Kỳ 3: Chạm mặt “chủ nợ”
Trong quá trình tiếp xúc với các nạn nhân của “tín dụng đen”, chúng tôi cảm nhận được nỗi bế tắc, sợ hãi mà họ đang phải chịu đựng. Từ đó đã thôi thúc chúng tôi phải cố gắng vén bức màn “tín dụng đen” bằng cách… đi vay!
Quán cà phê K.N., nơi được cho là “bãi đáp” của các “chân rết” chuyên đi thu nợ tại phường Tân An
Chạm mặt các “chân rết”
Sau nhiều lần thông tin trao đổi qua lại, một buổi chiều muộn cuối tháng 6, chúng tôi đến một ngôi nhà ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một để đợi một đối tượng cho vay có nickname trên mạng xã hội là “Đức trọc”. Đức trọc là nhân vật chuyên cho vay nặng lãi tại địa bàn TP.Thuận An và khiến nhiều con nợ ngán ngẩm vì rất hung hăng.
Qua cuộc gọi Zalo, Đức trọc yêu cầu chúng tôi giải thích vì sao biết được gã? Nghe chúng tôi nói có người quen ở Lái Thiêu giới thiệu, gã gặng hỏi thêm về lai lịch của “người quen” rồi hứa hẹn sẽ đến “khảo sát” nhà và công ăn việc làm của chúng tôi.
Chúng tôi kiên nhẫn chờ hơn 2 giờ, cuối cùng Đức trọc và một thanh niên nói giọng miền Bắc cũng xuất hiện trên chiếc xe máy nhãn hiệu Exciter màu xanh đen. Vừa bước qua cánh cổng, gã đưa ánh mắt quan sát ngôi nhà và bắt đầu hỏi thăm về mức thu nhập, công việc của chúng tôi. Đức trọc tin tưởng chúng tôi có công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng nên đồng ý cho vay tiền. Trước khi ra về, bất ngờ Đức trọc và đồng bọn chạy nhanh vào nhà mở cửa bước vào kiểm tra từng ngõ ngách. Khi phát hiện một chi tiết nhỏ thể hiện nhà này không phải của chúng tôi, Đức trọc nổ máy xe cùng đồng bọn phóng đi kèm câu chửi thề trên cửa miệng.
Mong muốn chạm mặt các “chân rết” thu tiền “tín dụng đen”, chúng tôi vào vai một người đi đóng tiền theo định kỳ và hẹn gặp Xưởng, một gã khá quen mặt với nhiều “con nợ” trên địa bàn các phường Tân An, Hiệp An và Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một). Xưởng tỏ ra cảnh giác khi chúng tôi không hẹn trả tiền tại “bãi đáp” như những nạn nhân khác mà lại đòi gặp tại một quán nước gần UBND phường Tương Bình Hiệp.
Sau gần 2 giờ liên lạc qua lại, cuối cùng Xưởng cũng xuất hiện trên chiếc mô tô nhãn hiệu Honda Airblade màu đỏ. Gương mặt bặm trợn, Xưởng vừa phì phèo thuốc lá vừa chửi thề vì chúng tôi “lằng nhằng”. Xưởng nói mình và các anh em đi thu tiền đều làm việc chung tại một “công ty” dưới trướng của một “ông chủ” tên Nam. Khi chúng tôi nài nỉ có thể trả dần 500.000 đồng thay vì 1,5 triệu đồng mỗi ngày như chúng “quy định” hay không thì Xưởng nổi giận và chửi um lên.
Không tỏ ra hung hãn như Xưởng, một “chân rết” chuyên đi thu nợ khác tại địa bàn phường Tân An, Hiệp An có tên là Nguyễn Văn Đức có vẻ “dễ chịu” hơn khi chúng tôi xin khất nợ. Trước đó, Đức từng lấy ảnh một “con nợ” đăng lên mạng xã hội kèm lời lẽ bôi nhọ khiến người này xấu hổ.
Gặp mặt chúng tôi, vẫn chất giọng na ná giọng của các “chân rết” khác, Đức cho biết mình cũng chỉ là “chân chạy” đi thu tiền, muốn giảm lãi thì liên hệ trực tiếp với “sếp” của Đức là Hùng. Khi một trong số người ngỏ ý muốn “vay nóng” Đức ít tiền để trang trải thì bị Đức nhìn từ đầu đến chân rồi phán: “Có công ăn việc làm nhưng phải có nhà ở đây. Mai tôi lại đến, dắt tôi đi xem nhà và nơi làm việc. Mà tôi cũng chỉ cho vay được vài triệu thôi. Chịu thì điện cho tôi!”.
“Bãi đáp”
Các “chân rết” thu tiền lãi thường xuất hiện tại các phường Tương Bình Hiệp, Hiệp An, Tân An, Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) vào khoảng 16 - 19 giờ mỗi ngày. Điểm thu tiền quen thuộc của chúng là Công viên Tương Bình Hiệp hoặc quán cà phê K.N. Các nạn nhân cho biết họ thường ghé quán để đóng tiền cho nhóm “vay nóng”, hôm nào không gặp được các “chân rết” thu nợ, họ sẽ gửi tiền cho bà chủ quán cà phê đóng dùm.
