Tinh thần mới, diện mạo mới cho văn chương

Cập nhật: 29-02-2024 | 06:57:52

Giải thưởng văn học năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam đã mang đến cho cho đời sống văn chương một tinh thần, diện mạo mới.

 Những tác giả sáng tạo ra các tác phẩm đều là người bản lĩnh, dám vượt qua cái cũ kỹ, lối mòn để tìm cho mình một lối đi riêng, “chạm” vào trái tim bạn đọc.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tổng kết giải thưởng

Bản lĩnh của văn học

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: Nhìn tổng quát, Giải thưởng Văn học năm 2023 nổi lên một đặc điểm, đó chính là bản lĩnh. Bản lĩnh người sáng tạo và bản lĩnh hội đồng lựa chọn. Những tác phẩm được trao giải năm nay cho thấy quan điểm cởi mở đầy can đảm của Ban chấp hành, thể hiện cụ thể ở các hạng mục. Với thơ, việc trao giải thưởng cho tập thơ “Đồng sen tàn” của tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành, trước hết là ghi nhận chất lượng của một tập thơ với nhiều những bài độc lạ đạt đến độ "thần tình". Bên cạnh đó là tôn vinh thành tựu của một tác giả đang chạm tới "độ chín" trên mọi phương diện, cả nhân sinh quan lẫn kỹ thuật thể hiện. Sâu xa hơn nữa, trao giải thưởng cho “Đồng sen tàn” còn là sự ghi nhận bản lĩnh của một thi sĩ không nao núng trong sáng tạo trước những thách thức của thể loại truyền thống, vốn đã có đỉnh cao về thành tựu.

Ở hạng mục văn xuôi, hội đồng giám khảo đã trao giải thưởng cho 3 tác phẩm, gồm hai tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà, “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một và tập truyện ngắn “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, việc trao cùng lúc ba tác phẩm với ba phong cách khác nhau, thậm chí ba quan niệm nghệ thuật khác nhau, cho thấy tinh thần phóng khoáng của Ban chấp hành trong nhìn nhận, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách nghệ thuật. Nhìn cụ thể ở từng tác phẩm, ta sẽ thấy, bằng bản lĩnh người viết, mỗi tác giả đều mang đến dấu ấn riêng biệt trong sáng tác. Theo đó, “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà cho thấy bản lĩnh của người nắm chắc kỹ thuật, dám bước những bước dài tới sự pha trộn thể loại để tìm ra công thức riêng để phản ánh những vấn đề nhân sinh trong xã hội đương thời lẫn mĩ cảm nghệ thuật. “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một thể hiện bản lĩnh qua góc nhìn nhận độc lập, khách quan trước những vấn đề vốn đã được mặc định, từ đó soi chiếu về sự tồn tại đầy kiên cường, đầy tính may rủi của cá nhân con người trong những giai đoạn, tình thế lịch sử bất trắc, hiểm nguy. “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế can đảm ở sự phá vỡ cấu trúc câu và làm mới ngôn ngữ theo cách của riêng mình mà vẫn tạo được sự thấu cảm với người đọc.

 “Việc lựa chọn trao cho cùng lúc cả ba tác phẩm cũng thể hiện bản lĩnh của Ban chấp hành, bởi động thái này, dù muốn hay không, cũng phần nào khiến giới yêu văn học có dịp gợi liên tưởng và so sánh với sự kiện trao giải văn xuôi năm 1991, cách đây 33 năm”, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.

Ở hạng mục văn học thiếu nhi, tác phẩm “Cá linh đi học” của Lê Quang Trạng nhận được thiện tình xuyên suốt từ sơ khảo đến chung khảo đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, khi tác phẩm đạt đến chất lượng nhất định cũng sẽ đạt đến sự đồng thuận cao. Tác phẩm đoạt giải thể hiện bản lĩnh của người viết, mạnh dạn, can đảm bước vào địa hạt mà trước đó còn là mới lạ bằng một câu chuyện dài.

Giải thưởng hạng mục lí luận phê bình được trao cho tác phẩm “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” cũng chính là trao cho bản lĩnh chuyên nghiệp với tính chất công trình chuyên khảo sâu, bề thế, bài bản, thoát khỏi cảm giác sản phẩm ngẫu hứng hay sản phẩm tập hợp từ các bài viết lẻ vụn vặt.

