Tinh thần học tập suốt đời ngày càng lan tỏa

Thứ hai, ngày 19/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trong quá trình phát triển, Bình Dương không chỉ nổi bật bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn ghi dấu ấn trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đặc biệt là công cuộc xây dựng xã hội học tập. Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ các cấp chính quyền và sự chung tay của toàn xã hội, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, khuyến học - khuyến tài ngày càng gặt hái nhiều kết quả. Đáng mừng là tinh thần học tập suốt đời ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

 Lãnh đạo tỉnh trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho con công nhân. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 Lan tỏa phong trào học tập

Những năm qua, Bình Dương đã thực sự tạo nên một phong trào học tập sâu rộng trong nhân dân bằng sự quyết liệt trong tuyên truyền, tổ chức hoạt động và lan tỏa giá trị học tập suốt đời. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam... được tổ chức định kỳ, gắn với thực tiễn và nhu cầu của cộng đồng. Những mô hình “Công dân học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Gia đình học tập” không chỉ là danh hiệu mà đã dần trở thành thước đo văn hóa và nhận thức trong xã hội.

 Phong trào khuyến học tại Bình Dương phát triển mạnh mẽ với 3.366 chi, tổ hội khuyến học và Quỹ khuyến học - khuyến tài đạt khoảng 75 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2023, 100% xã, phường, thị trấn đạt loại tốt mô hình “Cộng đồng học tập”; 440 đơn vị được công nhận ở cấp huyện, 58 đơn vị được công nhận ở cấp tỉnh là “Đơn vị học tập” loại tốt.

Theo ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Bình Dương, xây dựng xã hội học tập không phải là phong trào nhất thời, mà là một hành trình bền bỉ. “Chúng tôi luôn nỗ lực đưa khuyến học - khuyến tài đến từng khu phố, từng hộ dân, nhất là nhóm yếu thế. Học tập không còn là đặc quyền của tuổi trẻ, mà là quyền lợi suốt đời của mỗi công dân trong xã hội hiện đại”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh việc phổ biến các chính sách hỗ trợ học tập, Bình Dương còn đặc biệt chú trọng truyền cảm hứng và lan tỏa các giá trị tích cực. Những câu chuyện về tấm gương vượt khó, hay các buổi sinh hoạt chuyên đề tại trung tâm học tập cộng đồng là minh chứng sống động cho tinh thần học không ngừng nghỉ và cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người dân. Nhờ được chú trọng nên phong trào khuyến học thời gian qua đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Toàn tỉnh hiện có 3.366 chi, tổ hội khuyến học hoạt động tích cực, cùng với Quỹ khuyến học - khuyến tài quy mô khoảng 75 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2023, toàn bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt loại tốt mô hình “Cộng đồng học tập”; đồng thời, 440 đơn vị được công nhận ở cấp huyện và 58 đơn vị ở cấp tỉnh là “Đơn vị học tập” loại tốt.

Đặt nền móng cho tương lai phát triển

Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và xây dựng xã hội học tập tại Bình Dương không chỉ là mục tiêu riêng của ngành giáo dục, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, bảo đảm phân công nhiệm vụ rõ ràng, kiểm tra định kỳ và điều chỉnh giải pháp sát thực tiễn.

 Nhờ tổ chức chu đáo, những hoạt động văn hóa trong tỉnh luôn thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia, giúp lan tỏa văn hóa đọc, góp phần hình thành xã hội học tập. Ảnh: HỒNG THUẬN

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết tỉnh xem việc xây dựng xã hội học tập là một phần cốt lõi trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, kiểm tra chuẩn phổ cập và ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Mục tiêu đến năm 2030, tất cả các huyện, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Đây làmột thách thức nhưng cũng là động lực để đổi mới toàn diện.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định rõ các chỉ tiêu dài hạn đến năm 2030, là: 60% dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật; trong đó 15% đạt trình độ đại học trở lên. Bình Dương cũng tích cực tham gia vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do UNESCO điều hành, từng bước quốc tế hóa công tác học tập suốt đời.

Bình Dương vẫn đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là thiếu đội ngũ chuyên trách trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và sự hoạt động chưa đồng đều của một số trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị và tầm nhìn chiến lược, Bình Dương đang từng bước tháo gỡ các “nút thắt” để tiến xa hơn với sự gắn kết đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cũng như nhà trường, gia đình và toàn xã hội nhằm tạo nền tảng vững chắc cho hành trình xây dựng xã hội học tập.

 Đến năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu 60% công dân đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 70% lao động có kỹ năng sống và kỹ năng thông tin; 60% dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỉnh cũng hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, triển khai đại học số và chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục - đào tạo.

 MINH HIẾU - KHẮC THỊNH