Chân dung của một đối tượng cho vay “tín dụng đen” tại khu vực phường Tân An, Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một)
Một thời gian dài “thâm nhập” vào giới “vay nóng” tại các phường Hiệp An, Tân An, Tương Bình Hiệp, Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi nhận định ở các địa bàn này có những “chân rết” chuyên đi cho vay nặng lãi và đòi nợ kiểu rất hung hăng. Điển hình là nhóm của Nguyễn Văn Tiến, nhóm của Nam, nhóm của Xưởng cùng nhiều tay chân có tên Thái, Dũng, Vũ, Nghĩa, Đức... Qua lời các nạn nhân kể, nhóm “chân rết” này đều là người Hải Phòng, sống rải rác khắp nơi, lúc thì ở Thủ Đức, lúc thì ở khu dân cư Việt Sing (phường An Phú)…
Trao đổi với P.V, một số nạn nhân “tín dụng đen” cho biết khi bị hành hung, tạt sơn, nạn nhân chỉ biết trình báo Công an phường nhưng “không thấy một cán bộ nào đến hiện trường ghi nhận sự việc”. Vì thế các nạn nhân chỉ biết chịu đựng. P.V Báo Bình Dương đã trao đổi với đại diện UBND phường Hiệp An và phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một) thì đại diện 2 địa phương này đều khẳng định chưa nhận được phản ánh nào về việc người dân bị đe dọa, tạt sơn, ném vỏ chai hay đánh đập trên địa bàn!
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND phường Hiệp An, cho biết thời gian qua chưa có người dân nào đến phản ánh về việc cho vay nặng lãi và bị đe dọa. Với các trường hợp phát tờ rơi cho vay, nếu bị bắt quả tang, trước nhất là xử lý về môi trường, sau đó là theo dõi những người phát tờ rơi ở đâu tìm đầu mối và xử lý tận gốc. “Lực lượng Công an phường phải nắm chặt tình hình, nếu các đối tượng cho vay từ địa bàn khác đến địa phương phải có phương án xử lý, răn đe kịp thời để bảo đảm an toàn cho người dân. Người dân nào bị gây áp lực, đe dọa cần phải báo ngay cho lực lượng công an, báo về UBND phường để xử lý. Đối với vấn đề này, địa phương căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của ngành công an, sự chỉ đạo của Đảng ủy nên thường xuyên tuyên truyền cho người dân nắm bắt các thủ đoạn, chiêu thức cho vay nặng lãi để đề phòng”, ông Đức cho biết.
Cũng theo lãnh đạo UBND phường Hiệp An, trong các hội nghị, các cán bộ cũng triển khai thường xuyên để người dân hiểu và tránh xa “tín dụng đen”, không nên vay mượn tiền từ các đối tượng không rõ ràng, đặc biệt là vay với lãi suất cao để không xảy ra nhiều hệ lụy. Ngoài ra, UBND phường đã chỉ đạo lực lượng công an theo dõi để nắm bắt tình hình, nếu người dân phản ánh thì báo ngay cho địa phương để xử lý ngăn chặn.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Cảnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân An, cho biết đến thời điểm này, địa phương vẫn chưa ghi nhận tổ chức “tín dụng đen” nào hoạt động trên địa bàn cũng như hành vi đòi nợ, hăm dọa. “Nếu phát hiện có hành vi hăm dọa, tạt sơn, hành hung người dân, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các ban, ngành điều tra, xử lý kịp thời để bảo đảm an ninh trật tự cũng như trấn an dư luận, nhân dân”, ông Cảnh cho biết. (Còn tiếp)
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân để thực hiện hành vi cho vay với lãi suất cao, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các hoạt động cho vay trực tuyến đang phát triển rầm rộ thông qua các ứng dụng di động hay các website với nhiều quảng cáo về thủ tục vay đơn giản, lãi suất vay luôn dưới 20%/năm nhưng đến khi vay rồi thì hàng loạt các chi phí phát sinh đổ lên người vay dẫn tới mức lãi suất rất cao. Có trường hợp tin vào lời quảng cáo vay tiền lãi suất 0%, giải ngân nhanh dưới 30 phút nên người vay đã truy cập và điền đầy đủ các thông tin vào một website vay trực tuyến để vay 20 triệu đồng trong vòng 60 ngày. Hồ sơ vay nhanh chóng được duyệt qua ít phút. Sau khi người vay thực hiện đầy đủ theo yêu cầu thì chỉ nhận được 17 triệu đồng; số tiền 3 triệu đồng còn lại được bên cho vay giải thích là phí “quản lý vay”, “phí hồ sơ”, tiền lãi và nhiều khoản chi phí khác. Như vậy, so với mức thực vay được là 17 triệu đồng thì người vay đang phải chịu lãi suất trên khoảng 105%/năm, tương đương 8,75%/tháng. Nếu đến hạn mà người vay không trả tiền thì bị các đối tượng này cho người thường xuyên gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến nhà đe dọa, tạt sơn hoặc các chất dơ bẩn vào cổng, cửa, đánh đập, khủng bố tinh thần, đập phá tài sản, thậm chí đánh đập gây thương tích; bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân. Nhiều trường hợp đã phải bán nhà để trả nợ hoặc bỏ trốn khỏi địa phương; gây mất trật tự xã hội và bất an trong nhân dân”. |
NHÓM P.V