Tìm vốn làm ăn

Cập nhật: 10-05-2011 | 00:00:00

Bên cạnh kênh huy động truyền thống là vay vốn từ ngân hàng thì trong những năm gần đây thị trường chứng khoán (TTCK) cũng dần trở thành kênh dẫn vốn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp (DN) nói riêng. Tuy nhiên thời điểm này TTCK cũng đang trong giai đoạn “lình xình”.

Bơm vốn tín dụng

Theo Ủy ban Chứng khoán (UBCK), huy động vốn qua TTCK trong quý đầu năm nay giảm 50% so với cùng kỳ năm 2010 và giảm 70% so với cùng kỳ năm 2009. Lãi suất ngân hàng tăng cao khiến phát hành trái phiếu Chính phủ cuối tháng hai, đầu tháng ba liên tục thất bại. Chỉ số chứng khoán sụt giảm và thiếu ổn định, triển vọng thị trường năm 2011 có nhiều khó khăn nên nhiều DN đã phải hủy hoặc hoãn các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời điểm này, thị trường ảm đạm, nếu phát hành sẽ thu hút nhà đầu tư mua, song cần lưu ý để kịp chớp cơ hội thị trường hồi phục, DN vẫn nên đưa ra kế hoạch tăng vốn vào nội dung họp các kỳ Đại hội cổ đông năm nay để dự phòng.

Để ổn định sản xuất trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đang tìm nhiều kênh huy động vốn. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Panco Vina – Bình Dương (Ảnh: TRỊNH BÌNH)

Nhiều chuyên gia nhìn nhận khả năng lãi suất giảm vào đầu quý III tới là khả thi. Bởi khi kiềm chế được sự biến động bất thường của USD, quyết liệt chống tình trạng đô la hóa và kiểm soát được thị trường ngoại tệ chợ đen thì cơ hội giảm lãi suất VND là rất lớn và lãi suất tiền đồng có khả năng sẽ giảm trong cuối tháng 6-2011 tới. Lúc này, dư nợ tín dụng sẽ có cơ hội cải thiện tốt hơn so với hiện nay. Hơn nữa, đến một lúc nào đó các ngân hàng cũng buộc phải giảm lãi suất cho vay để phát triển tín dụng trước áp lực lợi nhuận lớn trong năm tài chính. Điều này bước đầu được nhìn nhận ở việc nhiều ngân hàng thương mại cũng đã công bố kế hoạch bơm vốn tín dụng cho khu vực sản xuất.

Đại diện VietinBank cho biết sẽ dành 20.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh công nghiệp phụ trợ của 3 ngành là cơ khí chế tạo, dệt may và da giày. Theo đó, những DN thực hiện các dự án mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc đầu tư xây dựng mới vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cổ phần cũng tìm nguồn vốn rẻ dài hạn từ các định chế tài chính nước ngoài để bảo đảm nguồn cung vốn cho thị trường. Đơn cử, Sacombank đã ký với Định chế tài chính hỗ trợ phát triển Hà Lan (FMO) hợp đồng vay vốn cấp 2 trị giá 150 triệu USD với thời hạn vay 10 năm nhằm hỗ trợ tài chính cho DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, để giải quyết nhu cầu khan vốn của DN, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi cho những khách hàng chuyên biệt từng ngành nghề.

Tìm vốn từ đối tác

Trong bối cảnh kênh tín dụng từ ngân hàng gặp nhiều khó khăn, bản thân các DN cũng đã chủ động tìm nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài, phát hành thêm trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường. Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú đang xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 900 tỷ đồng bằng cách không phát hành cho cổ đông hiện hữu mà phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với giá rất cao so với thị giá trên sàn. Trong đó, 200 tỷ đồng được phát hành cho một quỹ đầu tư Hồng Kông bằng trái phiếu chuyển đổi. Cổ phiếu phát hành thêm đang được hai nhà đầu tư Nhật Bản chào mua. Một DN cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2011 được nhiều nhà đầu tư quan tâm là Vinaconex. Trong cuộc họp Hội đồng Quản trị tổng công ty mới đây, tổng công ty này dự kiến tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tăng vốn từ 4.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng bằng cách bán cho đối tác chiến lược để thu thặng dư. Tuy nhiên, có thể nhận thấy tỷ lệ các công ty có triển vọng trong huy động vốn qua TTCK không nhiều.

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để giảm mặt bằng lãi suất, nắn dòng chảy vốn tín dụng vào khu vực sản xuất - kinh doanh, chỉ riêng ngân hàng nỗ lực chưa đủ mà phải có sự hợp sức từ phía DN. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngân hàng không cho vay bằng mọi giá, chính những khách hàng tốt, dự án tốt sẽ là động lực khơi thông dòng tín dụng cho các ngân hàng một cách lành mạnh.

NGUYỄN HỒNG PHÚC

 “Có hai điểm DN cần chú ý nếu muốn phát hành trái phiếu thành công trong bối cảnh hiện nay, đầu tiên là phải chấp nhận huy động vốn dài hạn với rủi ro lãi suất thả nổi. Bài học đáng để các DN tham khảo là trong tổng khối lượng trái phiếu DN phát hành đạt trên 47.000 tỷ đồng của năm 2010 thì có đến 80% các đợt phát hành thành công DN đều áp dụng cấu trúc lãi suất thả nổi. Thứ hai, trước khi lên kế hoạch chi tiết triển khai đợt phát hành, DN cần tập trung tìm kiếm đối tác thật kỹ lưỡng. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi nhận được tín hiệu cam kết rõ ràng từ phía nhà đầu tư, đặc biệt là các đối tác có mối quan hệ thân cận với DN, thì mới bảo đảm cho đợt phát hành diễn ra thành công”. (Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam).

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên