Bài 1: Sự cần thiết phát triển CNHT
Bài 2: Thực trạng ngành CNHT dệt may và giày da
Bài 3: Tiềm năng phát triển ngành cơ khí, điện tử - tin học
Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, ngành cơ khí và điện tử - tin học sẽ được tập trung ưu tiên phát triển để chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Điều này sẽ tạo ra môi trường rất lớn để ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cơ khí, điện tử - tin học phát triển trong thời gian tới...
Quy mô ngày càng mở rộng
Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong 2 ngành CNHT cơ khí và điện tử - tin học đang có quy mô và tốc độ tăng trưởng khá cao thời gian qua. Trong giai đoạn 2006-2009, số lượng DN CNHT cơ khí tăng 27,1%. Hiện Bình Dương đã có trên 200 DN tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNHT ngành cơ khí. Trong các ngành CNHT cơ khí, ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ đang có tốc độ phát triển nhanh trong những năm qua. Bên cạnh đó, đã có một số DN sản xuất vành niền xe ô tô, xe gắn máy, trục chính xác, gia công bulon, ốc vít, linh kiện xe, xi mạ, xử lý nhiệt, nhíp xe ô tô, máy đập thủy lực, phụ tùng xe honda... Nếu như doanh số năm 2005 của các DN ngành CNHT cơ khí chỉ đạt 14.000 tỷ đồng thì đến năm 2008, doanh số ngành này đã nhảy vọt lên xấp xỉ 39.000 tỷ đồng.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Estec Vina (KCN Việt Nam – Singapore)
Đối với ngành CNHT điện tử - tin học, trên địa bàn tỉnh hiện có DN hoạt động sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp sản xuất thiết bị ngoại vi máy tính, sản xuất thiết bị truyền thông; trong đó công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành này. Số lượng DN ngành CNHT điện tử- tin học cũng đang có tốc độ tăng trưởng cao về quy mô. Trong giai đoạn 2006-2009, tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức 22,92%; trong đó các DN sản xuất linh kiện điện tử tăng trưởng cao nhất với 27,22%, được cho là một thế mạnh của ngành CNHT điện tử - tin học của Bình Dương. Song song với sự lớn mạnh về quy mô, trình độ sản xuất của các DN CNHT điện tử - tin học phần lớn cũng đạt trình độ tiên tiến. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đề án phát triển CNHT của Bình Dương, có đến 42,86% DN của tỉnh đạt trình độ công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, các sản phẩm CNHT ngành cơ khí của Bình Dương vẫn chủ yếu là các mặt hàng cơ khí xây dựng. Các sản phẩm cơ khí hỗ trợ như thiết bị, phụ tùng phục vụ cho ngành cơ khí chính xác trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Với ngành CNHT điện tử - tin học cũng chủ yếu đến từ các DN nước ngoài, sản xuất để cung cấp cho chuỗi sản phẩm của các công ty mẹ, chưa đáp ứng được cho các DN sản xuất trong nước cũng như địa phương. Do vậy, để phát huy hết tiềm năng 2 ngành này, cần thiết phải có chiến lược phát triển gắn với mục tiêu cụ thể đồng thời có những chính sách hỗ trợ đi kèm.
Sẽ là 2 ngành CNHT mũi nhọn
Với những tiềm năng cũng như vị trí, vai trò của ngành CNHT cơ khí, điện tử - tin học, đề án nghiên cứu phát triển CNHT của Bình Dương đến năm 2020 đã xác định đây là 2 ngành CNHT mũi nhọn cần tập trung, khuyến khích phát triển. Theo đó, đối với ngành CNHT cơ khí, sẽ phát triển gắn với quy hoạch phát triển ngành CNHT cơ khí của cả nước, qua đó Bình Dương sẽ hình thành trung tâm sản xuất động cơ ô tô, khu hoặc cụm CNHT ngành cơ khí, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Bình Dương sẽ khuyến khích thu hút các DN FDI có trình độ công nghệ tiên tiến. Đến năm 2020, Bình Dương đạt mục tiêu phát triển được các DN đầu tàu, có khả năng cung cấp những sản phẩm CNHT ngành cơ khí quy mô lớn ra thị trường một cách độc lập, có khả năng gia công các chi tiết, phụ tùng máy móc có độ phức tạp cao. 4 lĩnh vực CNHT cơ khí được xác định tập trung phát triển là sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện, máy móc thiết bị chuyên dùng cho các ngành kinh tế và sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe máy.
Riêng ngành CNHT điện tử - tin học, các chuyên gia xây dựng đề án chiến lược phát triển đến năm 2020, ngành này sẽ chuyển từ lắp ráp sang sản xuất linh kiện điện tử. Theo đó, cần phát triển nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển ở trình độ cao. Các lĩnh vực CNHT điện tử tin học cần khuyến khích phát triển bao gồm: sản xuất linh kiện cáp quang, linh kiện điện tử phục vụ cho các ngành tin học, công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, tự động hóa...
THÀNH SƠN
Bài cuối: Những giải pháp cần thiết để Bình Dương phát triển CNHT