Hai nguồn tin nắm rõ thông tin tình báo Mỹ cho biết, nước này quan sát thấy Iran đang di chuyển các trang thiết bị quân sự, trong đó có máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình, báo hiệu rằng Iran có thể đang chuẩn bị tấn công các mục tiêu của Israel.
Hải quân Iran phóng tên lửa trong cuộc tập trận tại Vịnh Oman ngày 23/2/2019.
Theo kênh CNN ngày 13/4, cụ thể, phía Mỹ đã thấy Iran chuẩn bị tới 100 tên lửa hành trình. Tuy nhiên, kkhông rõ liệu Iran đang chuẩn bị tấn công Israel từ lãnh thổ của mình, hay đang chuẩn bị ngăn chặn Israel hoặc Mỹ đáp trả trong trường hợp Iran tấn công.
Động thái trên của Iran diễn ra trong bối cảnh nước này có thể sắp tấn công trả đũa Israel. Trước đó, Iran cáo buộc Israel tấn công Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) vào ngày 1/4.
Dù Iran muốn có một cuộc tấn công trả đũa lớn, nhưng họ cũng không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến trực tiếp với Israel và Mỹ. Đó là lý do tại sao tình báo Mỹ đánh giá rằng Iran có thể sử dụng lực lượng thân Iran để tiến hành cuộc tấn công đầu tiên.
Giới chức Mỹ cho rằng chắc chắn Iran sẽ tấn công trả đũa Israel và vấn đề là sớm hay muộn. Trong bối cảnh đó, một loạt quốc gia đã cảnh báo công dân tránh đi lại tới Israel, Iran và khu vực Trung Đông nói chung.
Theo hãng tin AFP, trong một thông báo ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã khuyến cáo công dân không nên đến Iran và Israel cho đến khi có thông báo mới, với lý do tình hình căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói thêm rằng công dân Ấn Độ ở hai nước này nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tối đa về an toàn và hạn chế di chuyển ở mức tối thiểu.
Trước đó, các quốc gia bao gồm Mỹ và Nga đã ban hành khuyến cáo đi lại tương tự cho nhân viên ngoại giao và công dân trong khu vực.
Pháp cũng cảnh báo công dân bắt buộc hạn chế đi lại trong những ngày tới Iran, Liban, Israel và các vùng lãnh thổ Palestine. Ngoại trưởng Stephane Sejourne cũng yêu cầu sơ tán thành viên gia đình của các nhà ngoại giao Pháp ở Iran và không cử công chức Pháp nào đi công tác tới các quốc gia trong danh sách.
Ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Ba Lan khuyến cáo công dân nước này không nên đến Israel, Palestine và Liban. Bộ Ngoại giao Ba Lan cảnh báo: “Không loại trừ khả năng sẽ có leo thang đột ngột các hoạt động quân sự, gây khó khăn đáng kể cho việc rời khỏi Israel, Palestine và Liban”. Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng nói rõ, bất kỳ tình huống leo thang nào cũng có thể dẫn đến hạn chế đáng kể về giao thông hàng không và tắc nghẽn tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền.
Trong khi đó, hãng hàng không Lufthansa của Đức đã gia hạn lệnh đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Tehran của Iran cho đến ngày 18/4 và các chuyến bay sẽ không bay qua không phận Iran trong thời gian đó. Hãng hàng không này đưa ra quyết định trên sau khi đã đánh giá cẩn thận các báo cáo phân tích an ninh của chính phủ.
Bộ Ngoại giao Đức viết trong một cảnh báo đi lại mới ban hành ngày 12/4: “Trong căng thẳng hiện nay, đặc biệt là giữa Israel và Iran, không thể loại trừ khả năng các tuyến vận tải đường hàng không, đường bộ và đường biển có thể bị ảnh hưởng. Công dân Đức có nguy cơ bị bắt giữ, thẩm vấn và bị kết án tù dài hạn. Những công dân có hai quốc tịch Iran và Đức đặc biệt dễ gặp rủi ro”.
Hãng hàng không Áo hiện là hãng hàng không Tây Âu cuối cùng vẫn giữ các chuyến bay tới Iran và cũng cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay từ Vienna đến Tehran cho đến ngày 18/4 để ứng phó với căng thẳng leo thang trong khu vực. Trước đó vào ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Áo kêu gọi công dân nước này rời khỏi Iran. “Các tuyến bay đi qua không phận Iran cũng sẽ được điều chỉnh. Sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn của chúng tôi được ưu tiên cao nhất”, hãng hàng không này cho biết trong một tuyên bố.
Cổng thông tin khẩn cấp quốc gia Israel cũng đã có hướng dẫn đảm bảo an toàn gửi tới người dân trong thời gian từ 18h ngày 11/4 đến 18h ngày 14/4.
Theo TTXVN