Tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - Bài 1

Cập nhật: 19-09-2016 | 10:01:24

Bài 1: Từ quyết tâm chính trị

Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về tinh giản biên chế (TGBC) và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và đạt được một số kết quả quan trọng. Quá trình thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC được thực hiện công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành.

Ông Trần Văn Nam (ngồi), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra vị trí công việc của CBCCVC tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. (Lúc kiểm tra, ông Trần Văn Nam là Chủ tịch UBND tỉnh) Ảnh: H.VĂN

Quyết liệt chỉ đạo

“Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định…”.

(Trích Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị)

Theo ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, để chủ trương TGBC theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị được thực hiện một cách minh bạch, dân chủ, hiệu quả, Bình Dương đã triển khai xây dựng Đề án TGBC giai đoạn 2015-2021 với trình tự, thời gian hợp lý. Sau khi có nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 81 về triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15 và Kế hoạch số 3396 về việc triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Mới đây, sau khi nghe Sở Nội vụ báo cáo Đề án TGBC tỉnh giai đoạn 2015-2021 theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, đề án TGBC lần này có mục đích cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Đề án sẽ “loại” những CBCCVC không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất ra khỏi bộ máy Nhà nước và chọn lựa những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu quan trọng của đề án là từ năm 2015-2021 phải đạt tỷ lệ tinh giản tối thiểu bằng 10% biên chế của đơn vị được Trung ương, HĐND tỉnh giao năm 2015. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch TGBC bình quân từ 1,5 - 2%. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng CBCCVC sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Thực hiện đề án TGBC lần này phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm túc của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và sự phối hợp, giám sát của các đoàn thể, nhân dân.

Xây dựng vị trí việc làm là một trong những giải pháp hữu hiệu thực hiện tốt đề án TGBC. Trong ảnh: CBCC của UBND xã An Điền, TX.Bến Cát làm việc tại vị trí công tác, tận tình phục vụ người dân giải quyết thủ tục hành chính Ảnh: H.VĂN

Tinh gọn bộ máy

Mục tiêu của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4- 2015 của Bộ Chính trị là TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Những năm gần đây, Bình Dương đã xây dựng được đề án vị trí việc làm, đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, đánh giá, phân loại, bổ nhiệm, luân chuyển CBCCVC. Công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực được quan tâm trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Nhiều CBCCVC không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất được đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước, tuyển chọn những người có trình độ, năng lực chuyên môn cao hơn, đáp ứng yêu cầu công việc để bổ sung vào các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, chất lượng và cơ cấu của đội ngũ CBCCVC có sự chuyển biến tích cực.

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, trong năm 2015, tổng biên chế đã thực hiện là 31.092. Trong đó, tổng biên chế đơn vị hành chính đã thực hiện là 2.273; tổng biên chế đơn vị sự nghiệp đã thực hiện là 25.588; biên chế CBCC cấp xã đã thực hiện là 2.012; biên chế cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, khối đoàn thể, sự nghiệp khối Đảng đã thực hiện là 1.161. Nhìn chung, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển vị trí công tác của CBCCVC bảo đảm thực hiện đúng quy định, đáp ứng tốt yêu cầu của cơ quan, đơn vị.

Để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong những năm qua, UBND tỉnh đã thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực với việc bàn hành chính sách đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh gồm 4 nội dung lớn: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng trong nước; chính sách cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; chính sách thu hút nguồn nhân lực và chính sách đãi ngộ người có trình độ đại học về công tác ở xã, phường, thị trấn. Việc triển khai thực hiện tốt các chính sách này trong những năm qua đã giúp tỉnh đào tạo, bồi dưỡng bổ sung một số CBCCVC có đủ trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Thực tế hiện nay, số cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh là 16 đơn vị, số đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy là 3 đơn vị. Ở các huyện, thị, thành phố là 9 đơn vị. Toàn tỉnh có 18 sở và 4 cơ quan được xếp tương đương sở là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND tỉnh, Ban Quản lý các KCN Bình Dương và Ban Quản lý KCN VSIP. Ở 9 huyện, thị, thành phố đều tổ chức thống nhất 12 phòng và tương đương. Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh gồm 6 cơ quan. Sự nghiệp thuộc các sở, ngành gồm 132 đơn vị. Sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện là 347 đơn vị. Nhìn chung, tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, bảo đảm vai trò quản lý và cung cấp dịch vụ công trên các lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Để sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đề án lần này khẳng định việc hạn chế thấp nhất việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát, sắp xếp giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp có chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động có sự tương đồng, liên kết hoặc có thể hỗ trợ, phối hợp với nhau; đồng thời tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm đối với khối Nhà nước và các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Thường trực Tỉnh ủy khuyến khích chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính hoặc cổ phần hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện; chuyển đổi cơ chế tài chính của các đơn vị có khả năng về nguồn thu sang tự bảo đảm toàn bộ về kinh phí hoạt động theo lộ trình... (Còn tiếp)

 

 HỒ VĂN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=829
Quay lên trên