Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả

Cập nhật: 16-07-2024 | 07:54:19

Không chỉ giúp thoát nghèo, tạo việc làm, quy mô, chất lượng tín dụng chính sách (TDCS) không ngừng tăng trưởng và sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị đã tạo nên những dấu son quan trọng trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội (Chỉ thị số 40) tại Bình Dương.

Tác động tích cực

Có căn nhà riêng khang trang, sạch sẽ là mong ước bao lâu nay của gia đình anh Nguyễn Văn Thủy, ở ấp 2, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng. Anh Thủy chia sẻ hai vợ chồng anh đều là công nhân trong KCN Mỹ Phước, đồng lương ít ỏi nên gia đình anh chưa có điều kiện để có được căn nhà nhỏ.

Tìm hiểu thông tin, anh mạnh dạn đăng ký vay vốn hỗ trợ nhà ở xã hội (NOXH). Qua bình xét, tạo điều kiện từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bàu Bàng, gia đình anh được vay 500 triệu đồng, cùng với số vốn tích góp bao năm nay để mua NOXH thuộc KDC Cầu Đò, TP.Bến Cát.

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương thăm hộ gia đình sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả tại phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An. Ảnh: THANH HỒNG

Tháng 2-2024 vừa qua, căn nhà mới đầy đủ tiện nghi, không gian sinh hoạt thoáng mát đã được bàn giao. Gia đình anh Thủy rất phấn khởi, có chỗ ở ổn định, vợ chồng anh yên tâm làm việc, con cái học tập, vui chơi an toàn. Trường hợp được hỗ trợ vay vốn nêu trên là điển hình trong 10 chương trình cho vay từ hoạt động TDCS.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tại Bình Dương, TDCS đã giúp 27.497 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 227.166 lao động, xây dựng, sửa chữa 158.324 công trình nước sạch, vệ sinh, xây dựng mới, mua NOXH 778 căn, 9.844 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập…

Theo đánh giá của ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH tỉnh, nhìn lại 10 năm triển khai Chỉ thị số 40, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, song cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hàng năm, HĐND, UBND các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi bố trí ngân sách, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động TDCS. NHCSXH luôn đồng hành cùng các tổ chức chính trị - xã hội làm nhiệm vụ ủy thác thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh Bình Dương tính từ khi có Chỉ thị số 40 đến nay đã tăng gần 30 lần. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh tăng 27 lần, ngân sách cấp huyện tăng 70 lần.

Cần tăng thêm nguồn vốn

Có thể nói, TDCS sau 10 năm đã lan tỏa, phủ rộng trên khắp địa bàn tỉnh, trở thành một trong những giải pháp căn cơ, trọng điểm để giúp giảm nghèo nhanh, tạo nền tảng phát triển chung. NHCSXH tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc quản lý và củng cố, nâng cao chất lượng TDCS.

Tuy nhiên, dù nguồn vốn TDCS đã được tỉnh, thành phố, huyện quan tâm bổ sung ngày càng tăng nhưng do nguồn lực để thực hiện các chương trình TDCS còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm, NOXH. Cùng với đó tình trạng phải chia nhỏ vốn cho nhiều người vay, mức cho vay thấp, làm giảm hiệu quả mức đầu tư vốn TDCS.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết những năm qua tỷ lệ tăng dân số cơ học trên địa bàn thành phố rất nhanh, cùng với đó từ sau đại dịch Covid-19 tỷ lệ hộ nghèo tại Thuận An tăng đột biến.

Giải ngân vay vốn cho đối tượng chính sách tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng

Từ khoảng trên 800 hộ nghèo, không có hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, một số phường không có hộ nghèo năm 2019, nhưng đến nay thành phố có đến 1.500 hộ nghèo. Hiện Thuận An là đô thị đang phát triển theo xu hướng công nghiệp, dịch vụ, đây là thách thức rất lớn cả về thời gian và nguồn lực.

“Thành phố mong muốn các bộ, ngành, NHCSXH Việt Nam có cơ chế đặc thù riêng cho thành phố trong việc tăng nguồn vốn ủy thác, linh hoạt trong cho vay hộ nghèo từ nguồn quỹ tiết kiệm và đơn giản hóa thủ tục cho vay mua nhà ở để các đối tượng dễ dàng tiếp cận vốn.

Với các cơ chế thúc đẩy mang tính tích cực, ý chí tựlực, tựcường của hộ vay, sẽ là đòn bẩy kinh tế hỗ trợ Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững”, bà Nguyễn Thị Hiền kiến nghị.

- Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương: Để triển khai Chỉ thị số 40 sâu rộng hơn, Bình Dương cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay, đồng thời mở rộng, thu hút các nguồn vốn khác để hỗ trợ thực hiện các chương trình TDCS, đặc biệt là cho vay giải quyết việc làm, mua NOXH. Bình Dương cần đề xuất cụ thể hơn về chính sách, đối tượng, lĩnh vực, mức độ, thời gian cho vay và mô hình hoạt động của NHCSXH, cũng như các cơ chế để tạo điều kiện cho hoạt động TDCS phát huy hiệu quả.
- Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Với đặc thù là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút nhiều lao động, nhu cầu nhà ở trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt về phát triển NOXH để bảo đảm chỗ ở cho người lao động. Trong năm 2024, tỉnh sẽ ủy thác 500 tỷ đồng nguồn vốn TDCS, trong đó chú trọng cho vay NOXH; đồng thời, tăng cường nguồn lực cho hệ thống NHCSXH trên địa bàn để thực hiện tốt các chương trình TDCS.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=477
Quay lên trên