Ở hệ thống giải thưởng Tác giả trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết, năm nay, số lượng tác phẩm tham gia xét giải khá khiêm tốn, dừng ở con số 14, trong đó văn xuôi 6 tác phẩm, thơ 7 tác phẩm và lí luận phê bình 1 tác phẩm. Hội đồng chấm giải đã chọn tiểu thuyết giả tưởng “Nhân sinh kép: sống hai cuộc đời” của  tác giả Đức Anh để trao giải duy nhất trong năm - một lần nữa tái khẳng định quan điểm của Ban chấp hành về ưu tiên khích lệ những tìm tòi, thử nghiệm của người viết trẻ. “Với trường hợp của Đức Anh, qua tác phẩm này, có thể khẳng định sớm rằng đây là tác giả có can đảm, có ý thức tìm kiếm cho mình một lối đi cá biệt, điều vô cùng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật”, nhà văn Nguyễn Bình Phương đánh giá.

Vẫn còn những khoảng trống

Đánh giá về hệ thống Giải thưởng văn học thường niên và Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương cho biết, với con số 179 tác phẩm tham dự, số lượng về cơ bản vẫn giữ ổn định, có sự phân bố khá đều ở hai thể loại thơ và văn xuôi còn lí luận phê bình có giảm hơn một chút so với mọi năm trước. Tuy nhiên, ở Giải thưởng Tác giả trẻ, con số 14 tác phẩm dự giải cho thấy sự sụt giảm đáng kể về số lượng, đáng để suy nghĩ. Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, mặc dù xác định rằng sáng tác văn học không phải là chu trình đều đều, có thăng, có giáng, nhưng Ban chấp hành vẫn cần có những tìm hiểu, phân tích, đánh giá về hiện tượng giảm sút này cho thấu đáo.

Bên cạnh sự chính xác, thậm chí là đầy đặn của một số hạng mục, thì năm nay vẫn có những khoảng hẫng hụt. Việc để trống giải thưởng cho văn học dịch năm 2023, theo nhìn nhận, đánh giá của nhiều người, là điều khá đáng tiếc, bởi nó chưa phản ánh đúng so với thực trạng bề rộng phong phú của số lượng cũng như bề sâu về chất lượng dịch trong năm.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, lâu nay, số lượng tác phẩm văn học dịch rất nhiều, trong đó có những tác phẩm kinh điển, nổi tiếng trên thế giới, nhưng đa số là các tác phẩm mang tính thị trường, phù hợp với bạn đọc. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam coi văn học dịch là một phần quan trọng, bởi ngoài việc đọc của bạn đọc, văn học dịch cũng sẽ tác động vào chính các sáng tác của văn học Việt Nam khi họ đối chiếu, so sánh...

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, trong các tác phẩm dịch, có những tác phẩm rất tốt, nổi tiếng và được giải thưởng cao như giải Nobel, nhưng bản dịch tiếng Việt chưa thật thuần Việt. Có tác phẩm nổi tiếng nhưng lại có điểm không phù hợp với đời sống ở trong nước nên không thể trao giải được.

Ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng, việc dịch một tác phẩm văn học nước ngoài để xuất bản ở nước ta phải phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam, bởi chúng ta không thể truyền bá những điều đi ngược với phong tục hay ngược đạo đức, tâm lý người Việt. Chính vì thế đôi khi số lượng tác phẩm văn học dịch trong một năm của các nhà xuất bản rất nhiều nhưng việc chọn lựa để trao giải thưởng chính xác, phù hợp là không dễ dàng. Ông kỳ vọng thời gian tới, các nhà xuất bản sẽ chọn được những tác phẩm tốt và đầu tư dịch, biên tập kỹ lưỡng, để hạng mục giải thưởng văn học dịch không bị bỏ trống như năm nay.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, khẳng định, các tác giả đoạt giải thưởng năm 2023 đã mang đến cho đời sống văn chương một tinh thần mới, một diện mạo mới, một con đường mới. Các tác giả đều là những người bản lĩnh, dám vượt qua cái cũ kỹ, lối mòn, bức tường của quá khứ để tìm cho mình một lối đi riêng “chạm” vào trái tim bạn đọc.

Khuynh hướng chủ đạo của các sáng tác văn học Việt Nam trong năm 2024 vẫn là các nhà văn tạo ra niềm tin cho con người trong đời sống đầy thách thức hiện nay. Các nhà văn phải đi tìm những vẻ đẹp, niềm hy vọng lớn lao ẩn khuất trong mọi mặt của đời sống xã hội để thể hiện trong tác phẩm của mình. “Sứ mệnh của nhà văn là phải làm cho mọi người nhìn thấy và tìm thấy vẻ đẹp ở ngay chính nơi chốn mà họ cảm thấy đang thất vọng. Nhà văn và các tác phẩm phải luôn hướng về điều đó”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=470
Quay lên trên