Tố cáo và giải quyết tố cáo: Thực trạng và giải pháp!

Cập nhật: 23-09-2010 | 00:00:00

Nơi nào chính quyền gần dân, lắng nghe dân và thấu hiểu sự bức xúc của dân khi lợi ích bị thiệt hại thì mới có cách giải quyết các vấn đề liên quan đến dân một cách rõ ràng và minh bạch được. Ngược lại, nếu chính quyền mà đứng ngoài, thờ ơ với những bức xúc của dân, thì tình hình khiếu kiện, nhất là khiếu kiện vượt cấp kéo dài sẽ còn tiếp diễn.

Thực tế cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) hiện nay vẫn còn nhiều, có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tình trạng khiếu nại vượt cấp nhiều, với tính chất gay gắt, quyết liệt và có tổ chức chặt chẽ hơn. Trong số các vụ KNTC phần lớn có nội dung liên quan đến đất đai, nhất là đất thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, công trình công cộng, làm đường giao thông... Trong khiếu kiện đông người, xuất hiện nhiều đoàn có tổ chức, có người cầm đầu, chỉ huy và có sự liên kết giữa các đoàn tập trung với số lượng lớn...

Cụm công nghiệp Thanh An sau quy hoạch vẫn còn là bãi đất trống

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do: Luật quy định người giải quyết KNTC phải đối thoại trực tiếp với dân nhưng trên thực tế rất ít các vụ việc được đưa ra đối thoại trực tiếp. Thành ra người giải quyết KNTC chủ yếu căn cứ vào tài liệu, báo cáo, thiếu thông tin, không nắm được nguyện vọng của người dân. Các tổng kết cho thấy, chất lượng giải quyết KNTC kém ở tất cả các cấp. Ngay cả quyết định giải quyết cuối cùng, có khi không đúng hoặc phải sửa. Mặt khác, bệnh thành tích khiến nhiều cán bộ không để ý đúng mức đến quyền lợi của người dân mà chỉ quan tâm làm sao trong nhiệm kỳ mình phải có khu công nghiệp, khu thương mại nhưng hiệu quả của các dự án đó thế nào, hậu quả ra sao lại không cần biết. Giải phóng mặt bằng xong người dân bị đưa đi nơi khác, nếu thực sự mảnh đất của họ mang lại hiệu quả họ sẽ chẳng nói gì, nhưng có nơi chỉ là quy hoạch treo nhiều năm trời không triển khai được, như: Cụm công nghiệp Thanh An, huyện Dầu Tiếng; Khu biệt thự Minh Long, huyện Bến Cát; Khu TĐC rừng lịch sử Kiến An, huyện Dầu Tiếng... người dân xót xa nên khiếu kiện. Đó là chưa nói đến quyền lợi trực tiếp của họ bị xâm phạm. Có trường hợp đất của người dân bị thu hồi nhưng khi chia lô, bán nền thì ngoài suất đất tái định cư họ không thể có đủ tiền mua nổi vài chục mét vuông nữa.

Người dân khiếu kiện trước trụ sở cơ quan Nhà nước

KNTC kéo dài, phức tạp, chất lượng giải quyết không cao, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý như thế nào không được nói đến. Rất ít, mà đúng hơn là không có cán bộ công chức nào bị xử lý do giải quyết KNTC không đúng hoặc thiếu trách nhiệm. Điển hình như Dự án Khu dân cư nhà vườn Tân Vũ Minh, sau khi có đơn thư tố cáo, Thanh tra tỉnh đã có kết luận là khiếu nại có đúng, có sai; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Minh Khai, TX.TDM khi có đơn tố cáo, Thanh tra tỉnh cũng có kết luận có 3 nội dung tố cáo đúng và 3 nội dung tố cáo sai và một số đơn thư tố cáo hành vi hành chính, Thanh tra tỉnh cũng đã có kết luận là tố cáo đúng, phải thu hồi quyết định... Trong khi lẽ ra với tình hình như hiện nay, cần phải có cách nhìn mới về KNTC, vấn đề trách nhiệm của người giải quyết KNTC phải được đề cao. Tố cáo là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp khẳng định rất rõ. Thực hiện quyền cơ bản này là công dân thực hiện quyền tham gia quản lý xã hội, quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo vệ lợi ích chung, thể hiện ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân đối với cộng đồng. Tố cáo và giải quyết tố cáo luôn là vấn đề thể hiện sinh động mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước. Thông qua tố cáo và giải quyết tố cáo góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân hiện nay, về thẩm quyền giải quyết KNTC cũng là một vấn đề cần xem xét. Rồi ngay cả cơ chế giải quyết của Tòa hành chính cũng phải nghiên cứu. Theo báo cáo của ngành tòa án thì các vụ án hành chính đưa ra tòa rất ít. Người ta không tin tưởng lắm vào kết quả giải quyết của tòa...

Để khắc phục tình hình nêu trên, các ngành chức năng phải đặc biệt quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết đúng đắn, kịp thời KNTC của công dân. Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, ngăn ngừa, khắc phục tình trạng công dân khiếu tố vượt cấp, không đúng nơi quy định, gây mất trật tự nơi công sở hoặc nhà riêng các đồng chí lãnh đạo, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy và chính quyền địa phương cần phân công, bố trí lịch tiếp dân theo quy định của pháp luật. Trực tiếp đối thoại với dân, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC của dân. Trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ việc đặc biệt; làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quyền KNTC, thực hiện KNTC có trật tự, đúng pháp luật, đến đúng cấp và cơ quan có thẩm quyền. Đúng nơi quy định là trụ sở tiếp công dân hoặc cơ quan có trách nhiệm. Những vụ việc cơ quan có trách nhiệm đã giải quyết đúng thì khẩn trương thi hành. Nếu người dân còn tiếp tục khiếu tố thì cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục để họ hiểu và nghiêm túc thực hiện; các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan tuyên truyền pháp luật KNTC để mọi người hiểu rõ chính sách, pháp luật. Biểu dương kịp thời những điển hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay, phê phán những việc làm trái pháp luật. Khi đưa tin các sự việc cụ thể phải khách quan, trên cơ sở thẩm tra, xác minh cụ thể hoặc sử dụng kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Khắc phục hiện tượng đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất sự việc hoặc suy diễn mang tính kích động, không có lợi.

HÙNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên