Tìm hướng phát triển cho công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 20-05-2011 | 00:00:00

Bài 1: Sự cần thiết phát triển CNHT

LTS: Bình Dương là một trong những tỉnh thành đi đầu về phát triển công nghiệp, việc đặt vấn đề phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển đã được quan tâm từ khá sớm. Mới đây, UBND tỉnh đã thực hiện một đề án nhằm nghiên cứu, đưa ra định hướng phát triển ngành CNHT tại Bình Dương. Với cái nhìn đúng đắn về vị trí, vai trò của CNHT, đề án này sẽ giúp CNHT của Bình Dương phát triển, đáp ứng được nhu cầu về nguyên phụ liệu cho các ngành công nghiệp khác trong quá trình công nghiệp hóa...

  Sản phẩm CNHT của Việt Nam còn kém phát triển, chủ yếu phải nhập khẩu hoặc được cung ứng bởi các doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Sản xuất thanh truyền dẫn nhiệt tại KCN Việt Nam- Singapore, Bình Dương

Trong những năm qua, nền kinh tế của Bình Dương luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bình quân tăng 14,65%/năm trong giai đoạn 2001-2009. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Nhờ tỷ trọng GDP công nghiệp tăng mạnh mẽ đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp Bình Dương vẫn chủ yếu diễn ra theo chiều rộng, với phương thức gia công, lắp ráp là chính. Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hầu hết sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất sản phẩm. CNHT trên địa bàn tỉnh nói riêng chưa đáp ứng được với nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về chất lượng và số lượng.

Trong bối cảnh ấy, tình hình phát triển CNHT của cả nước cũng đang gặp nhiều hạn chế, khó khăn mặc dù việc phát triển CNHT cũng đã được quan tâm và đề ra khá sớm. CNHT tại Việt Nam hiện mới chỉ có những điểm sáng tại ngành sản xuất xe máy và điện tử, điện gia dụng... nơi có các tập đoàn lớn của nước ngoài tham gia liên doanh xây dựng các nhà máy sản xuất linh phụ kiện. Còn lại, hầu như các ngành công nghiệp khác của Việt Nam, nguyên liệu, phụ tùng vẫn phải nhập khẩu. Theo đánh giá từ các chuyên gia Nhật Bản, CNHT của Việt Nam chưa phát triển, sản phẩm CNHT cũng chưa đạt chuẩn quốc tế về chất lượng, mẫu mã, quy cách... Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất rượu, các DN Nhật Bản cho biết, Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được sản phẩm thùng carton, còn lại phải nhập khẩu vỏ chai. Canon sau khi đến Việt Nam đầu tư, cũng phải mất một thời gian dài mới tìm được nhà cung ứng sản phẩm CNHT nhưng có đến 90% các nhà cung ứng là các DN đến từ nước ngoài.

Mặt khác, theo các chuyên gia, tuy Bình Dương đã hình thành, phát triển các khu công nghiệp từ rất sớm nhưng công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ từ năm 2005, với lực đẩy từ thu hút đầu tư nước ngoài. Theo lý thuyết phát triển CNHT với 5 giai đoạn thì hiện nay ngành CNHT của Bình Dương chủ yếu đang ở giai đoạn thứ nhất của quá trình phát triển. Chẳng hạn với ngành CNHT điện tử, cơ khí chế tạo, phần lớn các cụm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc thiết bị còn non kém, chủ yếu vẫn dừng lại ở gia công lắp ráp. Bên cạnh đó, thực tế ngành CNHT của Bình Dương trong những năm qua hoạt động không khác gì các ngành công nghiệp khác về chính sách phát triển, các chế độ đãi ngộ. Việc phát triển ngành CNHT của Bình Dương vẫn dựa vào chính sách phát triển chung của cả nước và địa phương nhờ những tiềm năng, lợi thế địa lý, đất đai, sự thông thoáng về thủ tục hành chính để thu hút đầu tư.

Nguyên nhân là do công nghiệp của Bình Dương còn non trẻ chủ yếu dựa trên nền tảng các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến thuê mặt bằng, lao động sản xuất sản phẩm xuất khẩu với hầu hết đều nhập khẩu. Mặt khác, việc phát triển ngành CNHT của Bình Dương chưa có chiến lược, thiếu quy hoạch đầu tư, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng kém phát triển của ngành CNHT trên địa bàn Bình Dương nói riêng cũng như cả nước nói chung. Do vậy, việc đặt vấn đề phát triển ngành CNHT đối với Bình Dương là rất cần thiết bởi nếu không tìm hướng phát triển CNHT, quá trình công nghiệp hóa của tỉnh sẽ gặp những lực cản lớn khi phát triển công nghiệp theo chiều rộng, gia công, sử dụng lao động, giá trị gia tăng thấp sẽ tạo ra các áp lực về xã hội, môi trường, khó hướng đến tính bền vững.

Kỳ 2: Thực trạng ngành CNHT dệt may, giày da

THÀNH SƠN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên