Tìm lại niềm tin thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng

Cập nhật: 10-07-2015 | 09:45:37

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Đoàn thanh tra Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Bình Dương đã kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) ở 20 cơ sở kinh doanh thực phẩm nông sản. Kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ mẫu nhiễm vi sinh, có hóa chất cấm và vượt mức quy định khá cao. Từ việc thực phẩm không an toàn đã khiến cho người dân lo lắng. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Thiên Thuận (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Bình Dương.

- Ông đánh giá như thế nào về ATTP trên địa bàn tỉnh và những sai phạm nào thường xảy ra?

- Nhìn chung ở khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi đã có những chuyển biến tốt, nhận thức về ATTP của người nông dân đã tăng lên, nông sản nguyên liệu chưa qua chế biến như thịt, trứng, rau củ quả tươi chất lượng nhìn chung là tốt. Qua công tác kiểm tra, chúng tôi nhận thấy người nông dân đã có nhận thức và quan tâm hơn đến ATTP. Tỷ lệ rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định rất thấp chỉ khoảng 5 phần ngàn, tỷ lệ thịt tươi có tồn dư chất cấm giảm chỉ còn 1,5 - 2%.

Tuy nhiên, công đoạn giết mổ và kinh doanh thì vẫn chưa bảo đảm an toàn. Nhiều sạp bán thịt tươi, rau củ quả chưa bảo đảm vệ sinh, có nơi còn bày bán thực phẩm tươi sống ngay dưới lòng đường đầy bụi bẩn. Kinh doanh ở chợ chưa văn minh, sạch đẹp nên đã ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Vì vậy, thịt tươi và rau vẫn còn nhiễm tạp khuẩn, chưa vệ sinh. Còn trong khâu chế biến, vẫn còn hiện tượng dùng phụ gia, hóa chất bảo quản ngoài danh mục cho phép.

- Tầm quan trọng của ATTP và mối nguy ATTP hiện nay như thế nào, thưa ông?

- ATTP là mối quan tâm hiện nay của toàn xã hội. Có bảo đảm ATTP mới bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra thế hệ mới khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hàng ngày cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển. Do đó, thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm nhiều đến việc quản lý ATTP với việc ban hành Luật ATTP và những văn bản hướng dẫn. Trong đó quản lý ATTP được phân công cho các ngành như y tế, công thương, nông nghiệp tham gia quản lý trực tiếp tùy thuộc vào nhóm ngành hàng theo sự phân công của luật.

Mối nguy ATTP là các tác nhân ngoài ý muốn trong thực phẩm có khả năng gây tác động làm hại cho sức khỏe con người. Có 3 loại mối nguy gây mất ATTP. Đó là mối nguy sinh học, vật lý và hóa học. Trong đó, mối nguy sinh học là các tác nhân sinh học như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng có khả năng gây bệnh cấp tính hoặc mãn tính đối với con người. Mối nguy hóa học là các chất hóa học hoặc tồn dư các chất hóa học trong thực phẩm gây hại đến sức khỏe con người. Mối nguy vật lý là những vật cứng, sắc, nhọn có khả năng gây thương tích cho hệ tiêu hóa người sử dụng.

Các mối nguy ATTP có thể xâm nhiễm vào trong thực phẩm ở bất cứ công đoạn nào của chuỗi sản xuất. Từ công đoạn sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến quá trình vận chuyển, sơ chế, bảo quản, chế biến… đều có thể tiềm ẩn các mối nguy. Do đó kiểm soát và ngăn chặn các mối nguy là biện pháp để bảo đảm có thực phẩm an toàn.

- Vậy người tiêu dùng có thể nhận biết thực phẩm an toàn bằng cách nào, thưa ông? 

- Các mối nguy ảnh hưởng đến thực phẩm, làm thực phẩm mất an toàn không thể quan sát nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể nhận biết thực phẩm an toàn qua việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lựa chọn các nhãn sản phẩm có uy tín, có thông tin đầy đủ về sản phẩm. Đối với các thực phẩm tươi sống người tiêu dùng có thể nhận biết qua màu sắc, hoặc sờ, ngửi… Bên cạnh đó quan sát điều kiện bày bán tại cơ sở (như mặt bàn bày bán, trang thiết bị dụng cụ: dao, thớt, xô, thùng, chứa, móc treo…) có bảo đảm vệ sinh không. Bởi vì tất cả các điều kiện trên đều ảnh hưởng, là nguyên nhân làm thực phẩm bị ô nhiễm.

 Để bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân thường chọn siêu thị để mua rau, củ có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: THIÊN LÝ

- Thưa ông, để tạo sự an tâm cho người tiêu dùng, chi cục đã có những hành động gì để quản lý và ngăn ngừa thực phẩm độc hại được bày bán, tiêu thụ ra thị trường?

- Chúng tôi được phân công thực hiện công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ như: kiểm tra, đánh giá, phân loại, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản; kiểm tra, giám sát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP… Hàng năm, chi cục triển khai công tác giám sát chất lượng, ATTP 2 - 3 đợt/ năm nhằm đánh giá thực trạng về tình hình ô nhiễm thực phẩm nông sản, cảnh báo cho người tiêu dùng. Từ đó đề xuất các biện pháp quản lý với những ngành chuyên môn, các cấp quản lý nhằm bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, quy định về ATTP cho người tiêu dùng tự bảo vệ mình.

- Xin cảm ơn ông!

 T.NAM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên