Tìm hướng ra bền vững cho nghề chăn nuôi bò sữa – Kỳ 1

Cập nhật: 04-03-2016 | 07:14:59

Kỳ 1: Loay hoay tìm đầu ra

Cách đây vài năm, hoạt động chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Bình Dương chỉ xuất hiện lẻ tẻ. Thế nhưng, trước tình hình giá mủ cao su rớt giá, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã chuyển sang nuôi bò lấy sữa, thời điểm bùng phát là vào năm 2014. Đến nay, đàn bò sữa tại tỉnh đã lên đến gần 2.800 con.

 Khi nông dân đổ xô nuôi bò sữa

Nhìn con bò sữa với cái giá gần 60 triệu mấy bữa nay bị bệnh viêm móng và viêm tuyến vú, ông Nguyễn Minh Thế, ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng đứng ngồi không yên. Ông đã tiêm kháng sinh cả tuần nhưng bệnh tình con bò cái của ông không hề thuyên giảm. Ngoài nguy cơ không có nguồn thu từ bán sữa bò tươi, ngay cả hy vọng bán bò giống của ông cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất. Sau khi cán bộ thú y kiểm tra, ông Thế mới biết sự thật con bò sữa ông mua từ thương lái là bò bệnh, được người ta “mông má” lại tái xuất bán cho những người nông dân “đói” thông tin như ông.

Trang trại chăn nuôi bò sữa thuộc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương
(xã Tân Lập, huyện Phú Giáo). Ảnh: PHÙNG HIẾU

Với việc giá bò sữa đang ở mức khá cao khoảng 11.000 đồng/kg, làm cho người nông dân trong tỉnh đổ xô đi nuôi bò sữa. Hiện nay, hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có hộ chăn nuôi bò sữa với số lượng lên đến 2.779 con, khối lượng cung cấp trên 913 tấn sữa/năm. Ngoài chuyện mua phải bò bệnh, nhiều hộ nông dân trong tỉnh hiện cũng đang loay hoay với bài toán đầu ra cho sữa bò.

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, nông dân vẫn còn thói quen cũ, hễ thấy có mặt hàng nào có giá là đổ xô nhau trồng, nuôi. Đàn bò sữa của tỉnh nhà hiện tại đã ngấp ghé con số 2.800 con, nhiều nhất là tại huyện Dầu Tiếng với số lượng 985 con, kế đến là huyện Bàu Bàng 782 con nhưng không phải hộ nào cũng giải quyết tốt bài toán đầu ra cho sữa bò.

Lý do sữa bò khó tìm đầu ra chính là do chất lượng sữa chưa bảo đảm vệ sinh. Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, thời gian qua, một số hộ nông dân trong tỉnh không tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc và lấy sữa bò, nhất là khâu vệ sinh vú bò không bảo đảm nên sữa không đạt chất lượng, khiến cho nhà máy thu mua không chấp nhận nhập hàng. Còn chủ một trang trại bò sữa ở huyện Bàu Bàng chia sẻ, đa số hộ nông dân nuôi bò sữa hiện nay thường chạy theo phong trào, không chịu trang bị kiến thức cơ bản cho quá trình chăm sóc, thu hoạch sữa từ con bò. Đơn cử, hiện có nhiều hộ xây dựng chuồng bò còn sơ sài, không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về hướng gió, nhiệt độ, ẩm độ… nên bò dễ bị các bệnh viêm nhiễm. Đối với con bò sữa, viêm tuyến vú, tuyến sinh dục hay viêm móng… nếu không trị bệnh triệt để coi như phá sản.

Cần bỏ tư duy “ăn xổi”

Trao đổi với phóng viên, giám đốc thu mua sữa của một công ty sữa có tiếng ở phía Nam tỏ ra thất vọng về cách chăn nuôi bò sữa của một số hộ dân trong tỉnh hiện nay. Theo ông này, dù có cam kết với công ty thu mua sữa nhưng hễ khi có thương lái khác đặt giá cao hơn thì ngay lập tức các hộ nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị thu mua nguyên liệu. Đó là chưa kể không ít trường hợp cố tình mua sữa bột nguyên liệu pha chung với sữa nguyên chất để làm tăng khối lượng. Các công ty thu mua sữa hiện nay đều có trang bị máy móc hiện đại, hình thức làm ăn gian dối này dễ dàng bị phát hiện và người nuôi bò sữa sẽ hết cơ hội cộng tác lâu dài với đơn vị thu mua. Chưa kể, chỉ cần một ít sữa tươi nhiễm khuẩn, nếu không kiểm tra kỹ lưỡng thì sẽ làm hỏng cả bồn chứa sữa có khối lượng lên đến hàng chục tấn…

Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương, chủ trang trại nuôi bò sữa trực thuộc công ty (xã Tân Lập, huyện Phú Giáo) thì cho rằng, đừng trách doanh nghiệp không thu mua sữa của người chăn nuôi mà cần nhìn nhận thẳng thắn, chính tư duy làm ăn “chụp giật” của một số người chăn nuôi khiến cho mối liên kết giữa nông dân và công ty thu mua ngày càng rời rạc. Tuy nhiên, chính phía các doanh nghiệp sản xuất sữa cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng. Thực tế, việc giá sữa bột nguyên liệu ngoại nhập chỉ vào khoảng 7.000 đồng/kg như hiện nay khiến cho nhiều nhà máy sản xuất sữa có xu thế chọn nguyên liệu bột thay sữa nguyên chất từ bò sữa. Ông Trung chia sẻ thêm, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chính sách để bảo vệ đàn bò trong nước bằng các quy định, nếu nhập sữa bột nguyên liệu thì phải thu mua sữa nguyên chất với khối lượng tương đương. Mà chính sách này đang là lỗ hổng quản lý của Nhà nước đối với ngành chăn nuôi bò sữa trong nước.

 Theo ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương, chủ trang trại nuôi bò sữa trực thuộc công ty, nếu tất cả nhà máy có mặt tại Bình Dương thu mua nguyên liệu sữa của các hộ nông dân thì với số lượng đàn bò sữa hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Muốn được như thế, các hộ nông dân cần làm ăn chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn mới có thể làm ăn lâu dài, đem lại nguồn thu ổn định với đàn bò sữa mình đang sở hữu.

 

PHÙNG HIẾU

 

Kỳ 2: Nâng cao chất lượng đàn bò sữa

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1370
Quay lên trên