Tinh thần tốt, trải nghiệm cuộc sống tốt

Cập nhật: 10-10-2023 | 09:07:29

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới. Năm nay, chủ đề “Sức khỏe tâm thần là quyền của mỗi người” được chọn nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và thúc đẩy các hành động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần của mỗi người.

 Tăng cường hoạt động thể chất là một trong những giải pháp để dự phòng và nâng cao sức khỏe tâm thần

 Người trẻ mắc bệnh ngày càng tăng

Hiện nay, vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp ở 14,9% dân số, tương ứng với gần 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác. Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 40 giây, trên thế giới có 1 người tự tử, tương đương 804.000 trường hợp tự tử mỗi năm. Gần 80% trong số đó có liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần, mà trầm cảm là phổ biến nhất. Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.

Trước những áp lực của cuộc sống hiện đại, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc các bệnh về rối loạn sức khỏe tâm thần ngày càng tăng. Việc giúp đỡ những người trẻ có kỹ năng sống để thích ứng với cuộc sống cần sự quan tâm hơn nữa của các bậc phu huynh, nhà trường và toàn xã hội. Hỗ trợ tâm lý xã hội có thể được cung cấp trong trường học và các cơ sở cộng đồng, sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức xã hội, y tế và giáo dục rất quan trọng. Sự đầu tư này cần có sự liên kết chặt chẽ để nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, giúp phụ huynh, giáo viên hiểu cách hỗ trợ học sinh, con em mình.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Phan Đăng Cửu, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Nhiều người vẫn nghĩ “rối loạn sức khỏe tâm thần” là “thần kinh phân liệt”, nhưng thực tế nó là thuật ngữ dùng chung cho rất nhiều vấn đề liên quan đến tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, mất trí nhớ hoặc rối loạn ăn uống. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, bao gồm di truyền, sinh học, thói quen sinh hoạt và những tác động từ môi trường bên ngoài. Sức khỏe tâm thần có thể được đánh giá bởi bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học và nhân viên công tác xã hội. Tuy nhiên, chỉ có bác sĩ chuyên khoa tâm thần có chuyên khoa sâu về lĩnh vực tâm thần mới có kỹ năng điều trị, tư vấn cho bệnh nhân tốt hơn”.

10 hành động nâng cao sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của mỗi người. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi, hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể với môi trường bên ngoài. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần, các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất. Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần đang ngày càng được quan tâm hơn. Sức khỏe tâm thần liên quan đến lời nói, hành vi, cảm xúc và tâm lý của một người. Một tinh thần tốt giúp mỗi chúng ta trải nghiệm cuộc sống tốt hơn; luôn tràn đầy năng lượng, vượt qua khó khăn và đương đầu với những vấn đề của cuộc sống một cách tích cực.

Mỗi người cần tăng cường nhận thức về sức khoẻ tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có như vậy thì việc điều trị bệnh tâm thần mới đạt được những hiệu quả khả quan. Bên cạnh đó, mỗi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe và có những sẻ chia với mọi người xung quanh.

Để dự phòng và nâng cao sức khỏe tâm thần, bác sĩ Phan Đăng Cửu khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt 10 hành động sau:

1. Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân.

2. Tăng cường hoạt động thể chất.

3. Ăn uống lành mạnh.

4. Nghỉ ngơi đầy đủ.

5. Sử dụng đồ uống hợp lý.

6. Giữ liên lạc với người xung quanh.

7. Làm những công việc mà mình có khả năng.

8. Chấp nhận bản thân dù bạn là ai.

9. Đề nghị sự trợ giúp khi cần.

10. Quan tâm đến những người khác.

 Khi gia đình phát hiện người thân có dấu hiệu rối loạn tâm thần cần phải đến cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Phát hiện sớm bệnh tâm thần quyết định đến hơn 50% kết quả điều trị. Phát hiện sớm bệnh tâm thần giúp cho việc điều trị nhẹ nhàng hơn và hiệu quả nhanh hơn, đồng thời giảm khả năng người bệnh đi đến mạn tính, tàn phế. Phát hiện sớm và dự phòng các rối loạn tâm lý - tâm thần có ý nghĩa trong việc hạn chế nguy cơ suy giảm nhận thức và giao tiếp xã hội; kiểm soát tình trạng lạm dụng các chất gây nghiện (rượu, ma túy…); làm giảm tác hại của stress cấp; giảm lạm dụng các thuốc hướng thần.  

 HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên