Một số phụ huynh cho rằng phải luôn kiểm soát và ngày càng tăng cường kiểm soát khi con trẻ lớn dần lên mới có thể giúp chúng không mắc sai lầm. Một số khác thì ngược lại, cho là càng ít kiểm soát thì con trẻ càng có tính tự lập cao.
Có thể nói, trong bất cứ chuyện gì cũng có một điểm cân bằng quý giá ở giữa. Mức độ kiểm soát các hành vi của trẻ phải phù hợp với lứa tuổi. Khi trẻ còn nhỏ, đang học mẫu giáo chẳng hạn, thì đúng là cha mẹ cần phải kiểm soát hầu như tất cả mọi việc của trẻ: ăn mặc thế nào, đồ chơi nào tốt... Việc kiểm soát con trẻ ở tuổi cấp 1, cấp 2 cấp 3 sẽ khác với việc kiểm soát trẻ mẫu giáo. Lòng tin và sự kiểm soát hoàn toàn không mâu thuẫn nhau. Ví dụ, bạn có thể cho phép con cái tự chọn quần áo nhưng nên thảo luận với con và coi trọng ý kiến riêng của con. Sự kiểm soát của cha mẹ nên là một sự chuẩn bị cho việc tự lập để trẻ bước vào giai đoạn người lớn. Trẻ cần phải học cách tự kiểm soát chính bản thân.
Vậy thì làm thế nào để vừa thể hiện sự tin tưởng, vừa kiểm soát được con trẻ?
Đương nhiên là sự tin tưởng cũng như việc kiểm soát cần ngang bằng nhau trong việc dạy dỗ con cái. Kiểm soát con cái một cách tự nhiên và không xâm phạm phải theo cách làm sao để cha mẹ luôn biết được mọi điều diễn ra trong cuộc sống của trẻ. Cách đây không lâu, cháu tôi đã phàn nàn với tôi: mẹ cậu thường xuyên kiểm tra mọi dự định của cậu: nên học cái gì tốt hơn, nên chơi với ai, ăn gì, uống gì và mặc gì... Kết quả là ở nhà, cậu bé trở thành một người hay cáu kỉnh và không thân thiện: không bao giờ kể cho ai về những kế hoạch của mình, về những chuyện xảy ra trong cuộc sống của mình. Mẹ cậu bé đã hết sức ngạc nhiên khi nghe thầy giáo chủ nhiệm nói, ở lớp cậu luôn là một thủ lĩnh, khá hoạt bát và rất thích tham gia vào mọi hoạt động của bạn bè. Thầy giáo đã khuyên mẹ cậu bé thường xuyên trò chuyện với con trai và bớt kiểm soát cậu.
Kiểm soát quá chặt hay ủ quá kỹ nguy hiểm thế nào?
Bạn quá che chắn bảo vệ con cái hoặc kiểm soát con cái quá kỹ đều có hại, không chỉ hại cho trẻ mà còn hại cho chính cha mẹ.
Cho đến 3 tuổi: Trong giai đoạn này trẻ đang tự định hình tính cách của mình, việc quá bảo bọc hay không tin tưởng sẽ khiến trẻ tưởng rằng trẻ là trung tâm của vũ trụ. Và trong tương lai, suốt cả đời mình trẻ sẽ luôn có cảm giác cô độc, không nhận được đầy đủ sự quan tâm của mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ làm cho trẻ mất đi khả năng độc lập.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cho đến 13 tuổi: Bạn cần giúp trẻ trong những lựa chọn riêng thì khi trẻ vị thành niên, như thế trẻ sẽ biết suy nghĩ độc lập. Trẻ càng lớn lên, bạn càng phải cho chúng nhiều tự do hơn.
Nếu bạn quá che chắn cho con mình, sẽ có lúc bạn được nghe những lời phàn nàn của con: “Mẹ kệ con đi mà, con lớn rồi chứ bộ”. Đừng trói cột con cái bằng sự quan tâm chăm sóc của mình. Hãy tin tưởng vào con, biết rõ mọi điều xảy ra trong cuộc sống của con và hãy cố gắng nắm giữ mọi việc một cách tế nhị nhất. Không nên để mình nhảy từ thái cực này sang thái cực khác – kiểm soát một cách khéo léo là điều luôn luôn cần thiết. Con trẻ cần có cảm giác mình luôn được cha mẹ quan tâm đồng thời cũng hiểu rằng mình có thể có những quyết định độc lập.
Nếu cha mẹ hoàn toàn không kiểm soát trẻ, sẽ có những bất ngờ trong cuộc sống của chúng sẽ khiến họ bị té bổ chửng. Thí dụ như việc con cái phạm những tội lỗi lớn mà cuối cùng cha mẹ lại chỉ được biết từ người thứ ba. Đó là điều hoàn toàn không đáng mong muốn tí nào.
Lời khuyên cho các bậc phụ huynh
Hãy cân nhắc xem bạn cần phải kiểm soát cái gì và như thế nào. Hãy tiếp cận với việc kiểm soát một cách thích hợp: xem con bạn có thật sự cần sự kiểm soát và bạn sẽ tiến hành nó như thế nào để không làm tổn thương con.
Đừng áp đặt con sống theo những tiêu chuẩn của bạn, hãy thảo luận về những cách xử sự của mình. Cố gắng để con trẻ không cảm thấy bị áp lực từ cha mẹ khi đưa ra những quyết định của mình. Hãy để cho con tự chịu trách nhiệm về những quyết định của nó, khi đó bạn sẽ thấy con hoàn toàn tin tưởng bạn và chia sẻ với bạn những điều mà nó trải qua. Còn bạn, khi đó bạn sẽ có thể thực hiện việc kiểm soát của mình một cách kín đáo.
Lòng tin tưởng giữa mẹ, bố và con cái là hết sức quan trọng. Con cái phải cảm thấy không sợ hãi khi nói về lỗi lầm, về những điều lo lắng và các vấn đề của mình với bố mẹ. Đừng bao giờ la mắng con khi con cư xử trung thực với bạn, cả khi bạn không thích sự thật đó. Đừng trừng phạt chúng vì những điều chúng đã chia sẻ với bạn bởi nếu bạn làm như thế, chúng sẽ không bao giờ tin tưởng vào bạn nữa. Hãy bình tĩnh phân tích cho trẻ thấy chúng đã sai lầm chỗ nào. Nếu bạn đánh mất lòng tin nơi con cái, bạn sẽ rất khó lấy lại chúng. Dù bạn có là nhân vật quan trọng đối với trẻ thì cũng không có nghĩa là bạn có thể là người bạn của con.
Theo PNO