Từ ngày 24-11-2019, đường dây nóng 1022 chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Cùng với hệ thống tổng đài 115, hệ thống đường dây nóng 1022 tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Đây được xem là “cầu nối” gắn kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Từ khi đường dây nóng 1022 và 115 đi vào hoạt động đến nay, nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi quấy nhiễu, nhá máy, thậm chí tung tin báo giả nhằm mua vui, từ đó ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ cấp cứu và phòng, chống dịch bệnh tại Bình Dương
Nhân viên đường dây nóng 1022 và đường dây khẩn cấp 115 trực tin báo từ phía người dân
Chiếc cầu nối giữa người dân và chính quyền
P.V đã có mặt tại Hệ thống đường dây nóng tỉnh Bình Dương (số 36 Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) để lắng nghe câu chuyện của những nhân viên trực tổng đài 1022 và 115. Mỗi ngày có khoảng 9 đến 10 nhân viên trực đường dây nóng 1022 và 115. Nhân viên trực tổng đài chia làm 3 ca, từ 6 đến 14 giờ, 14 giờ đến 22 giờ và từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Mỗi ca luôn có từ 3 đến 5 nhân viên trực để kịp thời tiếp nhận nguồn tin cung cấp từ người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo ghi nhận, mỗi ngày có hàng chục cuộc gọi phản ánh, cấp cứu từ phía nhân dân với các nội dung như tiếp nhận cấp cứu y tế, giải đáp thủ tục hành chính, khiếu nại/tố cáo, phản ánh hiện trường về thực trạng cơ sở hạ tầng, trật tự đô thị, gian lận thương mại, báo cháy…
Thời điểm mới thành lập đường dây nóng 1022 và tiếp nhận hệ thống 115, mỗi tháng nhân viên có thể tiếp nhận tới 114 cuộc gọi cấp cứu y tế, gần 100 cuộc gọi tư vấn thủ tục hành chính và hơn 150 cuộc gọi phản ánh, tố cáo. Chỉ tính trong 1 tháng, từ ngày 24-12- 2019 đến 23-1-2020, số lượng cuộc gọi cấp cứu tăng lên đến 350 cuộc, gọi phản ánh giảm 56 cuộc. Theo thống kê mới nhất từ hệ thống đường dây nóng 1022 và 115, tần suất gọi cấp cứu trung bình mỗi tháng khoảng 250 cuộc, gọi tư vấn thủ tục hành chính khoảng 23 cuộc, gọi phản ánh hiện trường khoảng 46 cuộc.
Từ khi đường dây nóng 1022 đi vào hoạt động đến nay, nhiều vấn đề thắc mắc của người dân được giải đáp, những phản ánh của người dân đã được chuyển đến cơ quan chức năng kịp thời. Khi tiếp nhận thông tin phản ánh, nhân viên trực đường dây nóng sẽ đề nghị cung cấp thêm hình ảnh và thông tin, khi xác định thông tin phản ánh chính xác, nhân viên tổng đài sẽ chuyển phản ánh đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Theo thông tin từ nhân viên đường dây nóng 1022, trong tháng 2-2020, một người dân đã gọi đến đường dây 1022 phản ánh việc bắt quả tang một doanh nghiệp tại KCN Mỹ Phước chôn rác tại khuôn viên KCN. Sau khi nhận được phản ánh, nhân viên trực tổng đài đã kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường xuống xử lý. Kết quả doanh nghiệp bị xử phạt vì hành vi chôn rác thải công nghiệp trái phép. Một trường hợp khác tại xã An Tây, TX.Bến Cát, một gia đình thuê kiốt che chắn bịt bùng với nhiều dấu hiệu mờ ám, thông tin phản ánh đã kịp thời chuyển đến chính quyền địa phương để xử lý.
Ngoài ra, rất nhiều vụ phản ánh hiện trường liên quan tới ô nhiễm môi trường, rác thải, tai nạn giao thông… được thông tin kịp thời đến đường dây nóng và được nhân viên trực đường dây nóng chuyển đến chính quyền kịp thời. Chị Nguyễn Lê Hoàng Phương, nhân viên đường dây nóng 1022, 115 chia sẻ: “Một khi nhận thấy thông tin phản ánh là chính xác, đúng sự thật, chúng tôi lập tức có văn bản chuyển đến cơ quan chức năng. Nhờ chuyển thông tin phản ánh của người dân kịp thời đến nơi cần đến nên hầu hết các vụ việc đều được giải quyết thỏa đáng; hoặc cơ quan chức năng có văn bản trả lời để người dân nắm. Nhiều người dân thấy vụ việc mình phản ánh được giải quyết đã gửi lời cảm ơn đến tổng đài. Đây cũng là niềm vui và động lực cho chúng tôi”.
Tăng mức xử phạt đối với hành vi gọi điện quấy rối
Bên cạnh những cuộc gọi cung cấp thông tin đúng sự thật còn có những cuộc gọi “giả”, tức là tin báo giả và những cuộc gọi quấy rối, phá phách. Có người nhá máy cả chục lần trong một buổi tối, có người gọi chỉ để… chửi tục và buông lời khiếm nhã đối với nhân viên trực tổng đài. Chưa kể, các em thiếu nhi trong mùa nghỉ tết, nghỉ ở nhà để tránh dịch bệnh Covid -19 đã không ngừng gọi vào số 115 để “thử máy” hoặc bi ba bi bô chuyện gì đó. Một số đối tượng say xỉn, trong cuộc nhậu đã liên tục gọi điện đến đường dây nóng và đường dây khẩn cấp để cười đùa, trêu chọc nhân viên.
Trước tình hình các đối tượng quấy rối đường dây nóng 1022 và 115, các nhân viên trực đường dây nóng tại đây buộc phải chặn số di động và số điện thoại bàn của các đối tượng trên. Chị Nguyễn Hoàng Kim Khánh, nhân viên trực tại đây, cho biết: “Đối với những số điện thoại gọi liên tục 10 cuộc gọi nhưng không cung cấp thông tin gì mà chủ yếu để quấy phá, chúng tôi sẽ chặn số. Tùy theo mức độ và tần suất quấy rối, chúng tôi có thể chặn các số điện thoại này từ 1 đến 3 ngày/tuần. Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi lên danh sách những số điện thoại bàn và di động quấy rối gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông để có biện pháp xử lý. Vừa qua, sở cũng đã công khai danh sách gần 300 thuê bao quấy rối vào đường dây nóng 1022, 115 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó đến nay, tình trạng quấy rối này có giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Việc các đối tượng gọi vào quấy rối sẽ cản trở việc hỗ trợ cấp cứu và công tác phòng, chống dịch bệnh của người dân trong thời điểm hiện nay”.
Trước tình trạng quấy rối vào đường dây nóng 1022 và 115 tỉnh, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan sớm điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với gần 300 số điện thoại liên tục gọi điện, nhá máy quấy rối hoặc phản ánh thông tin không chính xác, ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đã chỉ đạo thanh tra sở phối hợp với lực lượng công an làm việc với các doanh nghiệp viễn thông tiến hành xác minh, tổng hợp danh sách thông tin các chủ thuê bao quấy rối vào số 115 và 1022 để khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi công bố danh sách gần 300 số thuê bao quấy rối đến tổng đài, hiện nay tình trạng quấy rối có giảm nhưng vẫn còn. Tính đến cuối tháng 3-2020, có khoảng 400 số điện thoại quấy rối được liệt kê vào “danh sách đen”. Ông Lai Xuân Thành cho biết: “Phía Trung tâm công nghệ thông tin sẽ phối hợp với đơn vị LCS tổng hợp danh sách các thuê bao quấy rối và chuyển thanh tra sở xử lý. Tùy theo mức độ quấy rối nhẹ hay nặng mà có các biện pháp, như: Nhắn tin nhắc nhở chủ thuê bao; mời lên nhắc nhở, yêu cầu làm bản cam kết không tái phạm. Nặng hơn là xử phạt hành chính. Theo hướng dẫn của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, hành vi gọi điện, tung tin sai sự thật hoặc có tính chất quấy rối hệ thống đường dây nóng 1022, 115 sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Điều đáng nói là kể từ ngày 15-4- 2020, theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt cho các hành vi trên sẽ tăng lên từ 50 - 70 triệu đồng. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn những đối tượng xấu có hành vi quấy rối đến các số đường dây nóng”.
Cũng theo ông Lai Xuân Thành, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo chủ nhân của những số điện thoại đã công khai trong danh sách đợt vừa rồi, nếu tiếp tục gọi quấy rối đường dây nóng 1022 thì sau này sẽ không được tổng đài 1022 tiếp nhận cuộc gọi vĩnh viễn, do đó khi có hữu sự sẽ không được trợ giúp.
Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Phía Trung tâm công nghệ thông tin sẽ phối hợp với đơn vị LCS tổng hợp danh sách các thuê bao quấy rối và chuyển thanh tra sở xử lý. Tùy theo mức độ quấy rối nhẹ hay nặng mà có các biện pháp, như: Nhắn tin nhắc nhở chủ thuê bao; mời lên nhắc nhở, yêu cầu làm bản cam kết không tái phạm. Nặng hơn là xử phạt hành chính. Theo hướng dẫn của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, hành vi gọi điện, tung tin sai sự thật hoặc có tính chất quấy rối hệ thống đường dây nóng 1022, 115 sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đồng. Kể từ ngày 15-4-2020, theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt cho các hành vi trên sẽ tăng lên từ 50 - 70 triệu đồng”. |
TÂM TRANG