Thordarson, 20 tuổi đã gặp đại diện của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) 4 lần ở bên ngoài Iceland và một lần ở Washington DC. Trong lần gặp cuối cùng ở Arlington, bang Virginia, vào tháng 3-2012, Thordarson trao cho đặc vụ FBI 8 đĩa cứng chứa đựng 2.000 trang chat log, những ảnh chụp và video thực hiện ở Anh của Assange khi anh đang bị quản thúc tại nước này, cùng với rất nhiều dữ liệu quan trọng của Wikileaks.
Thordarson (trái) và Julian AssangeHoạt động ngầm của Thordarson cho thấy chính quyền Mỹ từ lâu đã quan tâm theo dõi Assange và Wikileaks - tổ chức khai thác những bí mật quốc gia và ủng hộ Edward Snowden, nhân vật làm lộ chương trình gián điệp Prism của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Thordarson - gia nhập Wikileaks vào tháng 2-2010 và nhanh chóng chiếm được lòng tin của Assange - nằm trong đội ngũ đông đảo các tình nguyện viên người Iceland hợp tác với Assange sau khi trang web bắt đầu tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính ở Iceland. FBI từ chối bình luận về vai trò của Thordarson.
Hiện thời vẫn chưa rõ động cơ thúc đẩy Thordarson quay sang chống lại Wikileaks và Julian Assange. Câu chuyện bắt đầu vào ngày 23-8-2011, khi đó một thanh niên tên là Sigurdur "Siggi" Thordarson tìm đến Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Reykjavik, Iceland cùng với bản sao hộ chiếu của Julian Paul Assange (ông chủ của trang Wikileaks) và của Kristinn Hrafnsson (nhân vật số 2 của Assange).
Thordarson đề nghị được làm việc cho Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhưng một quan chức Đại sứ quán Mỹ chỉ hứa hẹn sẽ có câu trả lời sau ít nhất một tuần. Và 3 tháng sau đó, Thordarson - tình nguyện viên thân cận nhất của Assange - bắt đầu làm việc cho cả hai tổ chức, bí mật cung cấp mọi thông tin về trang Wikileaks cho FBI để đổi lấy số tiền 5.000 USD.
Đặc vụ FBI đề nghị Thordarson mang một chiếc đồng hồ đeo tay gắn thiết bị nghe lén để thu thập thông tin cá nhân Assange nhưng anh từ chối vì lý do: "Tôi thích Assange và thậm chí coi anh ấy là bạn nên không muốn làm theo cách này!”. Cũng vì sự lập lờ nước đôi này mà Thordarson bị cho là kẻ nói dối và "bệnh hoạn".
Tháng 11-2011, Wikileaks sa thải Thordarson sau khi phát hiện anh ta biển thủ 50.000 USD từ cửa hàng trực tuyến bán áo thun mang tên Wikileaks. Sau vụ đổ bể tài chính này, Thordarson không còn tiếp tục làm việc cho FBI nữa. Hiện nay, Thordarson đang đối mặt với những cáo buộc chống lại anh liên quan đến thuế và tài chính ở Iceland.
Julian Assange và tiết lộ hồ sơ mật về cuộc chiến tranh ở Iraq.
Julian Assange chào đời năm 1971 tại thành phố Townsville, bang Queensland miền Bắc Australia và trải qua tuổi thơ đầy biến động rày đây mai đó. Trang tiết lộ thông tin nhạy cảm Wikileaks được thành lập năm 2006 và Assange là người phát ngôn dữ dội nhất vì lợi ích của trang web.
Tháng 6-2010, Assange cùng với vài người khác nằm trong danh sách ban tư vấn của Wikileaks. Trong khi giới truyền thông thế giới mô tả Assange là "giám đốc" hay "người sáng lập" Wikileaks, bản thân Assange phát biểu: "Tôi không tự gọi mình là người sáng lập (Wikileaks)" và tự mô tả mình chỉ là "chủ biên" hay "tổng biên tập" trang web. Assange tự hào Wikileaks đã tiết lộ những thông tin mật nhiều hơn phần còn lại của báo chí thế giới gộp lại.
Wikileaks từng công bố tài liệu về những vụ giết người ngoài pháp luật ở Kenya, một báo cáo về việc đổ rác thải độc hại ra môi trường bờ biển Côte d'Ivoire (Bờ biển Ngà)… Tổng cộng, Wikileaks tiết lộ khoảng 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ, hơn 90.000 trang tài liệu mật của chính quyền Mỹ về chiến tranh Afghanistan và 400.000 hồ sơ về chiến tranh Iraq.
Nhà nghiên cứu về ảnh hưởng của Internet, Suelette Dresyfus mô tả Assange là "nhà nghiên cứu tài năng đặc biệt". Do tính chất bí mật của công việc cho nên Assange có cuộc sống rất thầm lặng và hiếm khi xuất hiện trước công chúngã.
Tháng 9-2010, do thiếu nhân sự nên Assange giao cho Thordarson quản lý chatroom của Wikileaks để tuyển chọn những tình nguyện viên mới, tiếp xúc với các nhà báo và nguồn thông tin tiềm tàng cũng như các nhóm chống đối trang web. Trong vai trò này, Thordarson là người trung gian trong các cuộc thương lượng với Quỹ bảo vệ Bradley Manning và từ đó dẫn đến việc Wikileaks tài trợ 15.000 USD để bênh vực cho nguồn thông tin quý báu này.
Quỹ bảo vệ Bradley Manning được thành lập để ủng hộ cựu chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ bị buộc tội tiết lộ các tài liệu mật về vụ một chiếc máy bay trực thăng Apache của Mỹ giết chết 12 dân thường và hai phóng viên Reuters tại thủ đô Baghdad của Iraq năm 2007. Người ta cũng tin rằng Thordarson là người quản lý một tình nguyện viên phụ trách dự án của Wikileaks gọi là "Kissinger cables" có mục đích thu thập mọi thông tin liên quan đến các nhà ngoại giao trong thập niên 70 thế kỷ trước.
Thordarson cho biết trong thời gian làm việc cho Wikileaks, anh đã thu thập được hàng ngàn trang chat log và sau đó tất cả được chuyển giao cho FBI. Thordarson, không chỉ phản bội Wikileaks mà còn phản bội cả Julian Assange, sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích cũng như những tranh cãi liên quan đến pháp lý.
Birgitta Jonsdottir, thành viên Nghị viện Iceland làm việc với Wikileaks về vụ giết người bên lề - tiết lộ của Wikileaks về một vụ tấn công của máy bay trực thăng vũ trang Apache của quân đội Mỹ ở Iraq do Bradley Manning cung cấp, tuyên bố: "Tôi đã có cảnh báo đến Julian Assange về chàng trai (Thordarson) đồng thời yêu cầu không cho anh ta tham gia vào đội điều tra vụ giết người bên lề".
Theo ANTG