LTS: Những năm gần đây, thực trạng “tín dụng đen” hoạt động rầm rộ và ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. P.V Báo Bình Dương đã dành nhiều thời gian thâm nhập thực tế để thực hiện phóng sự điều tra “Tín dụng đen” giăng bẫy...! Để vẽ lên được bức tranh về thực trạng này ở Bình Dương với mong muốn người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với loại tội phạm này, tránh trở thành nạn nhân của chúng! |
Kỳ 1: “Chỉ có chết mới thoát được cảnh này!?”
Ngày ngày sống trong sợ hãi do bị đe dọa, bị chửi mắng, bị đánh đập và bắt đầu suy nghĩ tiêu cực. Khánh kiệt về tài chính, mất khả năng chi trả trong khi “lãi mẹ đẻ lãi con” mỗi ngày, món nợ ngày càng phình to, hàng chục nạn nhân mà P.V tiếp xúc đều suy sụp tinh thần và thốt lên trong nước mắt: “Chỉ có chết mới thoát cảnh nợ nần, đe dọa này!”…
Trong suốt thời gian thực hiện đề tài về thực trạng “tín dụng đen” tại Bình Dương, P.V nhiều lần nghe các nạn nhân nói muốn tìm đến cái chết khi lỡ sa chân.
Anh Tân với xấp “tờ rơi” in hình mình và gia đình bị rải khắp các tuyến đường trên địa bàn phường Tân An
Suy sụp tinh thần
Đôi tay run rẩy, anh Ngô Thanh Tân (ngụ phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) cầm xấp giấy A4 nhàu nát đưa cho chúng tôi xem. Nhiều ngày nay, hình ảnh vợ chồng, người thân của anh được in thành những “tờ rơi” như thế này rải khắp nơi trên địa bàn khu phố 3, phường Hiệp An. Chưa hết bàng hoàng vì bỗng dưng nổi tiếng khắp phường, vào một ngày đầu tháng 6, anh Tân lại một cú sốc nữa khi một nhóm người lạ mặt liên tiếp tạt sơn vào nhà anh kèm theo những lời đe dọa nghe rát tai.
Khi phát hiện vợ vay “tín dụng đen”, anh Tân và vợ đã xảy ra to tiếng. Vợ rời khỏi nhà cùng món nợ. Anh Tân vẫn ở lại ngôi nhà để ngày ngày đi làm thuê kiếm tiền nuôi hai đứa con nhỏ. Liên tục bị chửi mắng, dọa giết, quá lo sợ, anh đành gửi con cho người thân rồi một mình “cố thủ” trong chính ngôi nhà của mình.
Khi chúng tôi có mặt tại ngôi nhà của anh trên đường Nguyễn Chí Thanh, mùi sơn vẫn còn nồng nặc vì vừa bị tạt tối hôm qua. Người đàn ông này mệt mỏi vì lo lắng. Gương mặt thất thần, giọng anh Tân uất nghẹn: “Chúng dọa giết con tôi, tạt sơn nhiều lần vào nhà tôi, nhắn tin, gọi điện mỗi ngày để đe dọa tôi. Giờ tôi không biết phải làm sao. Tôi không dám đi khỏi nhà vì sợ bị đánh…!”.
Một số nạn nhân bị các đối tượng bêu rếu bằng cách in hình trên tờ rơi và rải khắp xóm
Qua trao đổi với chị Lê Kim, vợ anh Tân, người phụ nữ này cho biết mình phải trốn nợ vì mất khả năng chi trả. Từ chỗ muốn mua thêm vật dụng cho tiệm tóc, chị đã vay “tín dụng đen” thông qua số điện thoại trên tờ rơi. Có nhà cửa, công ăn việc làm, chị Kim không khó để vay được 10 triệu đồng. “Cái duyên” với nhóm cho vay nóng cũng bắt đầu từ đó. Mượn 10 triệu đồng nhưng chị Kim chỉ cầm trong tay 9 triệu đồng, mỗi ngày chị đóng 400.000 đồng. Cứ đều đặn khoảng 16 giờ mỗi ngày chị Kim đều nộp tiền cho một gã tên Tiến và đồng bọn gồm Vũ, Thái, Nghĩa (chưa rõ nhân thân, lai lịch). Những ngày tiệm không có khách, chị Kim chạy đôn chạy đáo mượn tiền khắp xóm để trả cho nhóm của Tiến, thiếu một ngày là chúng đến tiệm chửi bới, dọa nạt.
Theo chị Kim, vào tháng 10-2021, tức sau dịch bệnh Covid-19, nhóm của Tiến lại giới thiệu cho chị vay một “dây mới” khác với mức vay 25 triệu đồng. “Dây mới” này sau khi “choàng” qua tiền gốc và lãi nợ cũ, trừ thêm tiền gốc và lãi ngày đầu tiên của nợ mới, chị Kim nhận về 15 triệu đồng. Mỗi ngày chị đóng 1 triệu đồng. Đến tháng 2-2022 một người bạn của chị Kim vay nhóm của Tiến 85 triệu đồng thông qua sự giới thiệu của chị, người này mỗi ngày trả cho nhóm của Tiến 3,4 triệu đồng. Khi người bạn này mất khả năng trả nợ và bỏ trốn, nhóm của Tiến quyết định “quàng” nợ luôn cho Kim. Từ đó, mỗi ngày chị phải gồng mình đóng 4,6 triệu đồng. Không thể kiếm đâu ra mỗi ngày ngần ấy tiền để đóng cho Tiến, vậy là số tiền từ 85 triệu đồng tăng lên thành 300 triệu đồng bao gồm cả gốc lẫn lãi do chị Kim gánh. Chỉ khoảng 2 tuần sau, Tiến thông báo cho chị Kim biết số nợ đã lên đến… 700 triệu đồng với cảnh báo “Mày phải liệu hồn mà trả cho chúng tao!”.
Trong một cuộc điện thoại chị Kim gọi cho Tiến van xin đừng đe dọa người thân của mình, đáp lại, chủ nợ buông lời tục tĩu, chửi bới chị Kim bằng những ngôn từ chợ búa. Bất chấp chị Kim van nài cho thêm thời gian kiếm tiền trả nợ, Tiến vẫn yêu cầu chị phải trả trước 350 triệu đồng, nếu không thì cả nhà chị Kim sẽ sống không yên.
Lo sợ bị đánh, bị giết, chị đã quyết định bỏ trốn. Gia đình tan nát, vợ chồng ly tán, con phải gửi đi nơi xa để tránh gặp nguy hiểm. Những ngày qua, chị Kim thật sự rơi vào bế tắc và… chỉ muốn “chết quách cho xong!”, như lời chị giãi bày với P.V.
Các đối tượng đòi nợ "tín dụng đen" ném vỏ chai bia vào quán ăn của một nạn nhân tại phường Tân An (TP. Thủ Dầu Một)
Đòi nợ kiểu “khủng bố”
Theo lời kêu cứu, chúng tôi đến quán cháo lòng của chị Nguyễn Thị Trâm (ở phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một) khi sân nhà chị vẫn vương vãi đầy mảnh chai. Đêm hôm trước, một nhóm thanh niên là đàn em của đối tượng tên Nam đã ném vỏ chai bia vào nhà chị Trâm kèm những lời đe dọa, chửi bới. Theo chị Trâm, trước đó, một tên đàn em của Nam cũng đã từng chặn đánh chị ngoài đường khi chị chưa kịp đóng tiền đúng hạn.
Bị đánh, bị đe dọa trên điện thoại, bị ném vỏ chai bia vào nhà, tinh thần của chị Trâm và người thân gần như suy sụp. Chị đã đưa người cha già sang nhà người quen ở nhờ để tránh hoảng sợ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hình ảnh nhà một người dân bị tạt sơn vì chậm trả lãi vay khi lỡ vướng “tín dụng đen”
Một trường hợp khác là Trần La (ngụ phường Tân An) do cần tiền sắm đồ tết nên vay nóng 5 triệu đồng nhưng chỉ nhận được có 3,5 triệu đồng. Mỗi ngày La đóng 500.000 đồng. Đóng hoài, đóng mãi nhưng không hiểu vì sao nợ cứ chồng nợ. Do sợ bị đánh nên La tìm chỗ mới vay vài triệu để trả nợ cũ, cứ thế La mắc nợ khoảng 4 mối, mỗi mối từ 5 - 7 triệu đồng. “Không có tiền đóng, tụi nó chửi, gặp ngoài đường thì chặn xe đánh em ghê lắm. Em cố vùng vẫy chạy thoát nhưng vừa ngóc đầu lên chúng túm tóc giật xuống rồi đánh tiếp”, La buồn bã kể.
Nạn nhân Trần La kể lại việc mình bị các đối tượng thu nợ "tín dụng đen" đánh giữa đường
Một lần thấy P.V đến nhà, La hoảng sợ vì tưởng chủ nợ đến đòi tiền. Được sự trấn an, La nghẹn ngào: “Em muốn treo cổ chết để giải thoát, chỉ có chết mới hết nợ nhưng em còn đứa con 11 tuổi, nó đã không có cha từ bé. Cha mẹ em thì già yếu sống nay chết mai, nếu em chết đi cuộc đời nó sẽ ra sao?”, nói rồi La khóc rưng rức.
Xác định đã nợ là khó thoát, La và những “con nợ” của nạn cho vay nặng lãi mà chúng tôi đề cập chỉ biết cố thủ trong nhà vì sợ ra đường sẽ bị hành hung.
Những ngày giữa tháng 6, khi nhóm P.V đang thu thập thông tin từ hàng chục nạn nhân là công nhân, bộ phận nhân sự của nhiều doanh nghiệp đang bị đe dọa thì điện thoại chúng tôi vẫn liên tục nhận được những cuộc gọi khẩn cấp từ các nạn nhân “tín dụng đen” ở các địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TP.Thuận An, TP.Dĩ An. Đó có thể là một cô người mẫu vướng tín dụng đen và bị giang hồ tạt sơn vào nhà; hay nhóm cho vay nóng tiếp tục tạt sơn, dọa đánh đập những nạn nhân khác tại phường Hiệp An, Tân An vì trả lãi trễ…(Còn tiếp)
Bác sĩ cũng lao đao “Tín dụng đen” không chỉ giăng bẫy lao động tự do, công nhân, bộ phận nhân sự tại các doanh nghiệp mà thậm chí có bác sĩ cũng vướng. Câu chuyện về 2 bác sĩ và một nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện trên địa bàn Bình Dương vướng bẫy “tín dụng đen” khiến một nhóm thanh niên đến bệnh viện “làm loạn” mới đây vẫn còn nóng hổi. Rõ ràng “tín dụng đen” không chừa một ai. Để tiếp tục thu tiền từ các con nợ, các đối tượng luôn giới thiệu cho nạn nhân vay “dây mới” để trả nợ cho “dây cũ”. “Dây chồng dây”, “nợ chồng nợ”, cứ như vậy, “người có thu nhập cao” so với người lao động phổ thông cũng sớm rơi vào cảnh mất khả năng chi trả. Khi không thể thu nợ như yêu cầu, chúng kéo đến nơi làm việc của nạn nhân để quậy phá, gây mất uy tín của người vay, buộc họ bằng mọi giá phải trả nợ cho chúng nếu không thì “sống không yên”. |
NHÓM P.V