Năm 2020 đầy khó khăn và thử thách đối với sản xuất, kinh doanh sắp kết thúc. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh với triển vọng thị trường tươi sáng hơn.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (KCN Sóng Thần 1, TP.Dĩ An)
Vượt khó
Theo đánh giá của ngành công thương, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt, đã tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tại Bình Dương, với sự nỗ lực, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ, có nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Cộng đồng DN đã chủ động mở rộng thị trường, linh hoạt trong tìm nguồn cung ứng mới và nguồn nguyên liệu thay thế khác trong nước. Bên cạnh đó, các DN đã tận dụng được cơ hội từ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nên kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh không chịu nhiều tác động của thị trường.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), tháng 10-2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 674,3 triệu USD, tăng 6,5% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.373,8 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Hai ngành hàng gặp khó khăn lớn trong dịch bệnh Covid-19 là dệt may và giày da, túi xách cũng bắt đầu khởi sắc khi các DN nhận được nhiều đơn hàng cuối năm. Tháng 10- 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 300,5 triệu USD, tăng 9,7% so với tháng trước. Đối với hàng giày da, túi xách, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 174,0 triệu USD, tăng 9,3% so với tháng trước.
Những con số tăng trưởng này tuy thấp hơn so với cùng kỳ song đó là thành quả đáng trân trọng của tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành của lãnh đạo tỉnh và sự đồng lòng của các cấp, các ngành, DN trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Động lực vươn tới
Ông Lim Chiew Seng, Giám đốc Công ty White Feathers International (KCN Mỹ Phước 2), cho hay đến nay công ty đã khắc phục được tương đối tốt những tác động của dịch bệnh gây ra và tăng tốc sản xuất vì đơn hàng đã dồi dào hơn. Dự kiến, năm 2020 doanh số của công ty sẽ tăng gấp 1,5 lần so với năm 2019. Những ngày cuối năm không khí sản xuất tại DN này rất nhộn nhịp, công nhân tăng ca liên tục để kịp giao hàng cho đối tác. Ông Lim Chiew Seng đánh giá rất cao sự nỗ lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và tỉnh Bình Dương để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất.
Theo BIFA, đơn hàng cung cấp gỗ nguyên liệu cũng như sản xuất, gia công sản phẩm gỗ dành cho thị trường xuất khẩu của các DN lớn đã được lên kế hoạch đến nửa năm sau. Rất phấn khởi vì sự chuyển đổi thành công của mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ để giữ vững sản xuất, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lâm Việt nhận định, dịch bệnh Covid-19 làm ngành gỗ tăng trưởng, nhất là các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm song cũng đặt ra nhiều nguy cơ. “Ngành gỗ Việt đang có rất nhiều thuận lợi để vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng nguy cơ cũng khá cao. Bởi đây là thị trường lớn và rất nghiêm khắc trong chuyện lẩn tránh thuế, gian lận thương mại. Các DN cần phải có hướng đi chiến lược và có ngay những động thái lên tiếng bảo vệ mình khi phát hiện gian lận thương mại”, ông Liêm chia sẻ.
Tình hình cũng rất sáng sủa từ các DN ngành cơ khí khi đơn hàng đã bắt đầu ổn định trở lại. Xác nhận điều này, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, cho biết đến nay rất nhiều DN đã có đơn hàng trở lại, trong đó có các DN xuất khẩu. Đây thực sự là một tín hiệu tốt lành để các DN quay lại guồng sản xuất sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, các DN mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, công tác thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là thông tin về thị trường để phục vụ cho các DN trong công tác tìm kiếm thị trường, có phương án tốt hơn.
TIỂU MY