Trước khi cưới, Hoa và chồng có thể thâu đêm suốt sáng để nhắn tin, nói đủ thứ chuyện. Hơn chục năm sau, giao tiếp mỗi ngày của họ chỉ còn vài từ ngắn ngủi.
Minh Hoa, 40 tuổi, sống ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, vợ chồng cô không có mâu thuẫn hay xung đột gì. Cuộc sống gia đình cũng "vừa đủ" và cứ bình lặng trôi đi chỉ có điều "một ngày vợ chồng nói với nhau không đến 10 câu".
"Như hôm qua, tôi muốn kể chuyện cơ quan với chồng nhưng nói một hồi mới phát hiện mình tôi nói mình tôi nghe", người mẹ hai con kể về một ngày bình thường của mình. Để phá tan bầu không khí buồn chán, cô tiếp tục hỏi anh tối muốn ăn gì, nhưng nhận lại vẫn là sự im lặng. Mãi đến khi ngồi xuống ghế, Hoa phát hiện chồng đang chăm chú chơi game. Anh quay lại hỏi: "Em vừa nói gì thế?". Cô lặp lại những gì vừa nói nhưng vẫn không nhận được phản hồi.
Hoa chia sẻ, trong những cuộc trò chuyện với bạn bè, trước đây cô nghĩ lấy người mình yêu là điều kiện đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. "Nhưng giờ tôi mới hiểu, tình yêu đích thực là tìm được người có thể cùng trò chuyện tới già", cô nói vẻ chua chát.
Với nhiều cặp vợ chồng, giao tiếp của họ trong một ngày chỉ có vài câu ngắn ngủi.
Chị Hồng Vân, 45 tuổi, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh từ lâu cũng nhận ra chồng không còn hứng thú với câu chuyện của vợ. Những cuộc nói chuyện bất tận không có hồi kết thuở mới yêu, giờ trở thành những lần độc thoại.
"Có những ngày cả hai chẳng nói với nhau câu nào, bởi không có chủ đề chung", chị Vân nói. Với người phụ nữ này, số năm kết hôn tỷ lệ nghịch với số từ vợ chồng nói với nhau mỗi ngày.
Tuy vậy mỗi khi gặp bạn bè, chồng chị như con người khác, cười nói rôm rả. Ban đầu, chị Vân nghĩ trong số bạn có cả phụ nữ nên chồng mới hứng thú như vậy nhưng khi gặp toàn đàn ông, anh cũng tươi vui không kém. Chủ nhật ở nhà, người chồng có thể gọi hàng chục cuộc điện thoại, nhưng ít khi mở lời với vợ. Người phụ nữ này ví cuộc hôn nhân của mình như "hàng xóm cùng phòng". Không nói chuyện, không cãi vã, không gian dối, nhưng không có hạnh phúc.
Cuộc sống vợ chồng hiện tại của Vân và Hoa là thực tế mà nhiều gia đình đang trải qua. Theo khảo sát của phóng viên Vnexpress với khoảng 1.000 cặp đôi cùng câu hỏi: "Bạn nghĩ sao khi vợ chồng chỉ nói với nhau vài câu mỗi ngày?", có đến 30% trong số này coi đó là chuyện bình thường, bởi gia đình họ cũng như vậy.
Nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa nhận định, đây là thực trạng đáng ngại bởi vợ chồng mất ngôn ngữ chung đồng nghĩa mất đi sự thân mật. "Ngôn ngữ là cầu nối giao tiếp cần thiết của con người, không có giao tiếp thì tình cảm tự nhiên phai nhạt, gia đình khó hòa thuận, bền chặt", ông nói.
Giải thích chuyện vợ chồng mỗi ngày chỉ nói với nhau vài câu, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, lý do hay được mang ra nhất là công việc vất vả khiến ai cũng mệt mỏi, không muốn trò chuyện.
"Những mâu thuẫn trong gia đình cứ tích tụ lại. Sau mỗi lần cãi vã, thay vì hiểu nhau hơn, nhiều cặp vợ chồng lại chọn cách tránh né, im lặng không nói", ông Hoàng Anh Tú nhận định. Đàn ông vốn ít lời hơn phụ nữ, gặp phải người vợ hay phàn nàn càng khiến họ kiệm lời hơn. Chưa kể cơm áo gạo tiền khiến cả hai mỏi mệt, một chút động chạm cũng thành to tiếng nên để tránh cãi vã, nhiều người chọn cách im lặng.
