Tìm hướng phát triển cho công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 24-05-2011 | 00:00:00

Bài cuối: Giải pháp nào phát triển công nghiệp hỗ trợ?

Sau một thời gian phát triển công nghiệp nhanh về chiều rộng, đã đến lúc Bình Dương cần tính toán phát triển mạnh về chiều sâu. Việc đặt vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng chính là nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, khi các ngành CNHT sẽ giúp nền công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng.

Theo đề xuất từ nhóm nghiên cứu, giải pháp đầu tiên cần phải tính đến là xác định nguồn vốn đầu tư. Theo đó, đầu tư cho CNHT sẽ bao gồm nguồn vốn từ các doanh nghiệp (DN) và nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước; trong đó nguồn vốn từ DN sẽ dành cho sản xuất, xây dựng các khu sản xuất, vốn từ Nhà nước sẽ tập trung cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào CNHT.

  Cần có những chính sách ưu đãi để phát triển CNHTThực tế, nguồn vốn cho CNHT của Bình Dương đã và đang được huy động thông qua nhiều dự án sản xuất CNHT thời gian qua, bao gồm từ DN trong và ngoài nước. Mặt khác, đối với những DN đã đầu tư, cần khai thác hết hiệu quả nguồn vốn. Kết quả khảo sát cho thấy, đối với ngành CNHT dệt may, nhiều DN vẫn đạt sản lượng thấp so với công suất thiết kế. Vì vậy, khai thác hết công suất hiện có là giải pháp mà các DN phụ liệu dệt may cần hướng tới. Trong giai đoạn 2011-2020, Bình Dương với lợi thế về môi trường đầu tư, quỹ đất dành cho công nghiệp lớn, sẽ có được nhiều thuận lợi để thu hút nguồn vốn vào các ngành CNHT. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị, Bình Dương cần có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích chủ đầu tư các KCN chọn lọc thu hút những dự án CNHT có quy mô lớn, công nghệ hiện đại... Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần vận dụng chính sách hỗ trợ của Trung ương trong thu hút đầu tư các ngành CNHT dệt may, giày da, cơ khí chế tạo đã được ban hành, tạo sức hấp dẫn hơn nữa đối với môi trường đầu tư vào CNHT trên địa bàn tỉnh.

Cùng với tăng cường thu hút, tập trung nguồn vốn đầu tư vào CNHT, trong giai đoạn 2011-2020, Bình Dương cần ưu tiên thu hút đầu tư các dự án CNHT có quy mô, trình độ công nghệ tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh các chính sách ưu đãi, nên áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường để điều chỉnh các DN đầu tư đổi mới về công nghệ. Theo kết quả khảo sát, các DN CNHT cho rằng, việc đổi mới công nghệ nâng cao năng suất là một giải pháp hàng đầu nhằm tăng chất lượng sản phẩm CNHT. Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới công nghệ đang gặp nhiều thuận lợi do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, giá máy móc, thiết bị công nghệ giảm đáng kể. Do đó, cần có chính sách khuyến khích DN CNHT đầu tư, áp dụng công nghệ mới thông qua các chính sách hỗ trợ lãi suất đã được Chính phủ quy định tại Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp về thị trường, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng dần tỷ trọng cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, thiết bị nội địa hóa thông qua các hình thức cung cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất; xây dựng thương hiệu, triển lãm, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong phát triển thị trường...

Để thực hiện hóa các mục tiêu phát triển CNHT, giải pháp về nguồn nhân lực cũng được xem là một vấn đề cần tính toán nghiêm túc vì với nguồn nhân lực tại chỗ của Bình Dương hiện nay không thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp nói chung. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, từ nay đến năm 2020, Bình Dương cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Thêm vào đó, cần có chính sách để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực từ địa phương khác, vì đây vẫn là nguồn lao động chủ yếu, đóng vai trò quan trọng cho phát triển công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2011-2020. Mặt khác, cần gắn kết chương trình đào tạo nhân lực của địa phương với nguồn nhân lực quốc gia trong lĩnh vực CNHT, thông qua các chương trình đào tạo với nước ngoài, liên kết tổ chức đào tạo theo nhu cầu của DN...

- Ông Lý Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp VSIP:

Đặt vấn đề phát triển CNHT là một chủ trương rất đúng. Tuy nhiên, khi nói cần khuyến khích phát triển CNHT chính là nhằm vào đối tượng DN hoạt động trong lĩnh vực này. Đối với bất cứ DN nào, mục tiêu đầu tiên họ hướng đến là lợi nhuận, không có lợi nhuận họ sẽ không làm. Do vậy, để khuyến khích các DN đầu tư phát triển CNHT, cần phải có chính sách ưu đãi đồng bộ, để DN khi tham gia bảo đảm có lợi nhuận, không có lợi nhuận họ sẽ không tham gia.

- Ông Đỗ Kim Hùng, Trưởng văn phòng đại diện Cục Công nghiệp địa phương tại TP.HCM:

Một yếu tố để phát triển CNHT là khâu tiêu thụ. Do vậy cần phân tích kỹ về yếu tố thị trường vì sản phẩm CNHT là các sản phẩm chuyên dùng, chỉ có 1 loại hình khách hàng nhất định và hạn chế tiêu thụ nếu không nghĩ đến khả năng xuất khẩu. Hơn thế nữa, khi xuất khẩu, các sản phẩm CNHT chắc chắn cũng đã được sản xuất ở ngoài Việt Nam. Do đó, cần tính toán đến yếu tố công nghệ, thiết bị tiên tiến để giúp các doanh nghiệp CNHT của Bình Dương cũng như Việt Nam tham gia vào thị trường, làm ra những sản phẩm CNHT tốt hơn các nhà sản xuất khác. Do vậy, để phát triển CNHT cũng cần phải có những ưu đãi đặc biệt.

T.SƠN (ghi)

 

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên