“Tín dụng đen” giăng bẫy...! - Kỳ 2 

Cập nhật: 20-07-2022 | 08:29:13

Kỳ 2: “Ma trận” bủa vây

Nạn nhân của “tín dụng đen” hiện nay không chỉ là lao động tự do mà còn là công nhân, tri thức... Họ bị sập bẫy vay tiền qua app, qua thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, qua tờ rơi hoặc vay nóng thông qua người quen giới thiệu. Bên cạnh đó là những đối tượng núp bóng các công ty tài chính với muôn hình vạn trạng kiểu cho vay, bán nợ, đòi nợ.

Hàng loạt nhân viên bộ phận nhân sự các công ty mệt mỏi vì bị đe dọa khi công nhân lỡ vướng “tín dụng đen”, họ chỉ còn biết gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp

“Bán nợ” sau 4 năm cho vay nóng

Những lời mời hấp dẫn như “Cho vay kinh doanh, tiêu dùng lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày. Ai cần liên hệ…” nhan nhản trên mạng xã hội, trên cột điện, tường rào, vỉa hè, công viên. Cứ thế, ma trận “tín dụng đen” len lỏi vào cuộc sống của những người lao động nghèo. Chỉ có điều, vay dễ nhưng trả thì khó…

Cách đây 4 năm, khi con nhỏ bị bệnh, chị Thạch Thị Mai (quê Sóc Trăng) khi đó đang làm cho một công ty trên địa bàn TX.Tân Uyên đã vay 20 triệu đồng từ công ty tài chính có tên M. và bị ép phải mua thêm gói bảo hiểm 1 triệu đồng, tổng cộng 21 triệu đồng với lãi suất 55%/ năm và trả trong 24 tháng. Hàng tháng chị Mai ra một tiệm cầm đồ ở phường Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên) hoặc đến các đơn vị thu hộ trên địa bàn TX.Tân Uyên để đóng gần 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chị Mai đóng được 6 lần thì công ty cho vay đổi địa chỉ, từ đó chị Mai không biết liên lạc với ai để đóng tiền hàng tháng.

Trong giai đoạn đang mang thai và đi làm, mỗi ngày chị Thạch Thị Mai (công nhân, quê Sóc Trăng) vẫn bị các đối tượng đòi nợ thuê hăm dọa đòi nợ

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, đơn vị tài chính có tên M. có mặt tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) một thời gian nhưng không được cấp phép hoạt động, sau đó thì tự dưng biến mất. Có lẽ vì vậy mà đầu tháng 1-2022, khi chị Mai đang làm việc cho một công ty đóng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một thì liên tục có người gọi vào công ty đòi món nợ của 4 năm trước. Một đối tượng tên Sơn thông báo số tiền của chị Mai cả gốc lẫn lãi sau 4 năm đã lên đến 40 triệu đồng. Gã còn hù nếu chị không trả tiền sẽ bị cho nghỉ việc và sống không yên. Chị Mai dù có trốn đi đâu, chúng cũng sẽ tìm ra! Gặp P.V vào thời điểm sắp tới ngày sinh con, chị Mai lo lắng không có tiền đóng thì sẽ bị cộng lãi lên từng ngày.

Dưới sự động viên của chúng tôi, chị Mai gọi điện cho Sơn xin khất nợ thì Sơn tiếp tục đe dọa, chửi bới. Sơn cho biết mình chỉ là người đi đòi nợ thuê, muốn gì thì chị Mai cứ đến công ty của Sơn trên đường Lữ Gia, quận 10, TP.Hồ Chí Minh để được giải quyết.

Lần theo địa chỉ được Sơn giới thiệu qua điện thoại, chúng tôi xác nhận không có một công ty nào có tên như vậy tồn tại ở địa chỉ trên. Theo luật sư Trương Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh, từ ngày 1-1-2021, tại Việt Nam, các công ty đòi nợ thuê không được phép hoạt động nữa. Như vậy, việc Sơn thừa nhận trên điện thoại rằng mình là nhân viên của công ty đòi nợ thuê như vậy là bất hợp pháp.

Công nhân vay tiền, cán bộ nhân sự mệt mỏi

Ông Nguyễn Xuân T., Trưởng phòng Nhân sự một công ty đóng tại phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một bức xúc kể chuyện mình và người thân trong gia đình bị khủng bố bằng điện thoại suốt một thời gian dài. “Tôi không vay nợ ai nhưng điện thoại vợ chồng tôi liên tục bị gọi điện làm phiền, bắt phải trả tiền và cung cấp thông tin của những người trong công ty. Mỗi ngày có vài trăm cuộc gọi từ sáng sớm đến tận khuya. Chúng gọi liên tục và ẩn số khiến cuộc sống gia đình tôi bị xáo trộn. Chúng còn biết số điện thoại của người thân, địa chỉ và lịch sinh hoạt của gia đình tôi, biết nơi vợ tôi làm, các con học trường nào, giờ giấc đến trường và tan học. Chúng nói nếu tôi không đáp ứng yêu cầu chúng đưa ra thì vợ và con của tôi sẽ bị xử đẹp”, ông T. bức xúc nói.


Lời kêu cứu của cán bộ nhân sự vì bị đối tượng cho vay “tín dụng đen” “khủng bố”

Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng này còn vào các trang cá nhân lấy hình ảnh gia đình của ông T. để đăng thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự với các nội dung như “Tập đoàn gia đình lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chân dung kẻ lừa đảo, bao che con nợ” khiến gia đình ông T. bị hàng xóm đàm tiếu, xa lánh. Quá hốt hoảng, ông T. làm đơn trình báo lên công an địa phương nhờ can thiệp.

Tương tự, chị Vũ Thị T. (quê Nghệ An), Trưởng phòng Nhân sự một công ty đóng tại TP.Thủ Dầu Một đã nhiều tháng liền sống trong mệt mỏi vì bị nhóm đòi nợ thuê khủng bố tinh thần. Gặp P.V, chị T. vừa khóc vừa kể chuyện bị tung ảnh gia đình lên mạng xã hội với nội dung khiếm nhã, kèm những lời lẽ xúc phạm, thô tục. Chúng gửi ảnh gia đình chị đến người thân, họ hàng ngoài quê khiến mọi người tưởng gia đình chị bị vỡ nợ, bỏ trốn, chị đi làm gái…

Ngoài việc “tra tấn” nhân viên phòng nhân sự, các đối tượng đòi nợ còn gọi vào số điện thoại bàn tại công ty để quấy rối hàng ngày. “Tôi và đồng nghiệp như muốn phát điên với hàng trăm cuộc điện thoại chửi bới. Chúng yêu cầu chúng tôi phải đuổi việc những công nhân vay tiền nóng. Nhiều lúc quá ám ảnh với tiếng chuông điện thoại và tiếng chửi bới, chúng tôi đã tắt điện thoại bàn dẫn đến bỏ lỡ nhiều cuộc gọi quan trọng khiến công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, chị Phan Thị Diễm Q., nhân viên Phòng Nhân sự, Công ty M. bức xúc.


Các nạn nhân là bộ phận nhân sự, công đoàn các công ty bị "khủng bố" điện thoại và bị các đối tượng bêu rếu trên mạng xã hội

Tương tự, cứ vào 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm, điện thoại chị Lê Thị B. làm việc ở Phòng Nhân sự một công ty đóng tại (TP.Thuận An) liên tục đổ chuông với nhiều số điện thoại lạ. Chúng nhắn tin hăm dọa, đòi giết chết cả gia đình chị. Biết chị B. vừa sinh con nhỏ, chúng còn dọa sẽ “cắt tai em bé”; dọa đến trường học bắt cóc bé lớn nếu chị B. không trả nợ cho chúng hoặc không đuổi việc một con nợ là công nhân của công ty. Không chỉ vậy, nhóm đối tượng này còn gọi điện đến bạn thân, bạn học, họ hàng của chị B. ở Bình Thuận để đe dọa, thóa mạ với đủ mọi ngôn từ thô tục.

Không chỉ quấy rối, ghép và đăng hình bôi nhọ trên mạng xã hội, nhóm đòi nợ thuê còn theo dõi rất chi tiết lịch sinh hoạt, cuộc sống và cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội của từng cán bộ nhân sự. “Thời gian gần đây, ngoài các nhóm cho vay nóng, các tổ chức tín dụng có tiếng trên mạng cũng xuất hiện cách đòi nợ kiểu “xã hội đen” coi thường pháp luật. Chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp tại Bình Dương về việc bộ phận nhân sự bị đoe dọa, chửi bới vì công nhân trong công ty họ vay tiền nặng lãi”, luật sư Trương Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh cho biết. (Còn tiếp)

Luật sư Trương Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh Bình Dương, cho biết Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp cho vay lãi nặng mà chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 44/2021/ NĐ-CP. Ngoài ra, nếu người cho vay có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, gây thiệt hại đến tài sản hoặc đe dọa, khủng bố tinh thần người đi vay thì còn có thể bị xử lý hình sự về các tội tương ứng.

 

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên