnh đã thành lập được 162 TYTLĐ, trong đó có 99 trạm tại các xã, phường, thị trấn, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 tổ lưu động của quân y. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí, tỉnh chủ trương chuyển đổi công năng, nhiệm vụ của các TYTLĐ này. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện dịch bệnh Covid-19 đã giảm sâu nhưng đang vào mùa hè, thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây truyền bùng phát, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, không để dịch chồng dịch, ngành y tế chuyển đổi công năng hoạt động TYTLĐ thành trạm y tế cố định để phòng, chống dịch bệnh theo mùa. Theo đó, các TYTLĐ triển khai các hoạt động phòng bệnh lây truyền theo mùa, như: SXH, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, viêm não Nhật Bản...”.

TP.Thủ Dầu Một là địa phương đã nhanh chóng chủ động chuyển đổi công năng hoạt động của 14 TYTLĐ sang phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng và các dịch bệnh khác. Nhờ linh hoạt triển khai các biện pháp nên TP.Thủ Dầu Một là địa phương có tỷ lệ véc tơ gây bệnh SXH đạt tỷ lệ rất thấp và thấp nhất trong 9 huyện, thị, thành phố. Từ thành công tại TP.Thủ Dầu Một, các địa phương, như: TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát cũng chuyển đổi hoạt động của TYTLĐ. Tại TP.Dĩ An, trước tình hình bệnh SXH gia tăng, 14 TYTLĐ đồng loạt chuyển công năng sang hoạt động phòng, chống dịch SXH và đem lại nhiều kết quả khả quan.

Chúng tôi có mặt tại TYTLĐ số 6, phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An. Trạm có 5 thành viên gồm 1 bác sĩ và 4 nhân viên y tế. Gần 2 tháng nay, tại trạm này không còn người dân nhiễm Covid-19 đến khám, lấy thuốc nên bác sĩ Phan Thị Ngọc Kiều, Trưởng TYTLĐ số 6 và các nhân viên y tế ở trạm đã chuyển đổi các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sang phòng, chống dịch bệnh theo mùa và hỗ trợ trạm y tế cố định hoạt động. Mỗi ngày, bác sĩ Kiều chạy xe gắn máy vào các con hẻm, khu nhà trọ thông báo tình hình dịch bệnh SXH đang lưu hành mạnh trên địa bàn và thông báo các cách phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, bác sĩ Kiều đã đến từng nhà dân trong khu phố Đông Chiêu (nơi có nhiều ca mắc và tử vong do SXH) ghi nhận tình trạng sức khỏe của từng người, giám sát cộng đồng các trường hợp nghi mắc SXH.

Tranh thủ thời gian, các bác sĩ của trạm còn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường ở các con hẻm, vận động người dân thu gom phế liệu, phát quang bụi rậm, loại bỏ ổ lăng quăng, bọ gậy để phòng, chống SXH. Đối với điểm nóng dịch bệnh ở khu phố Đông Chiêu, bác sĩ Kiều hàng ngày đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người dân duy trì hàng tuần hoạt động tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng… Với sự góp sức của bác sĩ Kiều và các nhân viên TYTLĐ số 6 mà số ca nhiễm SXH, chuyển nặng và tử vong ở địa phương đang có dấu hiệu giảm dần. Trong tuần 22, phường Tân Đông Hiệp ghi nhận 15 ca mắc SXH nhưng đến tuần 23 chỉ còn 10 ca.

Có thể thấy sự chuyển đổi công năng kịp thời của các TYTLĐ đã giúp các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bệnh SXH bùng phát thành dịch lớn trên địa bàn. TYTLĐ vẫn phát huy vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe nhân dân. (còn tiếp)

 Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, hiện toàn tỉnh đã thành lập được 162 TYTLĐ, trong đó có 99 trạm tại các xã, phường, thị trấn, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 tổ lưu động của quân y. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, không để “dịch chồng dịch”, ngành y tế chuyển đổi công năng hoạt động TYTLĐ thành trạm y tế cố định để phòng, chống dịch bệnh theo mùa.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên