Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc đã cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi về đề xuất tăng giá than bán cho ngành điện. Tuy nhiên, ông Phúc khẳng định, Chính phủ bảo đảm mục tiêu bình ổn giá của năm 2010.
Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, nếu giá than nội địa chỉ bằng 70% giá thế giới thì giá điện cũng thấp và như vậy sẽ không chỉ là bao cấp cho người dân mà cả doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra một mặt bằng cạnh tranh không bình đẳng, trong khi doanh nghiệp than bị lỗ.
Vì vậy, từng bước trong quí I-2010, tuỳ theo thu nhập của người dân, sẽ tính toán điều tiết giá điện cho hợp lí. Chính phủ sẽ tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá điện cho 20% hộ nghèo.
Lắp đặt, bảo quản đường dây tải điện (Ảnh: Anninhthudo)
Về mối lo giá cả tăng theo giá điện, ông Phúc khẳng định, Chính phủ đảm bảo mục tiêu bình ổn giá của năm 2010 là mục tiêu quan trọng vì Quốc hội đã đặt ra chỉ tiêu lạm phát không quá 7%.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ sung thêm, trong phiên họp với các bộ, ngành tháng 8-2009, Thủ tướng đã kết luận, giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, đảm bảo giá xuất khẩu và giá thị truờng trong nước chênh lệch ở mức phù hợp để thúc đẩy sử dụng tiết kiệm than, đổi mới công nghệ và ngăn chặn việc gian lận, buôn lậu than.
Trong đó, riêng than bán cho điện cần tính toán cụ thể để đảm bảo đến năm 2010 thực hiện cơ chế giá thị trường.
Về phương thức tính, theo Bộ trưởng Hoàng, trên cơ sở giá thành khai thác than cộng với lãi suất hợp lí sẽ ra giá thị trường. “Phương án của TKV mới là đề xuất, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ KH-ĐT sẽ nghiên cứu rồi báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định giá than cho điện trong năm 2010”, ông Hoàng cho biết.
Trả lời câu hỏi về mối lo ngại khoáng sản thô vẫn tiếp tục được xuất khẩu, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận, thời gian gần đây một số địa phương tiếp tục đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét xuất khẩu một số khoáng sản thô.
Theo ông Hoàng, trong những năm vừa qua một số doanh nghiệp và một số địa phương tận thu khoáng sản ở qui mô nhỏ góp phần giải quyết khó khăn trong tạo việc làm, thu nhập, nhất là cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng núi.
Khi có chủ trương tạm dừng xuất khẩu của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp khai thác gặp khó khăn, bởi thực tế có sự tồn đọng của một số khoáng sản không tiêu thụ được, trong khi các cơ sở chế biến của chúng ta chưa đủ khả năng để tiêu thụ.
Ví dụ khai thác Apatit, quặng 1 và quặng 4 được đưa vào tuyển và sản xuất phân bón, nhưng quặng 3 chưa có công nghệ tuyển nên tồn đọng, trong khi có thể xuất khẩu.
Chính vì vậy, Tổng Công ty hoá chất Việt Nam có đề nghị tạm thời cho phép xuất tiếp quặng 3 đang tồn đọng. Việc này cũng nhằm giải quyết thu nhập cho cán bộ, công nhân viên.
“Nhưng tôi xin khẳng định lại chủ trương không tiếp tục xuất khẩu khoáng sản thô là chủ trương nhất quán và điều này sẽ được thực hiện trong thời gian tới đây”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Đối với vấn đề xuất khẩu than, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, than có nhiều loại (1,2,3,4,5,6), hiện nay các nhà máy điện, than của ta chỉ cần sử dụng loại 4,5 và cao là loại 3, với than loại 1 nếu đem sử dụng sẽ lãng phí do giá thành xuất khẩu cao. Chính vì vậy, phải xuất khẩu một phần than để lấy nguồn thu đầu tư thiết bị, xe chuyên dùng và trả lương.
Thủ tướng cho biết, về lâu dài sẽ chuyển than thành điện để có giá trị cao hơn. Mặt khác sẽ tính toán khảo sát khai thác than trong nước, như bể than sông Hồng nhưng phải nghiên cứu kĩ. Việc đầu tư khai thác than ở nước ngoài cũng sẽ được thực hiện, chẳng hạn như khai thác than ở Xibêri như đã kí kết với Nga.
Thủ tướng “chốt” lại, việc xuất khẩu một phần than, Chính phủ hết sức tính toán theo hướng hiệu quả và giảm dần.
(Theo Dân Trí)