Để tăng cường tạo kết nối liên tỉnh, liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các địa phương, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước vừa có buổi làm việc về công tác quy hoạch kết nối vùng và các điểm kết nối giao thông chính giữa 2 địa phương.
Thúc đẩy triển khai dự án cao tốc
Để khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ, những năm qua Bình Dương đã không ngừng chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng. Quốc lộ 13 - tuyến giao thông trọng yếu, kết nối liên vùng Đông Nam bộ được đầu tư mở rộng, trở thành động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng. Ngoài ra, Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành Đai 3 và Vành Đai 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.
Cùng với tinh thần chủ động đầu tư hạ tầng kết nối, triển khai Nghị quyết số 24- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước về công tác quy hoạch kết nối vùng và các điểm kết nối giao thông chính giữa 2 địa phương.
Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng kết nối các địa phương của Bình Dương và Bình Phước, khi hoàn thành sẽ tác động tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Giao thông - Vận tải đã báo cáo phương án đầu tư dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Hiện Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án.
Theo đó tuyến đường bắt đầu từ nút giao Gò Dưa, đi dọc theo tỉnh lộ 43 (thuộc TP.Thủ Đức) khoảng 800m, rồi rẽ phải theo ĐT743B, ĐT743A, ĐT747B tới trước cầu Khánh Vân (TX.Tân Uyên), chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại và đi men theo Suối Cái và song song với đường DH409. Tuyến cắt ĐT.747A tại Cổng Xanh, sau đó đi song song với ĐT.741 lên xã An Long, huyện Phú Giáo rồi đi thẳng lên phía Bắc giáp phía Đông Khu công nghiệp Becamex Bình Phước giao quốc lộ 14 tại Chơn Thành.
Nhằm bảo đảm tính khả thi về phương án tài chính của dự án, tỉnh Bình Dương đề nghị tỉnh Bình Phước thống nhất về phương án đầu tư. Cụ thể, giai đoạn 1 đoạn từ cầu Gò Dưa - ngã ba Độc Lập (thuộc Bình Dương dài 0,35km, đoạn thuộc TP.Hồ Chí Minh dài 1,65km), thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư đường đô thị cao tốc, đi bằng với quy mô lộ giới 60m. Đoạn từ ngã ba Độc Lập - Vành đai 3 dài khoảng 6,8km, giữ nguyên hiện trạng với quy mô từ 36-43,5m. Đoạn từ Vành đai 3 đến cầu Khánh Vân dài khoảng 7,7km, giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc dự án ĐT743, ĐT747B, tổng bề rộng nền từ 36-38m. Đoạn từ cầu Khánh Vân đến tỉnh Bình Phước dài 45,6km, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài 7km quy mô 4 làn xe.
Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 34 năm. Dự kiến thi công hoàn thành năm 2026. Giai đoạn 2, thực hiện nâng cấp từ 4 làn xe lên 6 làn xe, thực hiện một số giải pháp kỹ thuật như xây cầu vượt, hầm chui, đường nhánh.
Tại buổi làm việc, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, qua đề xuất của UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Phước sẽ báo cáo thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, xem xét bố trí nguồn vốn đoạn cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đoạn đi qua tỉnh Bình Phước dài 7km sẽ do tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng số vốn giải tỏa đền bù và xây lắp là khoảng 1.500 tỷ đồng.
Kết nối, động lực phát triển
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước cũng đã xem xét các điểm kết nối giao thông chính giữa 2 địa phương. Đối với tuyến đường Hồ Chí Minh hai tỉnh tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông - Vận tải để dự án sớm được triển khai. Quốc lộ 13, quốc lộ 13C, tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hai tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện.
Đối với tuyến đường phía tây quốc lộ 13, Bình Dương đề nghị thống nhất quy mô quy hoạch trên địa bàn từng tỉnh, nhằm dự trữ quỹ đất phát triển hạ tầng giao thông về sau. Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Bình Dương, đây là trục giao thông theo hướng Bắc - Nam, cửa ngõ phía Bắc của tỉnh kết nối đô thị Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Song song và ở phía tây là quốc lộ 13 hiện hữu, kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương, Bình Phước đường Vành đai Bắc Mỹ Phước (TX.Bến Cát) đến các cảng thủy nội địa như An Tây, Rạch Bắp.
Qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay, tuyến đường đang được đề xuất quy hoạch với quy mô 8 làn xe. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường này góp phần giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 13, tạo động lực công nghiệp đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 2 tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đối với các tuyến đường tạo lực kết nối giữa các huyện giáp ranh của 2 tỉnh gồm ĐT741, ĐT741C, ĐT749B, ĐT749C, Bình Dương đề nghị hai tỉnh tiếp tục phối hợp quản lý, thực hiện quy hoạch, giữ quy hoạch đồng bộ với quy mô quy hoạch của tỉnh Bình Dương. Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo về các tuyến đường tạo lực kết nối giữa các huyện giáp ranh của 2 tỉnh, Chủ tịch UBND 2 tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải và các huyện, khảo sát tính toán hướng tuyến và phương án kết nối cụ thể đối với các tuyến đường tỉnh và đường huyện giáp ranh của 2 tỉnh, trình UBND 2 tỉnh xem xét giải quyết trong thời gian tới.
Để khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế của Vùng Đông Nam bộ, những năm qua Bình Dương đã không ngừng chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng. Quốc lộ 13 - tuyến giao thông trọng yếu, kết nối liên vùng Đông Nam bộ được đầu tư mở rộng, trở thành động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng. |
PHƯƠNG LÊ