Nửa năm 2024 đã đi qua với những thuận lợi và thách thức đan xen, kết quả bước đầu trên nhiều lĩnh vực kinh tế rất khả quan. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi toàn bộ các chỉ tiêu năm, khoảng thời gian còn lại đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn nữa của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.
Với sự nỗ lực của DN cùng những giải pháp quyết liệt của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất, thương mại thiết bị điện Kim Sang
Duy trì tăng trưởng
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2021-2025. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, quá trình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Bình Dương cũng gặp những khó khăn như tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tỷ giá đồng USD và giá vàng, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh, chi phí sản xuất tăng cao... Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng DN trên địa bàn, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Kết quả 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 3,55%); trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 5,81%; dịch vụ tăng 7,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 2,65%); trong đó công nghiệp chế biến tăng 6,0%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 19,81%; công nghiệp khai khoáng giảm 0,88%.
Đối với các khu, cụm công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà xưởng với tổng vốn 608,9 tỷ đồng (đạt 51% so với kế hoạch), các khu công nghiệp (KCN) đã cho thuê 79,22 ha đất, lũy kế đến nay các KCN trên địa bàn đã cho thuê gần 7.100 ha đất, tỷ lệ lấp đầy đạt 93,7%.
Bình Dương tiếp tục là một địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm đã thu hút 29.762 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước được (tăng 7,5% so với cùng kỳ), gồm 2.971 DN đăng ký mới, 543 DN tăng vốn. Nâng tổng số dự án có vốn đầu tư trong nước ở Bình Dương hiện nay lên hơn 68.800 với tổng vốn 757.000 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài được 633 triệu đô la Mỹ, trong đó có 87 dự án đầu tư mới (316 triệu đô la Mỹ), 57 dự án điều chỉnh tăng vốn (273 triệu đô la Mỹ). Lũy kế đến nay Bình Dương có 4.313 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 40,8 tỷ đô la Mỹ.
Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Dương đã đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gần 166.200 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 16,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 10% so với cùng kỳ, giá trị xuất siêu đạt gần 4,8 tỷ đô la Mỹ. Đây là kết quả rất quan trọng mà rất ít địa phương trong cả nước đạt được.
Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu
Ông Nguyễn Đình Thi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại thiết bị điện Kim Sang (TP.Tân Uyên), cho rằng Bình Dương luôn là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bình Dương không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện đất đai mà chính quyền và các ban, ngành luôn đồng hành cùng DN trong quá trình triển khai dự án, tháo gỡ kịp thời khó khăn, hỗ trợ DN đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Trịnh Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC (KCN Đồng An 1), công ty đã đầu tư tại Bình Dương hơn 20 năm qua và luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp, các ngành của địa phương. Trong điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ thị trường, sự đồng hành hỗ trợ của tỉnh đã giúp công ty bảo đảm sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ổn định.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh đã xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến nhiều lĩnh vực cần phải tập trung thực hiện để hoàn thành cao nhất chỉ tiêu, kế hoạch của cả năm ở mức cao nhất. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và cả năm 2024 để có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu...
Tỉnh cũng sẽ tăng cường làm việc với các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị đề xuất tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Tiếp tục tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội ngành hàng, DN, từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng các KCN và đầu tư mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch, xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái, công nghệ cao. Tập trung giải quyết những vướng mắc, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó chú trọng triển khai, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng và hạ tầng giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ.
TUẤN ANH