Tình người nơi nhà trọ - Bài 1

Thứ sáu, ngày 06/11/2015

Bài 1: Những chủ nhà trọ nặng ân tình

Nhiều năm qua, Bình Dương đã thu hút một lượng lớn người lao động (NLĐ) đến làm ăn, sinh sống. Để giải quyết vấn đề chỗ ở cho NLĐ, nhiều khu nhà trọ đã được xây dựng. Điều đáng quý là nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến cuộc sống của người đến thuê trọ, họ có những việc làm mang tính nhân văn, sâu nặng nghĩa tình bằng cách giúp đỡ nhiều người ở trọ khó khăn vượt qua nghịch cảnh, ổn định cuộc sống. Đc biệt, nhiều chủ trọ đã giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ đóng góp tích cực vào công tác xã hội ở địa phương mình đang tạm trú.


Chứng kiến sự đổi thay của gia đình anh Đặng Văn Học, ông Hồ Văn Định
(bìa trái) tỏ ra rất vui

Nghĩa tình

Theo lời giới thiệu của một cán bộ phường Bình Hòa, TX.Thuận An, chúng tôi tìm đến khu nhà trọ gần 30 phòng của ông Hồ Văn Định, nằm trên tuyến đường ĐT743C, thuộc KP.Bình Đức 1, phường Bình Hòa. Tiếp chúng tôi, ông Hồ Văn Định trải lòng: “Trước đây tôi là cán bộ của Trung tâm Y tế TX.Thuận An. Sau khi về hưu, gia đình tôi tiếp tục đầu tư, mở rộng khu phòng trọ cho thuê. Quan điểm sống của gia đình tôi là khu trọ chính là mái nhà chung. Để mọi người trong khu trọ sống với nhau bằng chữ tình, trước hết chủ trọ phải chuẩn mực về đạo đức và lối sống, nhất là phải thể hiện được việc quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người đến thuê trọ”.

Nhiều năm qua, ông Hồ Văn Định được nhiều người đến ở trọ quý trọng, tin yêu và họ đã xem ông như một người “cha” trong một mái nhà chung. Bởi, từ cách nghĩ đến cách làm, bản thân ông Định luôn thể hiện sự gần gũi, thân thiện, giúp đỡ được nhiều nữ công nhân “vượt cạn”, cho đến chuyện xin việc làm cho nhiều thanh niên ở trọ tại đây.

Đơn cử, hơn 10 năm trước, vì cuộc sống khó khăn, từ tỉnh An Giang, vợ chồng anh Đặng Văn Học (SN 1972) đến Bình Dương xin việc, tạm trú trong khu phòng trọ của gia đình ông Định. Thấy vợ chồng anh Học thật thà, chất phác lại có bằng cấp nhưng phải chật vật với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Bằng mối quan hệ của mình, ông Hồ Văn Định đã xin cho vợ chồng anh Học vào làm việc ở Trung tâm Y tế TX.Thuận An. Có được việc làm ổn định, sau thời gian tích góp, đến nay vợ chồng anh Học đã mua đất cất nhà ở KP.Bình Giao, phường Thuận Giao, TX.Thuận An.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới xây tương đối đầy đủ tiện nghi, anh Học nói: “Nếu Bình Dương là “vùng đất hứa” thì gia đình “bố Định” là những người đã giúp chúng tôi lật được “trang sử mới cho cuộc đời”. Trước đây tôi đâu dám mơ đến một ngày mình sẽ có được mảnh đất để cất nhà ở Bình Dương, bởi cuộc sống lúc ấy quá nghèo vì không có việc làm ổn định. Những gì tôi có được ngày hôm nay là nhờ vào “bố Định”.

Tương tự, đến thăm dãy trọ 100 phòng của bà Nguyễn Thị Hoa (67 tuổi), ở KP.Bình Đường 3, phường An Bình, TX.Dĩ An chúng tôi được nhiều người tạm trú tại đây kể về những việc bà chủ trọ đã giúp đỡ họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người trong khu trọ gọi bà Hoa là “bà ngoại”. “Hễ thấy người trong khu trọ gặp khó khăn, “bà ngoại Hoa” đến giúp đỡ về tinh thần và vật chất. Tôi gắn bó với căn trọ này đã hơn 10 năm nên đã chứng kiến nhiều việc làm tốt của “bà ngoại Hoa” khiến người đến ở trọ cảm động. Vì thế, chúng tôi xem bà chủ nhà như bà ngoại”, anh Trần Văn Nam, tạm trú hơn 10 năm trong khu trọ của bà Hoa nói.

