Bài 4: Trả giá!
Có thể thấy rằng “tín dụng đen” đã để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Ở chiều ngược lại, cái giá cho những đối tượng cho vay lãi nặng cũng không hề nhỏ chút nào.
Bị can Phạm Bá Thụy bị bắt vì cho vay nặng lãi với mức lãi suất lên đến 24%/ngày
Lãi suất tính theo giờ
Cuối tháng 6-2022, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Công an TX.Bến Cát đã bắt giữ đối tượng Phạm Bá Thụy (sinh năm 1982, ngụ TX.Bến Cát) để điều tra hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo đó, từ tháng 9-2020 Thụy nhiều lần cho bà Phạm Ngọc Tiến (ngụ phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) vay tiền với lãi suất từ 6 - 24%/ngày, tương ứng hơn 2.000% đến hơn 8.000%/năm.
Trao đổi với P.V khi đang bị Cơ quan CSĐT Công an TX.Bến Cát tạm giữ phục vụ công tác điều tra, Thụy cho biết trước đây anh làm việc tại một công ty trong KCN Mỹ Phước 2, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Do siêng năng làm việc, anh được cất nhắc lên vị trí Trưởng phòng Kỹ thuật với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Vào cuối năm 2019, Thụy quen biết chồng của bà Tiến trong một chuyến du lịch. Bà Tiến lúc này cũng làm kế toán cho một công ty tại xã Rạch Bắp, TX.Bến Cát. Ngoài làm công ty, bà Tiến còn nhận làm “dịch vụ” giải quyết đáo hạn cho một số ngân hàng, kèm theo dịch vụ cầm đồ.
Thụy nhiều lần cho bà Tiến vay tiền với mức lãi suất không cố định. Tùy theo thời gian, thời điểm vay tiền với mức lãi suất dao động từ 6 - 24%/ngày. Lãi suất có khi tính bằng ngày, cũng có lần tính bằng giờ, bằng phút. Có khi Thụy huy động tiền trong vòng vài phút, đáp ứng nhu cầu của bà Tiến.
Ban đầu, bà Tiến vay của Thụy số tiền 90 triệu đồng, tuy nhiên do bà Tiến không trả lãi kịp nên Thụy đã cộng dồn thành tiền vay. Tính đến khi Thụy bị bắt, bà Tiến còn nợ Thụy số tiền hơn 10 tỷ đồng. Khám xét nơi ở của Thụy, cơ quan công an thu giữ 2 lượng vàng, số tiền 1,75 tỷ đồng cùng nhiều giấy tờ liên quan việc cho vay lãi nặng.
“Nếu có thể quay lại từ đầu, tôi chỉ mong sống cuộc sống bình thường, sống với đồng lương từ sức lao động chân chính để không làm hại mình, hại người”, bị can Thụy nói trong nước mắt . |
Riêng số tiền lãi, đến nay Thụy đã thu của bà Tiến là gần 4 tỷ đồng. Những ngày trước khi Thụy bị bắt, bà Tiến vẫn vay tiền nóng tiền của Thụy từ chính tiền gốc và lãi mình vừa trả nợ cũ cho bị can. Có ngày số tiền gốc, lãi bà Tiến phải trả cho Thụy đạt con số 1,4 tỷ đồng/ngày. Do mất khả năng chi trả nên bà Tiến trình báo cơ quan công an.
Trao đổi với P.V, Thụy bày tỏ thái độ ăn năn hối hận. Anh ta nhận thức được hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” là vi phạm pháp luật nhưng chỉ vì lòng tham đã làm mờ mắt. “Nếu có thể quay lại từ đầu, tôi chỉ mong sống cuộc sống bình thường, sống với đồng lương từ sức lao động chân chính để không làm “hại mình, hại người”, bị can Thụy nói trong nước mắt.
Triệt xóa nhiều băng nhóm “tín dụng đen”
Theo Trung tá Lê Xuân Sang, Phó trưởng phòng PC02, Công an tỉnh, thời gian qua đơn vị đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh với loại tội phạm “tín dụng đen”. Qua đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến cần nguồn tiền để trang trải cuộc sống và đầu tư kinh doanh, trong khi đó rất nhiều người dân, doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng nên đã trở thành nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen”. Do vậy, thời gian gần đây các đối tượng cho vay “tín dụng đen” hoạt động mạnh trở lại và có nhiều thủ đoạn biến tướng tinh vi.
Trước tình hình trên, PC02 đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phát hiện, đấu tranh triệt xóa, ngăn chặn, kiên quyết không để các đối tượng “tín dụng đen” hoạt động phức tạp trở lại. Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh đã đấu tranh triệt xóa 6 vụ, bắt, khởi tố 8 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng. Có một số vụ điển hình như Công an TP.Dĩ An trong quá trình tuần tra đã phát hiện Lê Hồng Sơn, (sinh năm 1993, quê Hải Phòng) có biểu hiện nghi vấn đi đòi nợ nên tiến hành kiểm tra và mời về trụ sở để làm việc. Qua đấu tranh, Sơn khai nhận có cho bà N.T.K.T., (ngụ TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) vay tiền với lãi suất cao, đối tượng đã thu lợi bất chính số tiền gần 167 triệu đồng.
Cũng qua nguồn tin người dân cung cấp về việc đối tượng Huỳnh Văn Việt (ngụ quận 8, TP.Hồ Chí Minh) có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, Đội Cảnh sát hình sự Công an TX.Tân Uyên đã lập hồ sơ đưa đối tượng này vào quản lý. Qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác định đối tượng Việt đang có hành vi thu hồi nợ từ người vay, Công an TX.Tân Uyên tiến hành mật phục bắt quả tang Việt đang thu lãi số tiền 3 triệu đồng từ người vay. Quá trình đấu tranh khai thác, Việt khai nhận đã cho vay lãi nặng trên địa bàn TX.Tân Uyên từ khoảng đầu năm 2019 đến nay với mức lãi suất 360%/ năm; số lượng người vay trên 30 người với tổng số tiền vay gần 3 tỷ đồng và đã thu lợi số tiền trên 3 tỷ đồng.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trong thời gian tới, đại diện Phòng PC02 Công an tỉnh, cho biết sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, tăng cường công tác nắm tình hình an sinh xã hội; bảo đảm an ninh trật tự; nắm tình hình doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền…
Lực lượng công an chủ động phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh không phép; lợi dụng việc thành lập các công ty, văn phòng đại diện để “núp bóng” kinh doanh tài chính trái pháp luật, cho vay nặng lãi; kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh cầm cố tài sản gắn với cho vay có lãi suất vượt mức lãi suất theo quy định của pháp luật, các trường hợp tổ chức in ấn tờ rơi và phát tờ rơi quảng cáo cho vay trái pháp luật; sử dụng mạng xã hội, mạng internet hoạt động vay.
Lực lượng công an tập trung đấu tranh triệt xóa, xử lý nghiêm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tổ chức đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các băng nhóm, đường dây, tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, tổ chức hoạt động cờ bạc và tổ chức huy động vốn, góp vốn có dấu hiệu bất minh, quyết không để hoạt động “tín dụng đen” lộng hành, gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. (Còn tiếp)
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành, các cơ quan, tổ chức tài chính xây dựng, ban hành các quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý; tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai thực hiện các chính sách kinh tế - tài chính phục vụ người dân để hạn chế “tín dụng đen” hoạt động”. (Trung tá Lê Xuân Sang, Phó trưởng Phòng PC02 Công an tỉnh) |
NHÓM P.V