Tín hiệu khởi sắc của thị trường lao động cuối năm

Cập nhật: 09-10-2023 | 08:47:32

Những ngày đầu tháng 10, thị trường việc làm tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sôi động trở lại. Bên cạnh một số doanh nghiệp (DN) tuyển dụng thêm lao động phục vụ đơn hàng cuối năm, nhiều DN trong ngành may đang tuyển dụng số lượng lao động lớn nhưng vẫn không tìm được người.

 Người môi giới việc làm thời vụ ghi lại thông tin người cần việc tại Khu công nghiệp Đại Đăng

 Người lao động quay lại Bình Dương

Ghi nhận của P.V, những ngày gần đây, rất nhiều lao động ở các tỉnh miền Tây, tỉnh Bình Phước quay lại Bình Dương tìm việc cho những tháng cuối năm. Tại KCN Đại Đăng, Sóng Thần, mỗi buổi sáng có cả trăm người đi tìm việc. Một số người môi giới việc làm cũng xuất hiện trước cổng các nhà máy để thương thảo với người lao động. Chị N.T.T., người môi giới việc làm trước cổng Công ty TNHH Hungder (KCN Đại Đăng), chia sẻ: “Một vài DN đã tuyển đủ người, họ chỉ cần một số lao động thời vụ cho những đơn hàng nhỏ nên không treo bảng tuyển lao động. Khi nhận vào làm một thời gian, nếu công ty tiếp tục có những đơn hàng mới, cần người thì họ sẽ ký chính thức”.

Anh Nguyễn Thanh Sang, quê tỉnh Kiên Giang, cho biết mấy tháng trước anh từng làm việc cho một DN gỗ tại TP.Tân Uyên. Sau khi thất nghiệp vì DN thiếu đơn hàng, anh về quê một thời gian. Tuy nhiên, ở quê vẫn không tìm được việc làm ổn định nên quyết định quay lại Bình Dương tìm việc... Rất nhiều lao động khác ở các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Bình Phước cũng có hoàn cảnh tương tự anh Sang. Sau khi thất nghiệp và hết thời gian nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, họ quay lại Bình Dương tìm công việc ổn định. Đặc biệt, những tháng cuối năm, họ mong tìm được việc làm để có tiền chi tiêu dịp tết.

Bên cạnh một số DN chỉ tuyển vài chục lao động hay lao động thời vụ thì cũng có DN đang tuyển hàng trăm lao động. Điển hình như Công ty Cổ phần Công nghiệp DSVK (KCN Sóng Thần), chuyên sản xuất bàn ghế sô pha đang tuyển hàng trăm lao động chính thức. Anh Nguyễn Ngọc Quân, quê tỉnh Bình Phước, người vừa được nhận vào làm tại công ty, vui mừng cho biết: “Hiện nhiều DN đang cần lao động thời vụ. Mấy ngày qua, những người môi giới việc làm điện thoại liên tục nhưng tôi không đồng ý, vì làm thời vụ sẽ không được đóng bảo hiểm và quyền lợi khác. Được nhận làm chính thức, dù lương có hơi thấp nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn. Tôi chọn vào làm tại Công ty Cổ phần Công nghiệp DSVK vì gần nơi ở, đi lại thuận tiện”.

Ngành dệt may thiếu lao động

Trong những tháng cuối năm, khi các DN ngành gỗ, cơ khí, điện tử... chỉ tuyển số ít lao động thì các DN ngành dệt may cần rất nhiều lao động. Điển hình như Công ty TNHH May mặc Leading Star (KCN Đồng An) cần tuyển 1.000 lao động, bảo đảm mức thu nhập không dưới 12 triệu đồng/tháng, cùng với đó đầy đủ các chế độ thưởng lễ, tết và 14 ngày phép năm; lao động khi đến xin việc không cần bằng cấp, tay nghề. Công ty TNHH Esprinta (KCN Sóng Thần 2) cũng đang cần trên 500 lao động. Công ty TNHH TNY Vina (chuyên may hàng thun, sơ mi...) ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An đang cần 300 lao động. Để tìm kiếm nguồn lao động, các DN dệt may không chỉ kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng tải tìm nguồn, mà còn cho nhân sự đặt bàn ghế ra đường để tìm người.

 “Để tìm nguồn nhân lực cho ngành may, trung tâm đang tích cực đăng tải thông tin tuyển dụng việc làm trên website, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook của trung tâm, để giúp người lao động cũng như các doanh nghiệp kết nối được việc làm trong những tháng cuối năm”.

(Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh)

Bà Lưu Tịnh Uyển, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Esprinta, cho biết: “Công ty chúng tôi hiện có rất nhiều đơn hàng từ Mỹ, châu Âu, nên mỗi tháng cần tuyển không dưới 300 lao động nhưng luôn thiếu người. Với lao động lâu năm, có thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/ tháng. Với những người mới vào, không có tay nghề thì chúng tôi đào tạo nghề, thu nhập thử việc không dưới 9 triệu đồng/tháng. Lao động vừa được nhận vào làm, công ty hỗ trợ ngay 1,5 triệu đồng/ người để có tiền đi lại”.

Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết khách hàng tiềm năng như ngày xưa với đơn hàng lớn thì không còn nhiều, các DN phải tìm các khách hàng nhỏ lẻ để duy trì nhà máy. Khó khăn hiện nay của ngành may là vấn đề về nhân sự. Trước đó, lương công nhân có tay nghề từ 13 - 15 triệu đồng/ tháng, nhưng đơn hàng sụt giảm khiến tiền lương bị giảm đến 40%. Thu nhập chỉ từ 7 - 8 triệu đồng/tháng đã kéo dài đến 9 tháng khiến người lao động không đủ trang trải cuộc sống nên phải nghỉ việc để về quê và họ chưa quay trở lại, có số đã xin được việc ở quê. Ngoài ra, công nhân có tay nghề cũng nhảy việc liên tục nếu DN khác có đơn hàng và trả lương cao.

Dù đưa ra nhiều chế độ ưu đãi nhưng DN ngành may vẫn đang “khát” lao động. Trong khi đó, nhiều lao động vừa quay lại Bình Dương vẫn đang loay hoay tìm việc. Lý giải việc này, theo cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, lao động ở các tỉnh khi đến Bình Dương làm việc thường đi theo người quen, bạn bè nên đã đến đâu là tạm trú ở đó rồi xin việc ở các nhà máy lân cận. Thậm chí nhiều người đã đến làm việc tại Bình Dương nhiều năm, nhưng khi thất nghiệp vẫn ngại đi xa để xin việc, ngại di chuyển chỗ ở. Cũng có người từng làm việc trong ngành may, nay quay lại họ muốn thay đổi môi trường làm việc. Họ cho rằng làm nghề may phải ngồi nhiều giờ trong ngày, mỏi mệt. Tuy nhiên, họ phải hiểu làm nghề gì cũng có cái sướng, cái khổ. Nhìn chung, nghề may là công việc nhẹ, môi trường làm việc trong lành, không bị ô nhiễm nên rất thích hợp cho lao động nữ.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=510
Quay lên trên