Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Châu Thành (thuộc tỉnh Thủ Dầu Một cũ) đã bám đất, bám làng, chiến đấu anh dũng lập nhiều chiến công hiển hách. Nhắc đến địa danh Châu Thành, những người từng gắn bó với mảnh đất này đều nghĩ ngay đến chùa Hội Khánh - ngôi chùa gắn liền với tên tuổi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Hội Danh dự. Theo họ, đây chính là điểm nhấn để Châu Thành không trộn lẫn với các địa danh khác.
Bài 1: Chùa Hội Khánh và hoạt động của Hội Danh dự
Chùa Hội Khánh gắn liền với sự kiện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến và tổ chức thành lập Hội Danh dự để tuyên truyền, cổ động phong trào yêu nước Ảnh: Q.CHIẾN
Ông Nguyễn Quốc Nhân, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Nói đến huyện Châu Thành mà không nhắc đến sự kiện cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Hội Khánh thì không thể đầy đủ. Điều mà chúng tôi đang muốn tìm hiểu là vì sao cụ Nguyễn Sinh Sắc lại tìm đến Thủ Dầu Một để hoạt động cách mạng, cùng với cụ Phan Đình Viện (còn gọi là Tú Cúc), Hòa thượng Từ Văn... thành lập Hội Danh dự để tuyên truyền cổ động phong trào yêu nước”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ năm 1946, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thủ Dầu Một đã lập ra các huyện gồm Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu. Trải qua nhiều lần điều chỉnh, tách nhập, đến tháng 12-1976, huyện Châu Thành chính thức giải thể, giao các xã của huyện Châu Thành cho TX.TDM, huyện Tân Uyên và huyện Bến Cát. |
Giờ đây, tại chùa Hội Khánh vẫn lưu giữ hai câu đối của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đó là: “Đại đạo quãng khai thố giác khiêu đàm để nguyệt. Thiền môn giáo dưỡng quy mao thằng thụ đầu phong”. Hòa thượng Thích Huệ Thông tạm dịch: “Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước. Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây”. Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trụ trì chùa Hội Khánh, năm 1923, tại chùa Hội Khánh, cụ Phan Đình Viện cùng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và những nhà sư trụ trì chùa thành lập Hội Danh dự, chủ trương giáo dục, vận động nhân dân làm việc nghĩa, không tham lam, trộm cướp, không theo bọn lang sói hại dân, bán nước. Hội dùng việc truyền bá đạo Phật, xem mạch kê đơn, bốc thuốc, dạy chữ Nho và làm thầy địa lý là phương tiện để hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mục đích của hội. Năm 1925, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bắt liên lạc với một số người yêu nước, có tư tưởng tiến bộ ở Tân An, Tương Bình Hiệp như Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Văn Sử, Nguyễn Văn Ngãi cùng nhau đọc sách tiến bộ, thân ái giúp đỡ nhau và hướng dần họ đến mục đích cao hơn, vì quê hương, vì những người nghèo khổ cơ cực.
Hai câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc ở chùa Hội Khánh Ảnh: Q.CHIẾN
Lúc này, phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, Đề pô xe lửa Dĩ An và nhiều nơi khác trong nước ngày càng phát triển đã có ảnh hưởng đến tinh thần yêu nước của nhân dân nhiều địa phương trong tỉnh. Lo sợ tinh thần yêu nước của nhân dân ngày càng phát triển và lan rộng, thực dân Pháp và bọn tay sai đã ráo riết theo dõi hoạt động của Hội Danh dự, cũng như những người có tư tưởng tiến bộ đang bí mật hoạt động trên địa bàn Thủ Dầu Một và các địa phương trong tỉnh. Địch theo dõi và bắt một số hội viên Hội Danh dự vì lý do lập hội kín trái luật pháp. Trước tình hình đó, năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bí mật rời khỏi chùa Hội Khánh về Cao Lãnh, Đồng Tháp. Cụ Phan Đình Viện lánh đi nơi khác tránh sự truy tìm của giặc. Số còn lại nhiều người lần lượt sa vào tay giặc.
Vừa qua, Ban Liên lạc Những người kháng chiến huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (cũ) đã tổ chức Tọa đàm lịch sử truyền thống huyện Châu Thành. Tại buổi tọa đàm, các đồng chí nguyên là bí thư, những người từng tham gia kháng chiến, sinh sống gắn bó với mảnh đất Châu Thành đều mong muốn cái tên Châu Thành sẽ phải được nghiên cứu sâu hơn và lịch sử Châu Thành phải được thế hệ trẻ ngày hôm nay biết đến |
Thượng tọa Thích Huệ Thông khẳng định: “Theo chủ quan của tôi, cụ Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho nhưng có lòng hướng phật, thậm chí còn là nhà Phật học uyên thâm. Trong suốt thời gian hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước, theo quan điểm của cụ là dựa vào đạo Phật trong các buổi thuyết giảng đạo pháp. Cụ là một tín đồ Phật giáo không chỉ dựa vào bằng phái quy của Hòa thượng Hồng Đại - Bửu Phước cấp cho cụ Sắc với pháp hiệu Nhật Sắc tự Thiện Thành cấp ngày 24-8-1922 (ngày 2-7 năm Nhâm Tuất). Mà ở đây, chúng ta còn thấy rất rõ tinh thần và tư tưởng của cụ hoàn toàn mang âm hưởng của đạo Phật ngay cả phong cách sống của cụ cũng chịu ảnh hưởng đạo Phật. Qua tư tưởng và cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã cho chúng ta thấy rõ cụ là con người có tinh thần yêu nước, thương dân, biết xả thân cho đại nghĩa, lấy quốc gia làm trọng. Một nhà Phật học uyên thâm, một tín đồ đạo Phật, một nhà tư tưởng nhập thế tích cực của Phật giáo. Cụ là tấm gương, là vì sao sáng, soi đường cho hậu thế”. Ông Nguyễn Văn Hữu (tức Một Hữu), nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết: “Ngày nhỏ, tôi có 3 năm ăn cơm chùa Hội Khánh. Ngày đó, nhà nghèo, chùa nuôi tôi… Tôi không nhớ gì nhiều, tôi chỉ biết chùa có rất nhiều hoạt động thể hiện tinh thần yêu nước”.
Tuy Hội Danh dự chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân huyện Châu Thành. Và chùa Hội Khánh trở thành nơi hoạt động của những người yêu nước ở Châu Thành sau này.
Bài 2: Chiến khu Vĩnh Lợi - cái nôi cách mạng của Thủ Dầu Một
THU THẢO