Khi chúng tôi đi thăm quan khu trọ thì gặp lúc lũ trẻ đi học về, nhìn thấy bà Hoa, bọn chúng đều vòng tay: “Thưa bà ngoại Hoa cháu đi học về ạ!”. Bà Hoa tiếp chuyện: “Trước đây gia đình tôi rất nghèo nên mỗi thành viên trong gia đình đều nếm đủ “mùi vị” của sự khổ cực. Kể từ ngày địa phương mọc lên nhiều khu công nghiệp, thu hút NLĐ đến làm việc cần có nơi tạm trú, gia đình tôi đem sổ đỏ đất đến ngân hàng cầm cố để vay tiền về xây phòng trọ cho thuê nên cuộc sống dần dần được cải thiện. Từ đó, hễ thấy người ở trọ gặp khó, bản thân tôi lại thấy giống hoàn cảnh của gia đình mình trước đó nên vào cuộc giúp đỡ. Vì thế, tôi luôn xem những người đến đây ở trọ như một thành viên trong gia đình”.

Xuất phát từ tinh thần “Thương người như thể thương thân”, thấy ông Nguyễn Thành Trung, Hiền Tý và bà Nguyễn Thị Bé Nga (đều quê Đồng Tháp) là những người khuyết tật đang sống trong khu trọ nhà mình gặp khó khăn trong việc đi lại, bà Hoa đã mua 3 chiếc xe lăn để tặng. Ngoài ra, bà Hoa cũng giảm giá tiền trọ, tiền nước, tiền điện cho những người trong khu trọ gặp khó khăn để họ có thêm điều kiện sinh hoạt trong cuộc sống. Đáng nói là ngay tại khu trọ của bà Hoa lúc nào cũng để trống 4 phòng, theo bà Hoa thì 4 phòng này dành cho những người lỡ đường, chưa tìm được nơi tạm trú vào đó qua đêm. Những căn phòng này đều không thu tiền trọ.

Giúp người trong lúc nguy nan

Có dịp đến thăm khu nhà trọ “kiểu mẫu” của bà Trần Thị Thanh Hương (tổ 16, KP.1, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi được nghe những người tạm trú tại đây kể về những việc làm tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn ở khu trọ này. Đơn cử, giữa năm 2015, ông Nguyễn Tiến Đ. (quê Bình Phước), tạm trú trong khu trọ bà Hương lâm bệnh nặng, với vai trò là chủ trọ, bà Hương đã đứng ra quyên góp tiền giúp đỡ cho ông Đ. Bà Hương đã vận động những người tạm trú ở khu trọ thay phiên nhau chăm sóc cho ông Đ. trong thời gian chữa bệnh.

Chia sẻ về tinh thần tương thân tương ái, bà Hương cho biết: “Gia đình tôi quản lý trên 50 phòng trọ. Để người đến thuê trọ hiểu nhau và sẵn sàng chia sẻ với nhau trong những lúc khó khăn nhất định, tôi phải tập hợp được nhiều người trong khu trọ sống với nhau bằng tình cảm là trên hết. Hễ có một người đau ốm nặng thì tập thể khu phòng trọ đều chung tay giúp đỡ. Theo tôi, cuộc sống rất cần đến tình cảm để giải quyết những vấn đề khó khăn. Để quản lý tốt được mô hình nhà trọ “kiểu mẫu”, bản thân tôi phải thể hiện được sự thân thiện đối với những người đến ở trọ và sẵn sàng chia sẻ với họ trong lúc khó khăn. Như thế, mỗi ngày mọi người sẽ xích lại gần nhau hơn!”.

Về KP.Bình Quới A, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, chúng tôi được người dân địa phương kể chuyện hỗ trợ tiền, giúp đỡ nhiều trường hợp là công nhân xa quê gặp phải những khó khăn khi ốm đau. Đơn cử như trường hợp của chị Đặng Thị Thao, Vũ Thị Mỹ (đều quê Thái Bình) và Phạm Thị Phượng (quê Hà Tĩnh) đau ốm không có tiền để chạy chữa khiến cuộc sống khó khăn. Họ được chủ trọ đứng ra tổ chức quyên góp được hàng chục triệu đồng để giúp đỡ. Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Lượt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.Bình Quới A, cho biết: “Lâu nay, quan điểm của chúng tôi là người thường trú hay người tạm trú đều như nhau cả. Bởi, khi NLĐ đến địa phương tạm trú để tham gia lao động sản xuất đều góp phần vào việc xây dựng cho địa phương phát triển. Vì thế chúng tôi phải có trách nhiệm đối với họ, nhất là trong những lúc ốm đau, tai nạn”.

Để có thông tin cho bài viết, chúng tôi đã trò chuyện với nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn tỉnh về việc giúp đỡ những NLĐ gặp khó, tất cả đều cho rằng: Nhìn những NLĐ tạm trú ở khu nhà trọ gặp khó khăn về vật chất, chủ nhà trọ thấy có hình ảnh của mình trong đó. Vì thế, việc giúp đỡ, tạo điều kiện tốt cho người tạm trú như một trách nhiệm của các chủ nhà trọ trong cộng đồng xã hội.

 

T.QUANG - H.PHƯỚC

Bài 2: Giúp người ở trọ làm lại cuộc đời