Khác biệt về giới tính, cấu trúc não của hai giới khác nhau cũng là nguyên nhân nguội lạnh trong hôn nhân. Suy nghĩ của nam giới tập trung hơn vào việc giải quyết vấn đề, trong khi phụ nữ để ý hơn đến cảm xúc. Trong nhiều trường hợp, đàn ông chỉ muốn giải quyết còn phụ nữ chỉ mong giải tỏa, đàn ông không muốn đoán định, phụ nữ lại không muốn nói thẳng ra. Cứ như thế, cả hai đều không chịu hiểu bạn đời cần gì, muốn gì mà chỉ mong đối phương phải hiểu mình. Lâu dần, hôn nhân mất lửa, chán dần đều, nhàm và nhạt. Hai người trong cuộc đều chọn cho mình những góc trú ẩn riêng, kiểu "nước sông không phạm nước giếng".
"Họ không còn tìm thấy tiếng nói chung, không còn hứng thú chia sẻ với nhau vấn đề nào nữa. Đó không phải chiến tranh lạnh mà là hòa bình có điều kiện", ông Tú khẳng định.
Để cuộc hôn nhân 20 năm của mình không nhàm và nhạt, anh Tuấn Hưng, sống ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn duy trì thói quen nói chuyện với vợ trước khi đi ngủ. Câu chuyện của họ trên trời dưới biển, đôi khi chẳng có trọng tâm, giống như tính vợ anh, nghĩ gì nói nấy. "Nhiều người cho rằng cô ấy nói nhiều, nhưng tôi hiểu, vợ cần một người lắng nghe và tôi là người được chọn", Hưng nói.
Theo người đàn ông 50 tuổi, một cuộc hôn nhân tốt đẹp là khi hai vợ chồng ngồi lại với nhau với tâm trạng thoải mái để nói về cuộc sống, con cái, công việc-những thứ được coi là "củi, gạo, dầu muối"... tầm thường nhất. Không cần những lời ngọt ngào, không cần lời tán dương, chỉ cần có người sẵn sàng lắng nghe những gì người kia nói.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa đồng tình với cách thức duy trì cuộc hôn nhân của anh Hưng. Theo vị chuyên gia, việc vợ chồng còn trò chuyện, cười đùa được với nhau sau hàng chục năm kết hôn nghĩa là cuộc hôn nhân đó vẫn "còn sống".
"Nói chuyện chính là gieo trồng và nuôi dưỡng hôn nhân. Bệnh mất ngôn ngữ trong hôn nhân không phải không thể chữa, chỉ có hai trái tim không muốn chữa mà thôi", ông Hòa khẳng định, lắng nghe đối phương chính là chất keo bảo vệ tốt nhất cho cuộc hôn nhân của mỗi người. Có thể đó không phải chuyện to tát, chỉ là thời gian để hai người thể hiện sự gắn kết và yêu thương nhau. Tuy nhiên, duy trì một mối quan hệ luôn là vấn đề của cả hai. Nếu chỉ một người nỗ lực và người kia không thay đổi, hôn nhân cũng không thể tốt đẹp.
Cùng quan điểm với ông Hòa, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, để tạo ''chất keo" trong hôn nhân, các cặp vợ chồng cần dành nhiều thời gian chất lượng bên nhau để chữa lành chính bản thân mình, bằng cách nói ra cho hết những gì đang tâm tư, đang nghi ngại hay bất an.
"Nên có lịch riêng cho hai vợ chồng mỗi ngày. Có thể là trước giờ đi ngủ, tranh thủ trước giờ đi làm. Thay vì than thở, hãy tặng nhau những lời khen, lời chúc cũng là tăng kết nối", ông Tú nói.
Theo nhà văn, người chồng chịu khó học cách lắng nghe, vợ nói thì bỏ điện thoại xuống, ngừng công việc, nghe vợ một chút. Người vợ chịu khó học cách ghi nhận chồng, khen chồng, cảm ơn những gì anh ấy đã làm, nói cho anh ấy nghe cảm xúc tích cực từ vợ.
"Đàn ông cần được ghi nhận, phụ nữ cần được lắng nghe, như thế mới duy trì được hôn nhân lâu dài và chất lượng", ông Tú khẳng định.
Theo VNE