Gốm thủ công với những sản phẩm thô mộc, chân chất mà nét vẽ tinh xảo bởi không có cái nào hoàn toàn giống cái nào hóa ra lại được rất nhiều người đam mê. Có những người hoài cổ thích tìm lại kỷ niệm ngày xưa và họ đã tìm thấy một trời ký ức với gốm…
Một góc trưng bày sản phẩm của Vườn nhà gốm Lái Thiêu, TP.Thuận An
Thổi hồn gốm xưa vào sản phẩm hiện đại
Gần đây, nhiều người làm dịch vụ nhà hàng, khu nghỉ dưỡng từ khắp cả nước có nhu cầu mua sản phẩm gốm thủ công. Cùng với sự phát triển của hàng mây tre lá tái hiện không gian sống như ngày xưa cho người ưa hoài cổ thì các sản phẩm từ trong nhà ra tới ngoài vườn hay trên lối đi đều có sự hiện diện của gốm. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở sản xuất gốm trong tỉnh tiếp tục duy trì làng nghề gốm thủ công.
Theo ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nghề gốm có trên vùng đất Bình Dương từ hàng ngàn năm trước, qua việc khai quật hàng loạt các di tích khảo cổ như Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc, Dốc Chùa, Phú Chánh… có niên đại cách ngày nay từ 2.000 đến 3.500 năm. Đến giữa thế kỷ XIX, gốm sứ Bình Dương với danh xưng gốm Lái Thiêu đã theo những thương thuyền đi khắp lục tỉnh Nam kỳ và sang tận Campuchia. Những trung tâm gốm sứ thời thịnh đó là Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), Lái Thiêu (TP.Thuận An) và Phú Cường, Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một). Đây là 3 trung tâm được xem là cái nôi gốm sứ truyền thống ở Bình Dương, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng của tỉnh Bình Dương.
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, gốm sứ Bình Dương bước vào thời kỳ công nghiệp hiện đại, đổi mới công nghệ - kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ quốc tế. Xuất phát từ những cái nôi gốm sứ truyền thống đã tạo nên nhiều thương hiệu nổi tiếng… không những chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Theo tài liệu về gốm sứ Bình Dương, làng gốm Tân Phước Khánh xuất hiện vào giữa thế kỷ XVII. Điểm đặc biệt của gốm Tân Phước Khánh là tráng men da lươn hoặc xanh lục đậu. Làng nghề gốm Chánh Nghĩa ra đời vào thế kỷ XIX, với tên gọi Vương Lương - Lò Ông Tía hay còn được gọi là làng gốm Bà Lụa. Sản phẩm làng gốm Chánh Nghĩa đặc trưng ở điểm được tráng men trong hoặc men trắng đục. Khi mới ra lò thì rạn, lâu ngày những đường rạn sẽ ngã sang màu hồng cổ kính. Làng nghề gốm Lái Thiêu xuất hiện muộn hơn, vào khoảng đầu thế kỷ XX, cực thịnh vào giai đoạn 1930-1970. Khi giai đoạn gốm ở TP.Hồ Chí Minh khó khăn, người ta chuyển ngành gốm về các tỉnh lân cận, làng nghề gốm Lái Thiêu ra đời. Sản phẩm làng gốm Lái Thiêu đặc trưng ở nước men bóng và màu sắc mang tính chất hội họa.
Hiện tại, cả 3 làng nghề gốm thủ công Tân Phước Khánh, Chánh Nghĩa và Lái Thiêu vẫn còn sản xuất và kinh doanh nhiều sản phẩm theo mẫu gốm xưa. Sản phẩm cung cấp cho khách hàng ưa chuộng về gốm trong và ngoài nước. Khi công nghệ khoa học phát triển, máy móc tự động hóa các làng nghề gốm thủ công truyền thống vẫn còn hoạt động là điều rất đáng mừng, là nơi hội tụ tinh hoa của nghề gốm Bình Dương.
Nơi dành cho người hoài cổ
Có một nơi dành cho người yêu gốm xưa, một nơi tôn vinh nghệ nhân gốm mà chúng tôi muốn giới thiệu cùng độc giả là Vườn nhà gốm ở số 120, Gia Long, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An. Cơ sở này sẽ giúp bạn thực nghiệm cả một quá trình làm gốm từ nguyên liệu đến thành phẩm. Bên dòng kênh yên bình, ngôi vườn xanh mướt với phong phú sản phẩm gốc được sản xuất theo những mẫu gốm xưa sẽ cho bạn sống lại cả một thời ký ức thật nên thơ, hoa mộng.
Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Dương Minh Tâm cho biết anh có hơn 20 năm trong nghề gốm. Anh quê ở Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, là người “làm gốm khắp các vùng từ Bến Cát đến Tân Uyên và hơn một năm trở lại đây làm tại Vườn nhà gốm Lái Thiêu này”. Anh Tâm cũng là nghệ nhân thường hướng dẫn khách làm gốm trực tiếp tại xưởng hoặc “livetream” cho mọi người biết về một công đoạn làm gốm. Anh cho biết thêm, các sản phẩm ở đây là gốm Nam bộ bao gồm các dòng gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Lái Thiêu (Bình Dương). Gốm Nam bộ luôn làm cho mọi người thích thú bởi sự đa dạng về loại hình, công dụng cũng như về kiểu dáng và màu men, phong phú về đề tài thể hiện…
Chị Nguyệt Ánh đang giới thiệu một mẫu vẽ của gốm xưa
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, nhân viên phụ trách truyền thông cho biết thêm, cơ sở hoạt động 4 năm nay, có khoảng 20 nhân viên. Sản phẩm gốm tại đây đều được nghệ nhân vẽ tay ngẫu nhiên, đường nét mộc mạc. Điểm nhấn vẫn là sự mộc mạc, đơn sơ, không cầu kỳ, trau chuốt, mang yếu tố thủ công và gửi chút hoài niệm cho những điều xưa cũ.
Theo chị Nguyệt Ánh giới thiệu, khi đến với Vườn nhà gốm, du khách có thể tự tay làm những sản phẩm bằng gốm mà mình ưa thích. Tại xưởng thực nghiệm sản xuất gốm, những người hoài cổ như lạc vào làng nghề gốm xưa với đủ các công đoạn từ tạo hình ở bàn xoay gốm, khắc vẽ mẫu, tô màu men và phơi, nung gốm đến khi ra thành phẩm. Ở đây làm gốm thủ công và hầu hết các mẫu gốm xưa của các làng gốm Lái Thiêu, Biên Hòa, Cây Mai từ đồ án thờ như các loại độc bình mai, lan, cúc, trúc, long, ly, quy, phụng, bình bách hoa đến đồ gốm trang trí nội, ngoại thất đều có đủ. Khách tham quan cũng vô cùng thích thú khi nhìn nghệ nhân tái hiện những hình vẽ của nghệ nhân xưa với nét bút bay bổng, thể hiện tính hào sảng của người miền Nam. Đó là những con vật, cảnh vật chung quanh mà họ chứng kiến trong cuộc sống như các con gà, cá, tôm, các gốc cây tre, trúc quen thuộc.
Sản phẩm của Vườn nhà gốm hiện được phân phối trực tiếp và gửi hàng trong toàn quốc. Các sản phẩm chén bát Lái Thiêu được cung cấp cho nhiều chuỗi nhà hàng, quán ăn, cà phê… tại nhiều vùng miền, với phương thức đóng gói, vận chuyển đến tận tay khách hàng.
Điểm ấn tượng đầu tiên khi nhắc đến vẻ đẹp của gốm Lái Thiêu tại Vườn nhà gốm chính là sự mộc mạc, giản dị, gần gũi, cộng thêm giá cả hợp lý với thị trường đương thời. Từ những thô mộc của gốm Phước Kiến, đến xù xì, ráp nhám dưới lớp tráng men của gốm Quảng, hay mượt mà, lả lướt với cốt gốm láng mịn, nhưng nét vẽ khi công bút, khi phóng bút rất tài tình của gốm Triều Châu… tạo nên độ gần gũi, dân dã, rất thân quen tựa hồ lối sống và cách cư xử của dân Nam bộ xưa.
Chị Hạnh Nguyên, một người ở TP.Hồ Chí Minh rất mê gốm thủ công, đặc biệt là gốm Lái Thiêu. Chị cũng cho biết thời vàng son, gốm Lái Thiêu hiện hữu trong mọi sinh hoạt gia đình, từ trong nhà ra sân vườn, đến bàn thờ tổ tiên của khắp miệt cư dân Nam bộ. Nhà chị cũng có đủ thứ đồ dùng bằng gốm xưa từ cái đôn con voi nay làm bàn uống cà phê trong sân vườn đến các bức tượng gốm. Và đặc biệt, đồ dùng gia dụng của chị cũng thích dùng gốm với những họa tiết như chén, dĩa, tô con cua với những nét vẽ xưa cũ được tái hiện. Chị chọn gốm Lái Thiêu tại Vườn nhà gốm cũng nhờ vào những nét vẽ dung hòa tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, chất men lại tươi mới hơn, đẹp mắt hơn. Theo chị cũng như nhiều người hoài cổ khác, cũng cơm canh mình nấu mà dọn ra với bộ đồ ăn gốm xưa có cảm giác như tình cảm gia đình ấm áp hơn, gắn kết hơn. Truyền thống văn hóa dân tộc, nếp nhà, những lời gia giáo qua các thế hệ dường như sinh động hơn, hiện diện hơn khi chúng ta gắn bó với các sản phẩm gốm gia dụng mang dáng dấp kỷ niệm của ngày xưa.
Giá cả bình dân cộng thêm nét vẽ độc đáo không lẫn vào đâu được của gốm thủ công Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, Chánh Nghĩa hy vọng sẽ làm sống mãi làng nghề gốm, sẽ là kết nối tuyệt vời giữa gốm xưa và nay.
QUỲNH NHƯ